Vì sao người Việt đổ xô mua ô tô ?

Kinh tế tăng trưởng tốt, giá hấp dẫn hơn, cơ sở hạ tầng được cải thiện…được cho là những nguyên nhân chính giúp thị trường ô tô Việt Nam 2016 tiếp tục lập kỷ lục bán hơn 300.000 xe.
Mazda tiếp tục khiến người tiêu dùng Việt Nam phát sốt
Mazda tiếp tục khiến người tiêu dùng Việt Nam phát sốt

Năm 2016 vừa qua, mặc dù gặp một số khó khăn như thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng (với xe trên 2.500 cc), tâm lý chờ thuế giảm theo lộ trình ở khu vực ASEAN (thuế suất thuế nhập khẩu 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018)…nhưng theo số liệu thống kế của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng 24%, đạt hơn 304.000 xe bán ra, lập kỷ lục mới trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ thời điểm những liên doanh ô tô đầu tiên được thành lập và đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Dưới đây là một số động lực quan trọng giúp thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới:

Kinh tế tăng trưởng, thu nhập tăng

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015. Mặc dù thấp hơn mục tiêu 6,7% nhưng mức GDP tăng hơn 6,2% trong năm qua tiếp tục cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, làm tiền đề cho sự phát triển của hàng loạt ngành, nghề, lĩnh vực và cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, đi lại mà ô tô là một trong những phương tiện chủ đạo.

Cùng với đó, GDP bình quân đầu người năm 2016 ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Đặc biệt nếu so với mức 1.273 USD năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2016 đã tăng tới 74%, là một trong những tiền đề quan trọng cho thỏa mãn nhu cầu mua sắm ô tô trong bối cảnh tỷ lệ dân sở hữu ô tô tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Vì sao người Việt đổ xô mua ô tô ? ảnh 1
Thu nhập tăng khiến nhu cầu mua ô tô tăng

Giá xe thấp hơn

Trong năm qua, hàng loạt các doanh nghiệp lớn như Trường Hải (Thaco), Toyota, Ford, Honda…đều lập những kỷ lục mới về doanh số bán, trong đó Thaco là doanh nghiệp lớn nhất, chiếm tới 41% thị phần nhưng có được mức tăng trưởng tới 40% so với năm 2016 với gần 113.000 xe ô tô các loại được bán ra.

Sự tăng trưởng doanh số của doanh nghiệp dẫn đầu được cho có một phần rất quan trọng nhờ chính sách giá liên tục được điều chỉnh giảm, ưu đãi tùy theo từng tháng. Nếu so sánh giá từ đầu năm và giá cuối năm, nhiều mẫu xe do Thaco sản xuất, phân phối có mức giảm giá tới cả trăm triệu đồng. Mặc dù việc giảm giá có thể gây phản ứng tiêu cực từ một bộ phận khách hàng đã mua xe nhưng với rất nhiều người đang có ý định mua xe thì đây lại là những cơ hội tốt để sở hữu chiếc xe họ mong muốn, chưa kể đây là xu hướng tất yếu, tích cực, được đa số người dân ủng hộ.

Sự tiên phong của Thaco khiến nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng phải ít nhiều chạy theo và nhờ đó, giá xe trở nên hấp dẫn hơn. Chẳng hạn Toyota Camry lần đầu tiên có phiên bản mới nhưng giá bán lại thấp hơn tới vài chục triệu đồng so với trước. Hay có nhiều mẫu xe mới tung ra thị trường phải định giá ở mức cạnh tranh mới mong đạt được doanh số kỳ vọng…

Vì sao người Việt đổ xô mua ô tô ? ảnh 2
Toyota Camry mới có giá thấp hơn

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, dịch vụ taxi phát triển

Một trong những nguyên nhân khác được nhắc tới là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện trên toàn quốc. Các đường cao tốc được mở rộng, đưa vào hoạt động mới; giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, hệ thống quốc lộ tiếp tục được mở rộng.

Cùng với đó, một số tín dụng mua xe tăng trưởng và đặc biệt là sự bùng nổ của các dịch vụ Uber, Grab tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là tiền đề cho nhu cầu ô tô tăng cao. Những kỷ lục vô tiền khoáng hậu của hàng loạt xe cỡ nhỏ thường được làm taxi như Grand i10, Morning và đặc biệt là Vios trong năm qua là những ví dụ điển hình.

Theo VnMedia