Vì sao Covid -19 lại bùng phát dữ dội ở châu Âu?

VietTimes -- Tính đến ngày 19/03 vừa qua, số ca tử vong do virus Corona tại Italy đã vượt Trung Quốc, nơi bùng phát đại dịch với hơn 81,000 ca. Như vậy, mặc dù có khoảng cách địa lý khá xa nhưng đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã trở thành “tâm điểm” của đại dịch SARS-COV-2 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Lý giải cho điều trên, TS.Lê Nguyễn Hương thuộc Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế đưa ra các ý kiến nhận định như sau:
Italia trở thành tâm dịch lớn thứ hai trên thế giới. Ảnh được chụp tại Milan..
Italia trở thành tâm dịch lớn thứ hai trên thế giới. Ảnh được chụp tại Milan..

Tâm lý chủ quan, khinh suất?

Theo khảo sát giới trẻ tại một số quốc gia châu Âu, họ cho rằng COVID-19 không phải bệnh chết người, họ vẫn còn trẻ và họ sẽ không gặp nguy hiểm, bệnh này chỉ nguy hiểm đối với người già và người mắc các bệnh nền mãn tính từ trước. Thêm nữa, họ cũng thể hiện sự tự tin về nền y học tiên tiến tại quốc gia của họ. Họ cho rằng đại dịch này chỉ như cúm mùa thông thường, thậm chí dịch cúm hằng năm ở nước họ còn gây ra nhiều ca tử vong hơn.

Với tâm lý chủ quan, khinh suất đó, người dân tại khu vực này vẫn tụ tập đông người, tham dự các sự kiện lớn như hòa nhạc, thời trang,... Ngay cả khi một số quốc gia như Pháp, dù đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế giao tiếp xã hội để phòng chống dịch, người dân vẫn giữ thói quen “ra đường cho thoáng” và tụ tập tại các địa điểm công cộng như công viên, quảng trường,... thay vì ở nhà tránh dịch.

Người dân là như vậy, còn với chính phủ và giới chức trách châu Âu, họ có phần hành động từ từ, chậm đà theo sự phát triển của dịch, không đưa ra biện pháp phòng ngừa quyết liệt nào và ít thể hiện sự quyết tâm chặn đứng dịch. Giới y tế châu Âu cũng coi đây chỉ như cúm mùa nên không tập trung nguồn lực truy tìm từng ca bệnh, những người tiếp xúc F1, F2, xét nghiệm trên diện rộng mà chủ yếu cho cách ly tại nhà. Nhiều người tuy không có biểu hiện bệnh nhưng mang trong mình virus đã vô tình lây truyền sang người khác.

Từ sự thụ động, thờ ơ trước đại dịch SARS-COV-2, chính phủ các quốc gia tại châu Âu đã bị bất ngờ khi số lượng ca nhiễm tăng đột biến. Trái lại, tại các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Việt Nam, Đài Loan,... chính phủ hành động quyết liệt ngay từ đầu. Hàn Quốc và Nhật Bản có phần thụ động ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó đã có các biện pháp mạnh và hiệu quả hơn. Về phía Trung Quốc, giới lãnh đạo xác định đây là một trận đánh lớn và họ quyết giành chiến thắng. Đến nay, đại dịch dường như đã được khống chế tại Trung Quốc.

Hàng ngàn người Anh tai xứ Wales tham dự buổi hòa nhạc của ban nhạc Stereophonics ngày 15/03 (Ảnh: Twitter Stereophonics).
Hàng ngàn người Anh tai xứ Wales tham dự buổi hòa nhạc của ban nhạc Stereophonics ngày 15/03 (Ảnh: Twitter Stereophonics).

Quan điểm “chỉ có người bị bệnh mới đeo khẩu trang”

Truyền thông và người dân tại các nước châu Âu quan niệm rằng: “Chỉ có người bị bệnh mới đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác”. Với quan điểm này, dù tình hình đại dịch có diễn biến xấu đi, người dân vẫn không chịu đeo khẩu trang khi đi ra đường và tụ tập chỗ đông người. Một số người gốc Á sinh sống và làm việc tại châu Âu có phần chú ý hơn, họ đeo khẩu trang khi đi lại tại các điểm công cộng, nhưng kết quả nhận được lại là ánh mắt kỳ thị, sự xúc phạm, phỉ báng “gốc Á”, thậm chí là bị hành hung. Nhiều người Việt tại châu Âu không dám đeo khẩu trang vì sợ bị đánh và bị kỳ thị. Một số du học sinh Việt Nam tại Anh cho biết, thà bị dính virus còn hơn bị đánh vỡ mặt.

Trong một bài bình luận về yếu tố văn hóa và xã hội của việc đeo khẩu trang, tờ New York Times cho hay: “Ở phương Tây, hình ảnh người châu Á đeo khẩu trang, đôi khi dù cố tình hay không, được nhìn nhận như dấu hiệu của sự khác biệt. Nhưng ở Đông Á, hành động đeo khẩu trang là cử chỉ truyền đạt sự đoàn kết trong trận dịch, thời điểm mà cộng đồng dễ bị chia rẽ bởi nỗi sợ hãi giữa người khỏe mạnh và người bệnh”.

Khí hậu ôn đới, thời tiết đang lạnh và khô

SARS-COV-2 tuy khác với SARS (2002-2003) nhưng vẫn có điểm chung là phát triển mạnh ở những khu vực khí hậu lạnh. Năm 2003, tỉ lệ ca mắc/tử vong của SARS tại Việt Nam là 8%, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình trên thế giới là 15%, trong khi tại các vùng lạnh như Canada, tỷ lệ này là 19%. Nghiên cứu khác từ Đại học Hồng Kông năm 2011 cho thấy, virus họ Corona (như SARS) có thể sống 05 ngày ở môi trường lạnh (22-25°C, độ ẩm 40-50%), nhưng khi nhiệt độ tăng lên 38-39°C, khả năng sống sót giảm hẳn. Các nghiên cứu về khả năng tồn tại trong môi trường của SARS-COV-2 cũng cho thấy, càng lạnh và càng khô, virus càng sống lâu hơn.

Ở 4°C, chúng tồn tại trong hơn một tháng. Với nhiệt độ phòng 22-25°C, độ ẩm 40-50%, chúng sống khỏe tới 05 ngày rồi suy yếu dần. Ở mức nhiệt độ vừa phải 28-33°C, độ ẩm không ảnh hưởng đáng kể tới SARS-CoV-2, chúng có thể sống tới 04-05 ngày. Ở nhiệt độ 38°C, độ ẩm 80-90%, SARS-CoV-2 yếu đi sau 24 giờ. Cuối cùng, chúng bị diệt sau 15 phút ở nhiệt độ 56°C. Trong khi đó, châu Âu là khu vực khí hậu ôn đới, thời tiết đang lạnh và khô là điều kiện lý tưởng để SARS-COV-2 tồn tại lâu hơn.

Văn hóa “hôn”

Người châu Âu có văn hóa “hôn lên má” khi chào hỏi nhau, cha mẹ hôn lên trán con cái trước khi ngủ, các cặp đôi nam nữ yêu nhau còn hôn nhiều hơn. Điều này vô tình tạo điều kiện cho SARS-COV-2 có thể lây lan qua dịch tiết hô hấp của người bị bệnh. Ngay khi đại dịch có dấu hiệu bùng phát mạnh ở châu Âu, các quốc gia tại đây đã khuyến cáo người dân tạm thời từ bỏ thói quen chào hỏi truyền thống nhằm tránh dịch bệnh lây lan.

Đường phố Milan, Italia vắng lặng giữa đại dịch SARS-COV-2 (Ảnh: Mick De Paola/Unsplash)

Đường phố Milan, Italia vắng lặng giữa đại dịch SARS-COV-2 (Ảnh: Mick De Paola/Unsplash)

Dân số già hóa, tỷ lệ người già cao

Phần lớn các quốc gia tại châu Âu (đặc biệt là Tây Âu) có dân số già hóa với tỷ lệ người già cao mắc sẵn các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như ung thư, tiểu đường, tim mạch,... Italy nước có tỷ lệ tử vong do SARS-COV-2 cao nhất thế giới hiện nay có dân số già hóa đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Nhật Bản) với 23% dân số có độ tuổi trên 65. Trong khi đó, người già, đặc biệt những người mắc thêm các bệnh lý khiến hệ miễn dịch yếu kém là những người dễ bị tổn thương nhất bởi SARS-COV-2, tỷ lệ qua khỏi cũng thấp hơn hẳn so với các độ tuổi khác.

Hệ thống y tế công thiếu đầu tư

Tại Pháp và Italy, hệ thống bệnh viện công vấp phải sự quá tải và thiếu thốn về nhân lực, tài lực và thiết bị, đặc biệt tại các địa phương. Trong khi đó, đầu tư cho y tế công cộng của Italy chỉ chiếm 6.8% GDP của nước này. Italy hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh để điều trị SARS-COV-2. Giới y bác sĩ Pháp gần đây cũng đã đình công và biểu tình để phản đối tình trạng thiếu đầu tư vào các bệnh viện. Tại Tây Ban Nha, tình trạng quá tải cũng diễn ra, giới bác sỹ kêu gọi người dân có triệu chứng nhẹ tránh đến bệnh viện để có thể tập trung chữa trị cho người già.

Vấn đề Schengen

Hiệp ước Schegen được ký kết mang đến sự tự do đi lại giữa các quốc gia châu Âu (26 nước). Người dân trong khối Schegen được thoải mái tự do đi lại giữa các nước. Trong khi đó, SARS-COV-2 là loại bệnh dễ truyền nhiễm, có khả năng lây lan cao chỉ qua tiếp xúc thông thường.

Italy đã ngừng các chuyến bay với Trung Quốc từ ngày 30/01 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên giải pháp này đã không hiệu quả khi các hành khách đi từ vùng có dịch vẫn có thể đến được Italy qua nước thứ ba, đặc biệt là các nước trong khối Schengen.

Văn hóa tôn trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân

Trong tư tưởng văn hóa phương Tây, họ đề cao tính cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân và quyền riêng tư. Trong khi đó, văn hóa phương Đông tại các quốc gia châu Á (Đông Á, Đông Nam Á) lại đề cao yếu tố tập thể hơn. Chính vì nét văn hóa này, châu Âu sẽ khó thực hiện các biện pháp cứng mang tính “áp đặt toàn dân” trong việc ngăn chặn dịch bệnh hơn, như hạn chế sự thoải mái và tự do đi lại, cách ly tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hủy các sự kiện,...

"Mùa" bầu cử

Thời điểm đại dịch SARS-COV-2 bùng phát trùng đúng thời điểm Iran đang có bầu cử Quốc hội, Pháp sắp có bầu cử địa phương, Mỹ cũng sắp bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ tại các bang. Dường như các nước châu Âu và Bắc Mỹ chú trọng vào kinh tế và chính trị nhiều hơn, lo ngại nếu quyết liệt chống dịch sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và gây bất ổn chính trị. Các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến nhằm thảo luận về các biện pháp chung đối phó với dịch SARS-COV-2, nhưng nội dung chính không phải ngăn ngừa sự lây lan mà là giảm bớt các thiệt hại kinh tế.