Vì sao ca sĩ Trọng Tấn đột ngột xin thôi dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 10 năm trước?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tháng 9/2013, dư luận xôn xao khi ngôi sao ca nhạc Trọng Tấn bất ngờ xin nghỉ giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - vị trí mà nhiều người ao ước. Tôi đã gặp Trọng Tấn khi đó để khuyên anh ở lại. Ca sĩ đã chia sẻ lý do vì sao anh dứt áo ra đi... Và sau 10 năm, bây giờ tôi mới kể.
Ca sĩ Trọng Tấn
Ca sĩ Trọng Tấn

Tôi biết Trọng Tấn từ năm 1996, khi em mới vào học lớp cao đẳng Thanh nhạc cùng với Anh Thơ. Nhưng phải sau khi Trọng Tấn đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997, tôi mới tiếp xúc nhiều với em.

Năm đó tôi đang là giảng viên môn Chính trị thuộc Phòng Chính trị và Quản lý sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, được phân công gặp Trọng Tấn lấy tư liệu viết bài phục vụ công tác tuyên truyền. Sau đó tôi có viết một bài về Trọng Tấn đăng trên Báo Nhân dân.

Ca sĩ Trọng Tấn - giọng ca vàng của làng âm nhạc Việt Nam
Ca sĩ Trọng Tấn - giọng ca vàng của làng âm nhạc Việt Nam

Sau khi bài báo đăng tải, công chúng yêu âm nhạc biết nhiều hơn đến ca sĩ Trọng Tấn - một học sinh từng học ở Trường Trung học phổ thông Lam Sơn, Thanh Hóa.

Với giọng hát opera khỏe và dày, Trọng Tấn đã sớm chinh phục khán giả và trở thành một ngôi sao trong làng nhạc thính phòng của Việt Nam trong thập niên 90. Bước sang thế kỷ 21, ca sĩ Trọng Tấn vẫn tiếp tục giữ được ngôi vị của mình và cùng với ca sĩ Anh Thơ trở thành "cặp đôi vàng" của làng nhạc Việt.

Đầu những năm 2.000, lúc này tôi làm Thư ký giúp việc cho NSND Nguyễn Trung Kiên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, tôi gặp lại Trọng Tấn trong lần dự khai mạc lớp chuyên viên mới của Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Văn hóa.

Tại buổi khai mạc, Trọng Tấn hát tặng các đại biểu và học viên bài Tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và Bước chân trên dãy Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối. Mặc dù Trọng Tấn hát "mộc" (không có nhạc đệm) nhưng giọng hát vang khỏe, sâu lắng, quyến rũ lạ lùng của em đã như đưa người nghe vào chốn mê cung… Hội trường lặng đi và khi em kết thúc những ca từ cuối cùng của bài hát, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt.

Chị Nguyễn Thị Nhung ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, một học viên cùng lớp, nói với tôi: “Tôi nghe ca sĩ Trọng Tấn hát trên Truyền hình nhiều rồi, nhưng hôm nay mới được gặp ngoài đời và nghe Trọng Tấn hát trực tiếp, càng thêm cảm phục tài năng của bạn học viên này.”

Sau buổi khai mạc lớp học, cả lớp xúm xít quanh Trọng Tấn để xin chữ ký của anh, khiến Trọng Tấn vất vả lắm mới ký tặng hết cho mọi người.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trọng Tấn chính thức là giảng viên của Học viện và là cánh tay phải của NSND Quang Thọ - lúc này là Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc. Ngoài việc lên lớp giảng dạy cho sinh viên, Trọng Tấn thường xuyên được mời đi biểu diễn cùng với Việt Hoàn, Đăng Dương, Anh Thơ, Lan Anh là những ca sĩ "vàng" cùng trang lứa….

Năm 1999, giành giải nhất Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc, Trọng Tấn một lần nữa khẳng định được tài năng quý hiếm của mình. Anh tiếp tục mang những kinh nghiệm quý báu của mình phục vụ công chúng và truyền thụ lại cho các sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ca sĩ Trọng Tấn
Ca sĩ Trọng Tấn


Khi đó, Trọng Tấn đang ở vị trí mà rất nhiều người mơ ước. Một ca sĩ hạng sao và là giảng viên của "thánh đường" âm nhạc Việt Nam. Nhưng đột ngột, Trọng Tấn xin nghỉ giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với lý do: “Thôi giảng dạy sẽ tốt hơn cho công chúng.”

Tin Trọng Tấn nghỉ giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi đó đã gây xôn xao dư luận. Người đồng tình có, mà người phản đối cũng nhiều…

Là người quen của Trọng Tấn, nghe tin, tôi đã gặp gỡ và động viên em nên ở lại Học viện để có tương lai hơn. Nhưng Trọng Tấn nhẹ nhàng tâm sự: “Thầy biết đấy, dù rằng giảng dạy thanh nhạc và biểu diễn gắn kết với nhau rất chặt chẽ, nhưng nếu làm một lúc cả hai việc sẽ rất khó đạt đỉnh cao. Thời gian tập trung cho công tác giảng dạy nhiều thì em sẽ ít có cơ hội biểu diễn ở những sân khấu lớn, kể cả trong nước và nước ngoài. Nghề biểu diễn cũng chỉ đạt một độ tuổi nhất định, nhưng lúc này em còn ở tuổi sung sức, nếu bỏ phí cơ hội thật là một điều đáng tiếc! "Thầy giáo già, con hát trẻ” mà thầy…"

"Hơn nữa, gia đình em cũng neo người. Vợ em đi làm vẫn phải chăm sóc hai con nhỏ nên vất vả lắm. Trong lúc em suốt ngày giảng dạy ở trường, tối đi biểu diễn, không giúp gì được cho vợ” - Trọng Tấn thành thật chia sẻ.

Nghe Trọng Tấn nói cũng có lý, nên tôi rất thông cảm với em, dù vẫn tiếc cho em. Bởi cơ hội được giảng dạy trong ngôi trường danh giá như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam không phải ai cũng có. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Trọng Tấn nói: “Sau này, khi về già, không còn đứng được trên sân khấu, lúc đó em làm giáo viên giảng dạy cũng tốt mà thầy!”

Thật mừng khi cho đến nay, giọng hát "vàng" của Trọng Tấn vẫn chưa có người thay thế và dù chưa "về già, không còn đứng được trên sân khấu", nhưng với tình yêu âm nhạc và mong muốn truyền thụ cho các học sinh những kiến thức, kinh nghiệm quý giá của mình, Trọng Tấn đã mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo thanh nhạc tại nhà cho nhiều người.

Mới đây, tôi đã gặp lại Trọng Tấn sau nhiều năm. Giọng ca vàng vẫn vậy, vẫn lễ phép, từ tốn và nhiệt tình. Trọng Tấn nhìn tôi cười và nói: “Mặc dù bây giờ em không còn là giảng viên chính thức của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nữa, nhưng cách đây bốn năm, em có nhận lời giúp khoa Thanh nhạc của Học viện dạy một lớp cho đến bây giờ. Dù bận nhiều việc bên ngoài, nhưng em vẫn rất yêu công việc giảng dạy, nên những sinh viên nào cần được giúp đỡ, em luôn sẵn sàng….

Trọng Tấn chia sẻ thêm: Mỗi năm em mở rất nhiều lớp để luyện cho học sinh sắp thi vào các trường văn hóa nghệ thuật, hoặc ca sĩ tự do đi biểu diễn. Công việc đào tạo, bồi dưỡng này có lẽ còn theo em đến lúc về già… Nghỉ giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội cũng thật tiếc, nhưng do hoàn cảnh lúc đó phải vậy nhưng giờ đây, em vẫn tiếp tục là “người đưa đò” cho các học sinh thanh nhạc "cập bến".

Ca sĩ Trọng Tấn trong một tiết dạy học thanh nhạc

Ca sĩ Trọng Tấn trong một tiết dạy học thanh nhạc

Đã có nhiều người hiểu không đúng hoặc không thông cảm với Trọng Tấn khi anh quyết định chia tay Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào năm 2013. Và bài báo này, đúng tròn 10 năm sau quyết định ấy của anh, mong muốn phần nào giúp bạn đọc hiểu lý do ca sĩ Trọng Tấn không tiếp tục giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nữa.

Đặc biệt, Trọng Tấn vẫn đã và đang tiếp tục cống hiến cho xã hội và giờ đây, khi hoàn cảnh gia đình đã hết khó khăn, con cái đã lớn, Trọng Tấn đã trở lại với đam mê của mình là ngoài biểu diễn, còn đào tạo, truyền thụ tình yêu âm nhạc cho thế hệ sau.

Từ thực tế câu chuyện của người ca sĩ tài ba Trọng Tấn, tôi cũng đã đồng tình về quan niệm: Dù làm việc ở môi trường nào, thì với tài năng và lòng nhiệt huyết, người ca sĩ vẫn có thể cống hiến nhiều nhất cho xã hội.

Chúc ca sĩ Trọng Tấn tiếp tục duy trì được tài năng âm nhạc vốn có, xứng đáng với người hâm mộ và mãi trong lòng người yêu nhạc.