Vì sao ông Đinh La Thăng không được giảm án?

VietTimes -- Nhận thấy không có căn cứ để xem xét lại tội danh và việc lượng hình đối với ông Đinh La Thăng, Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Ông Đinh La Thăng nhận mức án 13 năm tù, đây là mức án được đánh giá phù hợp, không quá nặng.
Ông Đinh La Thăng tại tòa phúc thẩm - Ảnh: TTXVN
Ông Đinh La Thăng tại tòa phúc thẩm - Ảnh: TTXVN

Chiều 14-5, sau 6 ngày làm việc, tòa phúc thẩm đã tuyên án các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan tới dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định tuyên y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng (13 năm tù);  tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quốc Khánh 7 năm tù (giảm 2 năm so với án sơ thẩm); Vũ Đức Thuận Vũ Đức Thuận 21 năm tù cho cả hai tội (giảm 1 năm tù); Lê Đình Mậu 3 năm 6 tháng tù (giảm 1 năm); Nguyễn Ngọc Quý 5 năm, 6 tháng tù (giảm 1 năm tù).  Các bị cáo Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa, Bùi Mạnh Hiển, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Mạnh Tiến, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên cũng bị tuyên y án.

Về dân sự, HĐXX cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên trách nhiệm dân sự đối với tất cả các bị cáo Theo đó, buộc các bị cáo bồi thường hơn 119 tỷ đồng, riêng ông Đinh Là Thăng phải bồi thường cho PVN 30 tỷ đồng vì tội cố ý làm trái.

Như vậy, so với bản án sơ thẩm được tuyên trước đó, ông Đinh La Thăng đã không được giảm án dù đã có kháng cáo.

HĐXX khẳng định việc tạm ứng tiền cho PVC là do ông Đinh La Thăng chỉ đạo nên bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực đã phạm tội Cố ý làm trái, vi phạm Nghị định 12, Nghị định 112, Nghị định 48 của Chính phủ. Vì vậy, việc các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực kháng cáo kêu oan hoặc không phạm tội là không có căn cứ để chấp nhận.

Về xác định thiệt hại, HĐXX phúc thẩm thấy các giám định viên đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hoàn toàn có căn cứ. HĐXX phúc thẩm cũng nhận định mức hình phạt sơ thẩm 13 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng là mức án cần thiết và không nặng. Không có căn cứ để giảm hình phạt cho nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng như các luật sư đã nêu. Việc gia đình bị cáo Thăng nộp 1 tỷ đồng là số tiền không đáng kể so với con số 30 tỷ đồng bị cáo phải bồi thường nên không có căn cứ để giảm nhẹ cho bị cáo.

Trong chiều cùng ngày (14/5), tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Nam.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 355, Bộ luật tố tụng hình sự: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.

Trước đó, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Thăng và ông Khánh. Riêng đối với ông Đinh La Thăng, tại Hội nghị Trung ương 7, BCH Trung ương Đảng đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng..