Vì sao Hà Nội bỏ trăm tỉ đồng mua hóa chất Redoxy 3C không qua đấu thầu

Trước khi chi trăm tỉ mua hóa chất Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước sông, hồ nước trên địa bàn, từ năm 2015 trở về trước,TP Hà Nội đã chi khoảng 21.000 tỉ đồng thực hiện các dịch vụ công ích theo phương thức đặt hàng không qua đấu thầu.
Hóa chất Redoxy 3C được Công ty Thoát nước Hà Nội dùng xử lý sự cố cá chết hàng loạt gây ô nhiễm nước hồ Tây - Ảnh: T.Đ.H
Hóa chất Redoxy 3C được Công ty Thoát nước Hà Nội dùng xử lý sự cố cá chết hàng loạt gây ô nhiễm nước hồ Tây - Ảnh: T.Đ.H

Đó là nội dung được nêu trong kết luận thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ trên địa bàn vừa được Thanh tra TP Hà Nội công bố. 

Theo cơ quan thanh tra, từ năm 2015 trở về trước, tất cả các dịch vụ công ích trên địa bàn TP đều thực hiện bằng phương thức đặt hàng không qua đấu thầu, với số tiền chi trả khoảng gần 21.000 tỉ đồng.

Giai đoạn 2016-2019, TP Hà Nội đồng ý cho Công ty Thoát nước Hà Nội mua hơn 400 tấn hóa chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ trên địa bàn. Chi phí mua hóa chất, theo kết luận thanh tra khoảng 137 tỉ đồng.

Công ty Thoát nước Hà Nội đã sử dụng lượng hóa chất này để xử lý ô nhiễm nước tại 91 hồ nội thành, 50 hồ ngoại thành.

Ngoài việc sử dụng Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước sông, hồ, Công ty thoát nước Hà Nội cũng sử dụng Redoxy 3C để xử lý nước hồ Tây khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, xử lý nước thải tại bãi rác Nam Sơn, tình trạng ô nhiễm nước sông Tô Lịch.

Thời gian qua, Công ty Thoát nước Hà Nội đã nhiều lần nhập hóa chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước sông, hồ. Trong giai đoạn từ tháng 8-2016 đến tháng 10-2016 sử dụng 2 tấn xử lý thử nghiệm tại các hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu; 5,4 tấn xử lý sự cố cá chết hồ Tây; 7,5 tấn xử lý ô nhiễm các hồ Văn Chương, Hoàng Cầu.

Giai đoạn từ tháng 10-2016 đến nay, sử dụng khoảng 344,8 tấn hóa chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm lần đầu tại 83 hồ, duy trì chất lượng nước 85 hồ nội thành.

Vì sao Hà Nội bỏ trăm tỉ đồng mua hóa chất Redoxy 3C không qua đấu thầu - Ảnh 2.

Các chuyên gia Nhật Bản đã rút về nước sau khi thử nghiệm khá thành công công nghệ làm sạch sông Tô Lịch - Ảnh: XUÂN LONG

Việc nhập khẩu hóa chất Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước sông, hồ sẽ không ồn ào nếu như TP Hà Nội không phản đối việc chuyên gia Nhật Bản sử dụng công nghệ đặt máy nano và tấm vật liệu Bioreactor - một công nghệ khác để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch.

Trong khi đó, nhiều năm qua Công ty Thoát nước Hà Nội - một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội - vẫn sử dụng hóa chất Redoxy 3C do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic cung cấp để xử lý ô nhiễm nước sông, hồ tại Hà Nội.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic được biết tới là một doanh nghiệp có quan hệ thân quen với lãnh đạo cấp cao của TP Hà Nội.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp này cung cấp độc quyền hóa chất Redoxy 3C phục vụ xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ Hà Nội, cuối tháng 5-2016, TP Hà Nội đã cử một đoàn đại biểu do một phó chủ tịch TP dẫn đầu tham dự triển lãm thương mại quốc tế về nước, nước thải, chất rắn và quản lý nguyên liệu thô (IFAT) tại Munich, Đức.

Đoàn lãnh đạo TP Hà Nội đã tham quan nhà máy sản xuất hóa chất Redoxy 3C tại Đức của Công ty Watch Water GmbH.

Theo kết luận thanh tra, ông Nguyễn Đức Hạnh, một trong hai thành viên lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic, được cho là người thân của lãnh đạo cấp cao TP Hà Nội. Đến nay, ông Nguyễn Đức Hạnh đã bán hết cổ phần tại doanh nghiệp này.

Tháng 6-2019, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5, hai thành viên góp vốn tại thời điểm này là ông Nguyễn Trường Giang và ông Đỗ Xuân Hùng. 

Nhưng việc Công ty Thoát nước Hà Nội chỉ nhập hóa chất Redoxy 3C từ Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic trong nhiều năm liền đang khiến dư luận hoài nghi, băn khoăn về sự thiếu minh bạch trong quá trình sử dụng ngân sách TP mua bán hóa chất.

Theo Tuổi trẻ