Vì sao nhiều ngân hàng vẫn trì hoãn niêm yết ?

Ngày 29-1, Thống đốc NHNN có văn bản về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) của các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhưng đã gần nửa năm trôi qua, vẫn chưa có ngân hàng nào "nhúc nhích". Lý do gì khiến các ngân hàng "trốn" niêm yết?
Vì sao nhiều ngân hàng vẫn trì hoãn niêm yết ?

Trong số vài chục ngân hàng đang hoạt động, đến nay mới có chưa đến 10 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Những ngân hàng đã có mặt trên sàn chủ yếu là các tên tuổi lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MB, SHB… 

Những cái tên khác vẫn chưa thấy công bố thông tin cụ thể về kế hoạch niêm yết mặc dù đã hứa hẹn nhiều lần trong các kỳ đại hội cổ đông hoặc trong những cuộc họp. Tại văn bản số 657 được NHNN ban hành từ đầu năm 2015, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc ngân hàng thương mại cổ phần hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK (lên sàn). Trước đó, NHNN cũng đã 2 lần ban hành văn bản hối thúc các ngân hàng lên sàn nhằm công khai minh bạch giao dịch, tránh sở hữu chéo.

Lý giải cho việc trì hoãn niêm yết cổ phiếu, lãnh đạo một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội cho biết, TTCK đang "èo uột", lình xình và chưa có bứt phá, nên ngân hàng không dám lên sàn vì sợ rủi ro. Không chỉ năm 2015, mà trong suốt mấy năm qua, TTCK chỉ giảm, không tăng, có những thời điểm chỉ số VN-Index lùi khỏi ngưỡng 400 điểm khiến nhiều ngân hàng e ngại. Trong bối cảnh cổ phiếu "họ" ngân hàng không còn "nóng", nếu đưa lên sàn vào thời điểm thị trường không sôi động, cổ phiếu chắc chắn khó lên giá.

Đại diện một ngân hàng tương đối lớn có hội sở ở TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, đây không phải là thời điểm tốt để đưa cổ phiếu lên sàn, bởi TTCK vẫn chưa có những bước tăng trưởng ổn định, niềm tin của giới đầu tư với thị trường chưa thực sự trở lại. Nếu lên sàn, cổ đông của ngân hàng có thể sẽ bị rủi ro, vì nhiều nhà đầu tư trên sàn vẫn mua, bán cổ phiếu theo trào lưu, tâm lý đám đông, dẫn đến tình trạng thị trường có thể tăng phi mã, nhưng cũng có thể giảm không phanh. Để có thể lên sàn, ngân hàng sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc công bố thông tin, năng lực tài chính, đến lành mạnh hóa toàn bộ hoạt động...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngân hàng chỉ đổ lỗi cho sự kém sôi động của TTCK, thực tế ngân hàng có nhiều e ngại xuất phát từ năng lực nội tại. "Sức khỏe" không lạc quan, cộng với những con số khó công khai minh bạch khiến nhiều ngân hàng không dám lên sàn. Thêm một lý do khá quan trọng cản trở cho lịch niêm yết của ngân hàng chính là sở hữu chéo, trong khi mục tiêu mà NHNN đặt ra cho hành trình niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng là tránh sở hữu chéo...

Tình trạng sở hữu chéo gây lo ngại cho cả cơ quan chức năng và giới đầu tư, bởi nếu sở hữu chéo, đầu tư chéo thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng, cũng như toàn hệ thống, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Hơn nữa, bản thân ngân hàng cũng sợ bị "sờ gáy", lộ thông tin sở hữu chéo nên chưa muốn "bày" hết lên sàn. Rõ ràng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh hơn để cổ phiếu của các ngân hàng phải có mặt trên sàn niêm yết, bởi khi lên sàn chứng khoán, mọi thông tin về ngân hàng mới được lành mạnh và minh bạch hóa.

Theo Hà Nội mới