Vì sao bạn không thể tắt âm chụp ảnh trên iPhone Nhật Bản?

VietTimes -- Điểm đặc trưng của không chỉ iPhone, mà của tất cả điện thoại được phân phối tại Nhật Bản là âm thanh phát ra khi chụp hình rất lớn.
Ảnh minh họa: Japan Times
Ảnh minh họa: Japan Times

Kể từ khi ra mắt tại thị trường Nhật Bản vào năm 2008, iPhone 3Gs đã được tinh chỉnh để phát ra âm thanh chụp ảnh và chụp ảnh màn hình rất lớn. Thông thường, người dùng có thể tắt tiếng ồn đi nếu muốn. Nhưng ở Nhật Bản thì âm thanh này là yêu cầu bắt buộc, ngay cả khi bạn chuyển sang chế độ im lặng.

Thực tế, âm thanh chụp ảnh đã là một điểm đặc trưng của điện thoại Nhật Bản. Năm 2000, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên phân phối điện thoại có tính năng chụp và chia sẻ ảnh. Mẫu Kyocera VP-210 với cảm biến 0.11 megapixel là điện thoại chụp ảnh tiên tiến nhất năm ở thời điểm ra mắt.

Với sự phát triển của công nghệ, điện thoại chụp ảnh trở nên rất phổ biến. Nhưng bởi kích cỡ nhỏ và khả năng gửi ảnh thông qua email (“sha-mail” trong tiếng Nhật), nó đã trở thành công cụ trong tay những kẻ biến thái có sở thích bệnh hoạn là chụp những bức ảnh “dưới váy” (up-skirt) ở những địa điểm đông người, đặc biệt là tàu cao tốc. Theo Japan Times, những bức ảnh “dưới váy” đã làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng vào năm 2001, chỉ 1 năm sau khi điện thoại chụp ảnh được giới thiệu.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản chưa hề đưa ra bất kỳ quy định pháp lý nào để bắt các nhà sản xuất điện thoại (hay smartphone) phải thiết lập âm thanh chụp ảnh lớn trên sản phẩm của họ.

Nơi đông người như tàu điện ngầm là địa điểm hoạt động ưa thích của những kẻ biên thái có sở thích chụp ảnh "up-skirt" tại Nhật Bản. Ảnh: Engadget
Nơi đông người như tàu điện ngầm là địa điểm hoạt động ưa thích của những kẻ biên thái có sở thích chụp ảnh "up-skirt" tại Nhật Bản. Ảnh: Engadget

Hiện nay, chụp và chia sẻ ảnh không dây đã là một trong những tính năng cốt lõi của smartphone và điện thoại cơ bản (feature phone). Và hầu hết thiết bị di động có trang bị camera được bán tại Nhật Bản đều không thể tắt âm thanh chụp ảnh.

Phát biểu trên Engadget, nhà mạng NTT Docomo cho biết họ đã thực hiện biện pháp “để ngăn chặn việc ghi hình bí mật hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người khác”.

Phát ngôn viên của nhà mạng SoftBank cũng đưa ra câu trả lời tương tự: “Khi bắt đầu bán ra điện thoại có tính năng chụp ảnh và dịch vụ gửi hình ảnh qua email vào năm 2000, chúng tôi đã yêu cầu các nhà sản xuất tạo ra âm thanh chụp ảnh bắt buộc, kể cả ở chế độ im lặng”.

Người phát ngôn SoftBank nói thêm: “Biện pháp này được thực hiện để ngăn việc sử dụng điện thoại theo cách phản cảm trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thiết lập âm thanh chụp ảnh lớn”.

Tới nay, các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng Nhật Bản vẫn hợp tác để đảm bảo điện thoại bán ra phải có âm thanh khi ghi hình (chụp ảnh và quay video) và chụp ảnh màn hình. Tờ Engadget nhận định đây là hành động có chủ ý, nhằm bảo vệ các công ty trước hậu quả pháp lý từ những vụ quấy rối.

Các bản cập nhật iOS tại Nhật Bản cho phép tắt âm thanh chụp ảnh đều bị vá ngay sau đó. Ảnh: Nikkei Asia
 Các bản cập nhật iOS tại Nhật Bản cho phép tắt âm thanh chụp ảnh đều bị vá ngay sau đó. Ảnh: Nikkei Asia

Biểu tượng công nghệ Mỹ, Apple khi tham gia vào thị trường Nhật Bản phải thiết lập âm thanh chụp ảnh lớn trên iPhone.

Những năm gần đây, biện pháp cảnh báo bằng âm thanh đã bộc lộ những hạn chế, ví dụ kẻ biến thái dùng điện thoại mua ở quốc gia khác hoặc là khách du lịch nước ngoài. Tờ Japan Times trích lời Cảnh sát Thủ đô Tokyo cho biết lượng thiết bị ghi hình mua ở nước ngoài và sử dụng ở Nhật Bản đã gia tăng gấp đôi kể từ năm 2007, và 64% trong số đó là điện thoại di động. Hơn nữa, chúng cũng có thể tải ứng dụng do bên thứ 3 phát triển để vô hiệu hóa âm thanh khi chụp bằng camera của smartphone.

Theo Engadget