Vì sao Apple chi 100 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình?

VietTimes – Hồi tháng 1/2018, Apple tiết lộ sẽ mang về Mỹ số tiền 252 tỷ USD gửi ở nước ngoài theo chính sách hồi hương các nguồn lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với số tiền khổng lồ trong tay, Apple đang dự định chi 100 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình. Vậy động lực nào để Apple "quyết" mua lại cổ phiếu của mình thay vì tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển?
Ảnh minh họa: TheGuardian
Ảnh minh họa: TheGuardian

Trong nhiều năm qua, Apple đã phải chịu mức thuế cao từ những khoản lợi nhuận từ nước ngoài. Ngày 1/5, Apple tiết lộ phần lớn trong số 252 tỷ USD tích trữ ở các quốc gia khác sẽ được đưa về Mỹ để đổi lấy một thỏa thuận thuế có lời cho công ty, đó là mua lại cổ phiếu.

Theo New York Times, nhà sản xuất iPhone cho biết sẽ bỏ ra 100 tỷ USD để mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư. Đây là một số tiền rất lớn, một kỷ lục mà Apple dùng để hoàn vốn cho các nhà đầu tư. Apple lý giải việc mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư để cắt giảm thuế là xu hướng bùng nổ hiện nay trong các doanh nghiệp.

Thương vụ mua lại cổ phiếu kỷ lục hứa hẹn đem đến điều tuyệt vời cho các nhà đầu tư (bao gồm giám đốc điều hành và nhân viên của Apple) bởi nó sẽ làm tăng đáng kể giá cổ phiếu bằng cách hạn chế nguồn cung.

Tuy nhiên, hành động này của Apple đã gặp phải sự chỉ trích của các chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng việc dùng tiền mua lại cổ phiếu sẽ làm mất đi các khoản đầu tư cho ngiên cứu phát triển hay thuê nhân viên, bởi phương thức này thường gây ra sự bất bình đẳng trong kinh tế, mang lại lợi ích nhiều hơn cho tầng lớp khá giả.

Các nhà đầu tư muốn công ty tái đầu tư cho nghiên cứu phát triển thay vì dùng tiền mua lại cổ phiếu. Giáo sư William Lazonick đến từ trường Đại học Massachusetts, chuyên gia nghiên cứu các vụ mua lại cổ phiếu cho rằng hành động của Apple “không gì khác ngoài việc thao túng thị trường chứng khoán”.

Ảnh minh họa: Apple

Nhiều nhân viên của Apple sẽ giàu lên kha khá từ thương vụ hoàn vốn khổng lồ này (công ty đã trao số cổ phiếu trị giá tương đương 2.500 USD để kỷ niệm việc cắt giảm thuế). Những người hưởng lợi lớn chính là các nhà đầu tư "cá mập" và ban lãnh đạo của Apple. Trên thực tế, thống kê tính tới năm 2016 của CNN cho thấy có khoảng 10% gia đình sở hữu 84% cổ phần của Apple, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ số cổ phần không đáng kể.

Tháng 2/2018, CNN ước tính chính sách cắt giảm thuế tại Mỹ (của đảng Cộng hòa) đã tạo ra 171 tỷ USD trong việc mua lại cổ phần, nhưng chỉ có 5,6 tỷ USD trong đó được dành để thưởng và tăng lương cho nhân viên.

Giáo sư William Lazonick trả lời trên CNN: “Mua lại cổ phiểu là phưng thức chính để làm tăng thu nhập cho những gia đình giàu có và làm xói mòn cơ hội việc làm trong tầng lớp trung lưu”. Ông Lazonick nói thêm rằng các thương vụ mua lại không phải “nguyên nhân” tạo gia sự bất bình đẳng nhưng nó là triệu chứng của nền kinh tế nơi mà “lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế hướng tới chủ sở hữu thay vì người làm công”.

Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh London, Alex Edmans chia sẻ với tờ Times rằng việc mua lại cổ phiếu có xu hướng mang lại lợi ích dài hạn cho công ty, nhưng nó cũng có thể xảy ra khi công ty không thể tìm thấy lĩnh vực đầu tư sinh lời. Câu hỏi được đặt ra là khoản tiền trị giá 215 tỷ USD thu về sau thuế (15,5% tương đương 37 tỷ USD nộp vào ngân sách chính phủ Mỹ) sẽ được công ty sử dụng thế nào để đảm bảo sự công bằng tài chính.

Dù điều gì xảy ra, Apple vẫn luôn là “cỗ máy kiếm tiền” đích thực. Trong khi các nhà phân tích tự hỏi liệu iPhone X có quá đắt so với mặt bằng chung thì iPhone X vẫn giúp doanh thu tính riêng từ mảng sản xuất thiết bị di động tăng 14%. Tờ Times cho biết lợi nhuận của hãng đã tăng 25% tương đương 13,8 tỷ USD trong quý II nhờ doanh số tăng trưởng từ iPhone, Apple Watch và các dịch vụ kinh doanh khác. Công ty kiếm được 2,73 USD/cổ phiếu, doanh thu tăng 16% lên 61,1 tỷ USD, vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia tài chính Phố Wall.