Vì sao Tập đoàn Công nghiệp Cao su chưa thể IPO ?

VietTimes -- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là doanh nghiệp có số vốn lớn, quản lý hàng trăm nghìn hecta đất, trên 130.000 lao động nên cần phải xem xét kỹ lưỡng giá trị doanh nghiệp tránh thất thoát, lãng phí bảo đảm quyền lợi của người lao động khi cổ phần hóa.
Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN.
Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN.

Liên quan đến việc chậm Cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Phiên họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều ngày 3/11 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Tập đoàn Công nghiệp cao su được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành cổ phần hóa nhưng trên tinh thần Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su chưa thể thực hiện được theo kế hoạch, nguyên nhân nằm ở 03 khía cạnh.

Thứ nhất Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có số vốn rất lớn. Thứ hai, Tập đoàn hiện đang quản lý hàng trăm nghìn hecta đất kể cả đất nông nghiệp, đô thị. “Đây là vấn đề chúng ta đang cân nhắc để xem xét đảm bảo việc cổ phần hóa nhưng đảm bảo được giá trị của đất và quyền sở hữu của Nhà nước tránh những hệ lụy phức tạp từ đất đai”,Thứ trưởng Tuấn cho biết.

Vấn đề thứ ba, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là doanh nghiệp có số lượng lao động rất lớn hơn 130.000 lao động và cả những người nhận khoán rất nhiều nên việc giải quyết các chính sách như mua cổ tức ưu đãi phải làm rất kỹ lưỡng, dân chủ để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ đã có tổ chức các cuộc họp với các bộ, ngành để nghe Tập đoàn và Bộ Nông nghiệp báo cáo về việc này. Chính phủ đã chỉ đạo ngoài việc phải làm rất chặt chẽ thì phải thực hiện kiểm toán tài chính, do vậy hiện nay lộ trình bị kéo dài một vài tháng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin, trong tháng 9 sau khi xem xét Bộ Nông nghiệp đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để đưa Tập đoàn ra cổ phần hóa và đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa.

“Theo ý kiến của các bộ, ngành Tập đoàn sẽ tiến hành các bước trong quá trình cổ phần hóa sớm nhất đặc biệt là IPO. Tuy nhiên, việc IPO có thể hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Bán lần thứ nhất không hết thì phải bán lần thứ 2, thứ 3. Do vậy mong muốn của Bộ và Chính phủ là muốn bán cho sớm nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay đến quý I/2018”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận việc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm, chưa thực chất, chưa nâng cao chất lượng, tỷ lệ sở hữu của nhà nước vẫn còn cao mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo việc đẩy nhanh cổ phần hóa này, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần đặc biệt lưu ý đến định giá, đánh giá các doanh nghiệp vì nếu đánh giá thấp giá trị của doanh nghiệp Nhà nước và gây ra thất thoát lãng phí nguồn tài nguyên, tài sản.

Trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cam kết với Thủ tướng cố gắng IPO Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong tháng 7, tuy nhiên đến nay kế hoạch này Bộ Nông nghiệp đã chưa thể hoàn thành.