Vì sao Lào Cai xin dừng dự án BOT 2.518 tỷ đồng đi Sa Pa?

VietTimes – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong, vừa ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, xin cho phép chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đối với một số đoạn tuyến cấp bách thuộc Dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa.
Vì sao Lào Cai xin dừng dự án BOT 2.518 tỷ đồng đi Sa Pa? (Ảnh minh họa: Internet)
Vì sao Lào Cai xin dừng dự án BOT 2.518 tỷ đồng đi Sa Pa? (Ảnh minh họa: Internet)
 Một thương vụ trao đổi BOT?

Lý do mà tỉnh này nêu ra tập trung vào hai vấn đề: (1) Khó khăn do có sự thay đổi về quy định của Nhà nước; (2) Khó khăn về vốn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương.


Cụ thể, với vấn đề thứ nhất, ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 trong đó có nội dung: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”.

“Dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT sau khi hoàn thành vẫn là đường độc đạo, với hai chiều lên và xuống (với chiều lên là QL4D hiện hữu); việc chỉ thực hiện được thu phí một chiều đối với đường làm mới (TL155), dẫn đến phương án tài chính không đảm bảo; ngoài ra dự kiến sẽ rất khó khăn trong vấn đề quản lý đối với trạm thu phí một chiều và phân luồng giao thông” - Lào Cai báo cáo.

Còn đối với vấn đề thứ hai - Khó khăn về vốn hỗ trợ của Ngân sách Trung ương: Tại Văn bản số 151/TB-VPCP ngày 26/4/2018 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về việc xử lý vướng mắc trong việc giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 nêu rõ: “UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương rà soát, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định”.

“Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên thì việc đầu tư xây dựng Dự án Đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa, tỉnh Lào Cai chưa đảm bảo đồng bộ, tách biệt giữa đường hiệu hữu (QL4D) với đường làm mới (TL155), vẫn còn một số đoạn phải đi chung với QL4D (nhất là đoạn 2,2Km cua Móng Sến) nên không thể tổ chức thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư (theo quy định của Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14). Vì vậy việc triển khai dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là không khả thi” - tỉnh này đánh giá.

“Việc sớm triển khai dự án là rất cần thiết và cấp bách”

Tuy đánh giá “việc triển khai dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là không khả thi” song Lào Cai vẫn khẳng định sự cần thiết sớm triển khai dự án. Thậm chí đến mức cấp bách.

Theo tỉnh này, tuyến đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa có vai trò rất quan trọng về cả kinh tế, xã hội và quốc phòng – an ninh đối với khu vực các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc.

Là tuyến đường huyết mạch kết nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Quốc lộ 6… tuyến đường này nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

Đồng thời theo quy hoạch về việc phát triển hệ thống đường ra biên giới, đường hành lang biên giới Việt – Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 08/5/2007, thì đây là tuyến đường biên giới có ý nghĩa quan trọng phục vụ các mục tiêu quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo sự cơ động của các hoạt động quân sự dọc biên giới Việt - Trung của cả vùng Tây Bắc của tổ quốc.

“Đây cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với khu du lịch Sa Pa và với tỉnh Lai Châu. Từ tháng 9/2014, khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, đặc biệt là khu du lịch quốc gia Sa Pa đã khẩn trương xây dựng để trở thành trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam và quốc tế, trong đó công trình cáp treo lên đỉnh Fansipang đã hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì lưu lượng xe vận tải hành khách và hàng hóa trên tuyến đường QL4D từ Lào Cai đến Sa Pa tăng nhanh”, Lào Cai nêu.

Tỉnh này thống kê rằng các năm 2015, 2016 và 2017 trung bình trên 7.500 xe/ngày đêm. Cá biệt những dịp lễ, tết cuối tuần lưu lượng xe lên tới 13.000 xe/ngày đêm, trong khi tuyến đường này còn nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc dọc một số đoạn trên 10%, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để khắc phục việc ách tắc giao thông, hiện nay các ngày cuối tuần (Thứ 6, 7 và Chủ nhật), tỉnh Lào cai phối hợp với tỉnh Lai Châu phải điều chỉnh hạn chế thời gian lưu thông các loại xe từ 3 trục trở lên trên phạm vi tuyến đường vào ban ngày.

“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, việc sớm triển khai dự án là rất cần thiết và cấp bách” - Lào Cai báo cáo.

Tỉnh này đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển hình thức đầu tư từ hình thức PPP (loại hợp đồng BOT) sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước đối với TL155 đoạn từ nút giao với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Km0 ứng với Km135+400, QL4D) đến Km11+800 (kết nối với QL4D tại Km120+666). “Đây là đoạn tuyến cấp bách có mức độ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao” - công văn viết rõ.

Theo đề xuất của Lào Cai, đoạn tuyến này sẽ có quy mô xây dựng đường cấp IV miền núi; Bn=7,5m; Bm=5,5; Chiều dài tuyến là 11,8Km; Tổng mức đầu tư khoảng 658 tỷ đồng (trong đó: Vốn NSTW là 500 tỷ đồng; vốn NSĐP là 158 tỷ đồng).

Còn với đoạn đầu tuyến từ Ngã ba Kim Tân + Nút giao đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và đoạn từ nút giao với đường tránh QL4D – Thị trấn Sa Pa có chiều dài khoảng 6Km với quy mô 4 làn xe có tổng kinh phí khoảng 850 tỷ đồng, Lào Cai đề xuất, tách thành các dự án khác (tách biệt với QL4D) và kêu gọi đầu tư theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) và Ngân sách địa phương.

Đối với Cầu Móng Sến và đoạn còn lại của TL155, Lào Cai đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét sớm cân đối khi có nguồn vốn sẽ triển khai.

Liên danh nhà đầu tư

Nếu nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, dự án BOT đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa sẽ chấm dứt. Khi đó, hợp đồng BOT mà Nhà nước đã ký với liên danh nhà đầu tư dự án cũng đương nhiên bị hủy bỏ.

Mà như những gì Lào Cai đã trình bày trong công văn, khả năng này là nhãn tiền.

Vấn đề đặt ra là nhóm nhà đầu tư này liệu có hoàn toàn bằng lòng với những đề xuất của Lào Cai.

Thứ nữa, nếu một phần dự án được chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách thì liệu họ có xuất hiện trong tư cách những nhà thầu (phần lớn các thành viên trong liên danh này đều là những tên tuổi có cỡ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông).

Thực tế, dự án BOT này không chỉ còn đơn thuần nằm trên giấy. Lễ khởi công dự án đã được diễn ra từ khá lâu, cụ thể là ngày 27/2/2016, trên cơ sở phối hợp giữa UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Giao thông vận tải.

Trên cơ sở này, nhà đầu tư và các nhà thầu cũng đã tiến hành thi công một số hạng mục của dự án. Dù việc triển khai bị đánh giá là "còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, như tiến độ thi công (mới khởi công được 5/23 gói thầu xây lắp, khối lượng thực hiện đạt thấp), công tác hoàn thiện hồ sơ thiết kế dự án, tổng hợp báo cáo, công tác đền bù GPMB còn chậm,..." - trích kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương vào tháng 8/2017.

Vậy nếu hủy hợp đồng BOT, những phần việc đã tiến hành sẽ được thỏa thuận và quyết toán như thế nào.

Lễ khởi động dự án BOT đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa đầu năm 2016. (Ảnh: Internet)
 Lễ khởi động dự án BOT đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa đầu năm 2016. (Ảnh: Internet)

Trước đó, Dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 510/TTg-KTN ngày 18/4/2014.

Dự án có quy mô gồm 02 tuyến đường, trong đó: Cải tạo tuyến Quốc lộ 4D hiện hữu với chiều dài L=29Km (điểm đầu Km105, thuộc thị trấn Sa Pa; điểm cuối tại Km137+055 thuộc thành phố Lào Cai) và Xây dựng mới tỉnh lộ 155 với chiều dài L=22,203Km nối Sa Pa với Lào Cai theo hướng song song với Quốc lộ 4D; Tổng vốn đầu tư là 2.518 tỷ đồng.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong 03 năm. Sau đó, để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ khai thác và thu giá các phương tiện tham gia giao thông (ô tô) trên cả tuyến đường QL4D và TL155. Thời gian thu giá dự kiến là 24 năm.

Vậy đâu là nhà đầu tư của dự án BOT 2.518 tỷ đồng này?

Theo nội dung đề cập trong công văn của Lào Cai, thông qua sơ tuyển quốc tế, nhà đầu tư đã được lựa chọn là Liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi – CTCP Tập đoàn Phúc Lộc – CTCP Tập đoàn Xây dựng miền Trung – CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An.

Có một điểm đáng chú ý là ¾ thành viên trong liên danh này là những doanh nghiệp gốc Ninh Bình. Cái tên còn lại CTCP Tập đoàn Xây dựng miền Trung đóng trụ sở tại Thanh Hóa, thực ra cũng là tỉnh hàng xóm của Ninh Bình.

CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An

Trong liên danh nhà đầu tư dự án BOT đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An (Khánh An) từng được VietTimes đề cập trong bài viết “Một thương vụ trao đổi BOT”.

Cần thiết phải nói rằng, đây là một doanh nghiệp khá kín tiếng và chỉ bắt đầu được chú ý nhiều hơn sau khi bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty CP Công trình Giao thông 1 (Cienco 1).

Đó là vào cuối năm 2015, Khánh An được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh – cổ đông chiến lược của Cienco 1 - nhượng lại 7% cổ phần (4,9 triệu cp) Cienco 1 và lần đầu xuất hiện trong tư cách cổ đông lớn của Tcty công trình giao thông này.

Đến đầu năm 2017, Khánh An lại tiếp tục gom thêm hơn 8,5 triệu cổ phiếu Cienco 1 khác từ CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 19,211% - trở thành một trong 4 cổ đông lớn nhất, chi phối hoạt động của tổng công ty này.

Và lưu ý rằng, hạ tuần tháng 2/2018 vừa rồi, chính Cienco 1 đã thông qua quyết định mua lại cổ phần/phần vốn góp của Khánh An tại CTCP Đầu tư BOT Lào Cai – Sapa và toàn bộ quyền đầu tư góp vốn của Công ty Khánh An tại Dự án Đường nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Thị trấn Sapa theo hợp đồng BOT số 3808/HĐ.BIT-UBND.

Theo đó Cienco 1 sẽ mua lại hơn 3,2 triệu cổ phần Khánh An đang sở hữu tại CTCP Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, tương ứng 25% vốn điều lệ công ty. Giá mua lại 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng 25% vốn điều lệ công ty.

Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 32 tỷ đồng bao gồm giá chuyển nhượng cổ phần (hơn 32 tỷ đồng) và giá chuyển nhượng quyền đầu tư (0 đồng). Nguồn vốn dùng từ vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác của Tổng công ty.

Nghị quyết của HĐQT Cienco 1 ghi rõ: “Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày hai bên ký Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần, quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng BOT, Cienco 1 sẽ đặt cọc cho Công ty Khánh an số tiền là 19,6 tỷ đồng. Giá trị còn lại 12,5 tỷ đồng sẽ được thanh toán nốt trong 05 ngày làm việc sau khi Hợp đồng chuyển nhường chính thức được ký kết”.

Chưa rõ thương vụ chuyển nhượng này giữa Cienco 1 và Khánh An đã được xử lý đến đâu. Như đã nói, dự án BOT đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa nhiều khả năng sẽ bị hủy. Khi đó, Cienco 1 và Khánh An sẽ giải quyết ra sao với hợp đồng chuyển nhượng đã/dự định ký.

CTCP Thương mại nước giải khát Khánh An thành lập ngày 15/05/2010 tại Quận 1, Tp. HCM. Cập nhật tại giữa năm 2017, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập là: Lê Thị Hoa (7,5 tỷ đồng, chiếm 15%); Lê Thị Thảo (65%); Đinh Ngọc Hùng (20%).

Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2017, cả 03 cổ đông sáng lập trên đều bất ngờ thoái toàn bộ vốn tại Khánh An. Vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty, trước đây thuộc về bà Lê Thị Thảo (SN 1984) cũng được chuyển sang cho người mới, là bà Mai Thị Mộng Kiều (SN 1978).

Lưu ý là tuy đăng ký tại Tp. HCM nhưng 2/3 cổ đông sáng lập của Khánh An – là ông Đinh Ngọc Hùng và bà Lê Thị Hoa - lại thường trú tại xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đây là địa danh được truyền thông đề cập đến khá nhiều trong những bài viết về Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ.

Tương tự, cổ đông Đinh Ngọc Hùng (SN 1982) của Khánh An gần đây cũng thường xuyên được báo chí nhắc đến, đặc biệt là trong vai trò cổ đông sáng lập của CTCP Tập đoàn Đức Bình – một pháp nhân có khá nhiều gắn bó với Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn của Út “Bộ trưởng”./.