Vì sao chưa quản lý được việc tổ chức họp báo của các cá nhân?

VietTimes -- Theo quy định, nếu gửi nội dung xin phép họp báo, sau 24 giờ cơ quan chức năng không có ý kiến nghĩa là được họp báo. Nhưng nhiều cuộc báo với nội dung không phù hợp hoặc không đúng chuyên ngành nên cơ quan chức năng mất nhiều hơn 24h để thẩm định nội dung
Ảnh minh họa. Nguồn PLO
Ảnh minh họa. Nguồn PLO

Vừa qua, Hà Nội có hai trường hợp cá nhân tự tổ chức họp báo là ông Nguyễn Minh Mẫn (Quyền Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ), và  bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo.

Trong đó, trường hợp của ông Mẫn đã được sự đồng ý của Sở thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, còn trường hợp của bà Luật chưa được sự đồng ý của Sở. Nhưng, xét về thời gian, bà Luật có văn bản xin phép được tổ chức họp báo vào ngày 19/10 và tổ chức họp báo vào ngày 10/11. Theo luật hiện hành, sau khi gửi nội dung xin phép được tổ chức họp báo 24 giờ mà cơ quan chức năng không có ý kiến thì được phép tiến hành.

Về vấn đề này, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có ý kiến kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức họp báo.

"Theo quy định, nếu gửi nội dung xin phép họp báo, sau 24 giờ không có ý kiến nghĩa là được họp báo. Nhưng nhiều cuộc báo với nội dung không phù hợp hoặc không đúng chuyên ngành thì Sở phải mất nhiều thời gian để thẩm định", bà Tú nêu thực tế khó khăn.

Bà Tú cho biết thêm, hiện nhiều đơn vị, cá nhân ngay cả không ở trên địa bàn thành phố nhưng vẫn xin tổ chức họp báo ở đây.

“Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về việc này, bởi nếu không cấp phép thì không đúng quy định, vì gây khó khăn trong quyền phát ngôn của tổ chức, cá nhân. Nhưng nếu cấp phép nhiều trường hợp sẽ gây bất ổn. Có những trường hợp cấp phép nhưng họ tổ chức họp với nội dung khác, ở địa điểm khác và thời gian cũng bị thay đổi”, bà Phan Lan Tú cho hay.

Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua, gần đây có nhiều cá nhân xin họp báo, trong đó có cả người làm trong cơ quan nhà nước có những vướng mắc xin tổ chức họp báo thông tin tới báo chí. 

Theo ông Phúc, mọi tổ chức, cá nhân khi có vấn đề khúc mắc có quyền tổ chức họp báo để thông tin lại báo chí để nhân dân được biết. “Thực tế nhiều cá nhân xin họp báo vì họ không có diễn đàn để nói ra những vấn đề liên quan đến chính bản thân”, ông Phúc nói.

Trước tình hình đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để giải quyết cho nhân dân. Điển hình như trường hợp ở Thanh tra Chính phủ xin họp báo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cấp sở ở Hà Nội để xử lý.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận, hiện không có quy định xây dựng nghị định hướng dẫn vấn đề này, mà căn cứ theo điều 41 của Luật Báo chí để thực hiện.

Ông Lưu Đình Phúc cho biết, vấn đề thuộc trách nhiệm của sở phải thẩm định nội dung họp báo không vi phạm những điều cấm trong Luật Báo chí. Ngoài ra, cấp sở cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cá nhân xin họp báo có thực hiện đúng nội dung đăng ký hay không.

Ngoài ra, ông Phúc cũng đề cập đến trách nhiệm của cơ quan báo chí khi đăng tin bài cá nhân tổ chức họp báo. “Vì họ là cá nhân nên không phải thông tin chính thống của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cơ quan báo chí đăng thông tin nhưng phải có trách nhiệm vì nguồn tin này không chính thống”, ông Phúc nói thêm.

Luật sư (LS) Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng theo quy định của hiến pháp và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí 2016, mọi công dân đều có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin. Thông tin cung cấp không thuộc hành vi bị cấm tại Điều 9 luật này.

Cụ thể, khi có nhu cầu tổ chức họp báo, công dân, tổ chức, cơ quan phải có thông báo bằng văn bản chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm họp báo gửi tới Sở TT&TT nơi tổ chức họp báo. Hồ sơ xin cấp phép họp báo gồm có: Nội dung họp báo; ngày giờ họp báo; địa điểm; thành phần tham dự; người chủ trì, chức danh của người chủ trì…