Vì sao Liên minh châu Âu thay đổi thái độ, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh?

VietTimes -- Trong một văn kiện với tên gọi không chính thức là Chiến lược của EU đối với Trung Quốc công bố ngày 12.3, Ủy ban châu Âu (European Commission) và cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thái độ đối xử bất công với các công ty của châu Âu cùng hành vi đầu tư không công bằng; cho rằng các hành vi này của Trung Quốc đã đe dọa nền pháp trị của quốc gia nhận đầu tư và có thể khiến họ sa vào nguy cơ nợ nần. Thậm chí EU còn gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống”.
Việc EU thay đổi thái độ, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh sẽ khiến quan hệ hai bên trở nên khó xác định.
Việc EU thay đổi thái độ, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh sẽ khiến quan hệ hai bên trở nên khó xác định.

Văn bản này còn viết, châu Âu ngày càng ý thức được rằng, sự cân bằng giữa thách thức và cơ hội mà Trung Quốc mang lại đã thay đổi. Văn bản này là sự khởi đầu cho thay đổi suy nghĩ của EU trong quan hệ đối với Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiều năm qua.

EU thay đổi lập trường, chính sách với Trung Quốc

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều viết, với việc coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, EU đã dọa siết chặt quy định đối với đầu tư của Trung Quốc. Còn tờ The Wall Street Journal thì viết, chỉ mới 2 năm trước, sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, Trung Quốc còn được EU coi là đối tác hợp tác tiềm năng để bảo vệ quy tắc và hệ thống toàn cầu. Nhưng nay Ủy ban châu Âu đã thay đổi thái độ, cho rằng về kinh tế, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực then chốt như phát triển mạng 5G, và là “đối thủ cạnh tranh có tính thể chế” về chính trị; đồng thời bày tỏ cần có các quy định giám sát quản lý chặt chẽ hơn đối với đầu tư của Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có thể gặp khó khăn tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - EU tới đây.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có thể gặp khó khăn tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - EU tới đây.

Tới đây, ngoại trưởng các nước EU và ngoại trưởng Trung Quốc sẽ gặp gỡ nhau và vào ngày 21.3. Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp hội nghị thượng đỉnh tại Brussels để thảo luận về thách thức chiến lược của Trung Quốc. Ngày 9.4, EU và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc họp cấp cao thường niên, đại diện cho Trung Quốc tham dự là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trước cuộc gặp cấp cao giữa EU và Trung Quốc, việc Ủy ban châu Âu tung ra văn kiện trên với nội dung chính là định hướng lại quan điểm chính sách của EU đối với Trung Quốc, nhưng mục đích chính lại là thống nhất trong nội bộ EU về chính sách đối với Trung Quốc để chuẩn bị cho cuộc gặp phía Trung Quốc.

Một quan chức EU cho The Wall Street Journal biết, thái độ của EU đối với Trung Quốc có sự thay đổi hoàn toàn, nguyên nhân chủ yếu là bởi Bắc Kinh không mở cửa thị trường, lợi dụng trợ cấp để tạo ra các công ty mạnh, bành trướng chủ quyền và xúc tiến việc giành địa vị chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông. Sự thay đổi lập trường này chủ yếu để đáp lại sức ép ngày càng lớn đến từ một số quốc gia thành viên như Đức. Những nước này yêu cầu Ủy ban châu Âu “phải có lập trường cứng rắn hơn đối với dã tâm của Trung Quốc”.

Mỹ nỗ lực du thuyết các nước châu Âu nhưng chưa thật thành công trong việc cùng nhau tẩy chay Huawei.
Mỹ nỗ lực du thuyết các nước châu Âu nhưng chưa thật thành công trong việc cùng nhau tẩy chay Huawei.

Tờ Financial Times của Anh cho rằng, văn kiện có tính chính sách này đã định ra giọng điệu cứng rắn cho cuộc gặp gỡ EU – Bắc Kinh. Một quan chức ngoại giao của Đức nói, văn kiện có tính vạch ra viễn cảnh chiến lược này phản ánh rõ nét quan hệ EU – Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu nhân tố cùng có lợi trong mở cửa thị trường, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy ở Trung Quốc. Điều này tạo động lực cho việc các quốc gia châu Âu cùng nhau áp dụng biện pháp đối phó.

Truyền thông Anh viết, cách dùng từ trong báo cáo của EU thể hiện rõ bất đồng trong nội bộ liên minh. Cho đến nay, mặc dù Mỹ nỗ lực du thuyết các nước EU không nên sử dụng thiết bị của Huawei khi phát triển mạng 5G, nhưng các nước trong liên minh đã có lập trường khác nhau đối với thiết bị của Huawei.

Nhận xét về văn kiện này, Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Chongyi Feng) ở Đại học Khoa học kỹ thuật Sydney, Australia nói, quan hệ EU với Trung Quốc đã xuất hiện sự “suy nghĩ lại”, “thức tỉnh”. Ông nói: “Châu Âu cũng như Mỹ, hồi thập niên 1990 đã đặt rất nhiều hy vọng vào Trung Quốc, hy vọng thông qua giúp đỡ Trung Quốc phát triển kinh tế để đưa Trung Quốc vào hệ thống kinh tế thế giới. Nhưng hiện nay, họ đã phát hiện ra chuyện không như ý muốn, chiến lược giao lưu mật thiết đó đã thất bại”. Theo ông Phùng, chính vì thế nên quan hệ của EU với Trung Quốc, nhất là trong kinh tế, mấy năm gần đây ngày càng gần với lập trường của Mỹ.

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa: quan hệ của EU với Trung Quốc, nhất là trong kinh tế, mấy năm gần đây ngày càng gần với lập trường của Mỹ.
Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa: quan hệ của EU với Trung Quốc, nhất là trong kinh tế, mấy năm gần đây ngày càng gần với lập trường của Mỹ.

Trong văn kiện chính sách này, EU cam kết áp dụng biện pháp để đối phó với nguy cơ an ninh mà Huawei và các công ty Trung Quốc gây ra khi xây dựng mạng thông tin di động 5G. Theo đó, dự tính sẽ cùng nhau xúc tiến biện pháp giữ an toàn mạng 5G trong phạm vi EU, bao gồm trao đổi thông tin, đánh giá rủi ra và biện pháp quản lý rủi ro.

Đối với điều được coi là “hành vi cướp đoạt”của Trung Quốc, văn kiện này đề nghị EU áp dụng chính sách mậu dịch tích cực với Trung Quốc, ngăn chặn các công ty Trung Quốc được chính phủ hỗ trợ thu mua các công ty châu Âu.

Văn kiện cũng kêu gọi các nước thành viên nỗ lực hơn nữa để đảm bảo dự án “Vành đai -Con đường” (BRI) của Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc của EU và thông qua đàm phán mậu dịch quốc tế để gây sức ép với Trung Quốc nhằm chấm dứt việc Trung Quốc cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ và các cách làm không công bằng khác.

Tại cuộc hội nghị cấp cao EU – Trung Quốc họp vào tháng tới, Italy có thể trở thành quốc gia đầu tiên trong Tập đoàn 7 nước (G7) ủng hộ và tham gia dự án “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc. Việc EU thay đổi lập trường với Trung Quốc có nghĩa là họ không đồng ý với việc một số nước thành viên như Italy và Hungary ủng hộ sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới châu Âu từ ngày 21 đến 26.3 tới đây được cho là diễn ra vào thời điểm không thích hợp.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới châu Âu từ ngày 21 đến 26.3 tới đây được cho là diễn ra vào thời điểm không thích hợp.

Ông Tập Cận Bình thăm châu Âu vào lúc không thích hợp?

Ngày 18.3, Bộ Ngoại giao  Trung Quốc chính thức thông báo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức các nước Italy, Pháp và Monaco từ ngày 21 đến 26.3. Trang tin Đa Chiều nhận định, hiện nay bóng mây chiến tranh thương mại Trung – Mỹ chưa tan, việc Trung Quốc có mối quan hệ ổn định với châu Âu có ý nghĩa rất trọng đại. Nhưng điều ngoài ý muốn đã xảy ra: đồng thời với việc Trung Quốc công bố về chuyến thăm châu Âu của ông Tập Cận Bình, Ủy ban châu Âu cũng họp nghiên cứu đề nghị điều chỉnh lập trường và chính sách đối với Trung Quốc, điều chỉnh Trung Quốc thành đối thủ cạnh tranh, khiến kế hoạch lôi kéo châu Âu của Trung Quốc có thêm nhân tố không xác định.

Tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông bình luận, châu Âu bị kẹp giữa cuộc xung đột Trung – Mỹ, hiện được coi là mục tiêu Trung Quốc cần khẩn cấp lôi kéo, nên chuyến đi này của ông Tập Cận Bình rất quan trọng. Việc công bố văn kiện chính sách hôm 12.3 cho thấy lập trường của EU đối với Trung Quốc đã từ đối tác mậu dịch lớn nhất trong nhiều năm qua chuyển thành đối thủ cạnh tranh cứng rắn. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự định ngày 21.3 sẽ họp thảo luận về chính sách chứng rắn với Trung Quốc được đề xuất trong văn kiện nêu trên cùng Kế hoạch hành động 10 điểm, dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ thông qua bản báo cáo. Ông Frederick Kempe, Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) cách đây không lâu đã nói, Ủy ban châu Âu lần này có ý định thống nhất lập trường và hành động của các nước thành viên EU để đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng, vào lúc châu Âu điều chỉnh chính sách với Trung Quốc thì ông Tập Cận Bình lại đến thăm. Về khách quan mà nói ông sẽ lâm vào tình cảnh khó xử. Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp kích phá từng bước, lôi kéo từng nước để phá hoại mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc của châu Âu. Theo báo chí Italy, khi ông Tập thăm nước này, Trung Quốc sẽ ký với Italy bản ghi nhớ về dự án “Vành đai - Con đường” (BRI), chính là sự thể hiện sách lược này.

Nếu bản ghi nhớ được ký, Italy sẽ là thành viên đầu tiên của nhóm G7 tham gia BRI. Italy là một trong 6 thành viên sáng lập EU, là nền kinh tế lớn thứ 4 trong EU và thứ 14 trên thế giới. Có thêm sự tham gia của Italy, ý nghĩa chính trị và tâm lý vô cùng to lớn và quan trọng đối với Trung Quốc và đối với BRI, sẽ khiến các nước thành viên EU khác phải xem xét, cân nhắc có nên tham gia mặt trận kiềm chế Trung Quốc hay không?

Trên thực tế, hiện các nước châu Âu vẫn chưa nhất trí về lập trường có tẩy chay Huawei hay không, vì các nước đều có lợi ích quốc gia riêng, muốn tập trung tất cả hỏa lực nhằm vào Trung Quốc thật không dễ dàng. Chính vì sự bất đồng đó đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện sách lược kích phá, lôi kéo ở châu Âu.