Thời cơ và thách thức nào cho doanh nghiệp Việt ở phía trước?

Vì sao Amazon không vào Việt Nam?

VietTimes – Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong hai năm vừa qua là từ 20-25% năm. Số lượng người Việt sẵn sàng mua sắm trực tuyến đạt tỷ lệ 55%. Có 32% doanh nghiệp đang kinh doanh trên mạng xã hội. Người Việt dùng 25 giờ mỗi tuần để truy cập Internet. Đây là những con số khá ấn tượng nhưng vẫn chưa kéo được Amazon vào Việt Nam, vì sao?
Amazon vẫn chưa nhận thấy mức độ hấp dẫn của thị trường Việt
Amazon vẫn chưa nhận thấy mức độ hấp dẫn của thị trường Việt

Mới đây, tại Diễn đàn Thương mại Điện tử Việt Nam 2018, ông Gijae Seong – Giám đốc Bán hàng Amazon tại Singapore đã khẳng định Amazon chưa có kế hoạch bán hàng trực tiếp tại Việt Nam. Hãng này chỉ khuyến khích các thương nhân Việt bán hàng trên Amazon. Tới đây, hãng sẽ phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) để đào tạo và hướng dẫn các thủ tục “vào chợ”. Trong khi các ông lớn TMĐT châu Á như Alibaba, Tencent, JD.com đang tìm cách tranh giành thị phần tại Việt Nam và Đông Nam Á, thì người khổng lồ châu Mỹ lại đang tỏ ra thờ ơ.  

Để lý giải cho nguyên nhân này, chúng ta cần phải xem xét đến một số yếu tố.

14 xu hướng công nghệ đang tác động đến thương mại điện tử

Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Global, hiện nay đang nổi lên 14 xu hướng công nghệ có tác động mạnh mẽ đến thương mại điện tử. Đó là: Big Data và trí thông minh nhân tạo; Robot, drone và các dịch vụ tự động hóa; Công nghệ nano; Máy học để đưa ra quyết định; Nền kinh tế chia sẻ; Hệ thống vận tải tự động; Nhà thông minh, thành phố kết nối; Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường; Công nghệ năng lượng mới; Sự lan rộng của hạ tầng công nghệ hiện đại; Công nghệ thanh toán không cần tiền mặt; Công nghệ Y học; In ấn 3D; Các thiết bị kết nối Internet (IoT).

Ở các khu vực khác nhau thì các xu hướng này có thay đổi một chút, nhưng vẫn có những điểm chung nhất định. Riêng với Việt Nam, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh. Không chỉ có ngân hàng mà nhiều công ty fintech và đặc biệt là một số nhà bán lẻ cũng đã bắt đầu tham gia vào quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 4 tỷ người kết nối Internet. 30% doanh thu toàn cầu sẽ được thực hiện qua các app trên điện thoại hoặc trên PC. Nền kinh tế chia sẻ toàn cầu sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD.

Ở Việt Nam, theo thống kê năm 2017 có 53 triệu người đang sử dụng Internet. Đến năm 2020 con số này sẽ lên đến 59 triệu, tương đương 60% dân số. Với kết nối Internet, chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt.

Mức độ sẵn sàng cho TMĐT của người Việt

Trong 2 năm vừa qua, mức độ tiếp cận với thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam gia tăng khá nhanh. Ngoài các ngân hàng, có hơn 20 công ty fintech hiện nay đang cung cấp dịch vụ thanh toán tiên tiến này. Hãng Nielsen cũng đã thống kê được có 33% người tiêu dùng Việt thực hiện các giao dịch chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến. 36% người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng. Điều này thể hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang đi theo xu hướng toàn cầu.

Vì sao Amazon không vào Việt Nam? ảnh 1Người Việt tại các đô thị lớn đã bắt đầu quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh Điện máy xanh)

Đối tượng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là những người trẻ tuổi, tầng lớp cổ cồn trắng, nữ giới, những người bận rộn. Họ tìm đến các website thương mại điện tử như là cách thức để giúp họ tiết kiệm thời gian mua sắm. 

55% người tiêu dùng Việt sẵn sàng cho mua sắm trực tuyến. 91% người dân sở hữu điện thoại. Gần 80% người dân nông thôn có điện thoại thông minh. Đây là công cụ giúp người dân kết nối với Internet và tiếp cận TMĐT nhiều hơn. Trung bình người Việt sử dụng 25 giờ/tuần để vào Internet. Con số này ở giới trẻ còn cao hơn nữa. Đến năm 2025 khoảng 50% doanh thu sẽ đến từ những người kết nối Internet. 

Chính phủ đã có nhiều chính sách và định hướng hỗ trợ cho TMĐT. Chúng ta hiện nay đang có 6 trung tâm dữ liệu quốc gia, chưa kể các công ty khác cũng nắm nguồn dữ liệu khổng lồ (Big Data) để có thể mở rộng, chia sẻ nguồn lực cho TMĐT.

Theo VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đã đạt 20-25% trong hai năm qua và sẽ tiếp tục được duy trì trong vài năm tới.

Những trở ngại đối với TMĐT

Mặc dù có được những con số ấn tượng, nhưng TMĐT ở Việt Nam vẫn còn đó nhiều trở ngại. Thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân. Một phần hai dân số Việt Nam hiện nay chưa có tài khoản ngân hàng.

Chúng ta hiện nay đang sử dụng một số hình thức thanh toán hiện đại như qua thẻ, QR code hay qua điện thoại thông minh. Tuy nhiên, việc thiếu một chuẩn chung đã khiến cho việc thanh toán trở nên rắc rối. Đơn cử như mã QR, nhiều đơn vị hiện nay tự phát hành mã QR theo chuẩn riêng, không thống nhất.

Vì sao Amazon không vào Việt Nam? ảnh 2Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được sử dụng nhiều hơn (ảnh esan)

Ngoài ra, đó còn là tâm lý e ngại về mất an toàn khi giao dịch trên mạng hoặc giao dịch qua smartphone. Đã có nhiều trường hợp người dùng bị đánh cắp tài khoản thẻ tín dụng, sau đó bị rút tiền bất hợp pháp. Chẳng hạn như ngày 24/4/2017, anh Hoàng Minh Tâm ở Hà Nội bị rút trái phép 94,9 triệu đồng tại cây ATM của Sacombank tại TP.HCM. Trước đó, một người dùng Agribank cũng đã bị rút mất 24,3 triệu đồng từ máy ATM của Techcombank.

Hiện nay các ngân hàng và các công ty fintech vẫn chưa thực sự làm chủ được công nghệ thanh toán điện tử mà vẫn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài trong việc cung cấp các ứng dụng an ninh, máy chủ, đường truyền.

Chúng ta cũng chưa có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp trong thương mại điện tử. Đây không phải là thiếu sót của riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới, bởi tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ trong khi chính sách pháp lý lại không theo kịp.

Tại Diễn đàn TMĐT Việt Nam, VECOM cũng đã công bố chỉ số TMĐT của các tỉnh thành. Có sự chênh lệch rất lớn về chỉ số TMĐT của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh so với các địa phương khác. Trong khi TP.HCM có chỉ số TMĐT là 82,1 điểm, thì Hà Nội là 79,8 điểm. Đứng thứ ba là Hải Phòng với số điểm khá cách xa là 54,9 điểm. Thấp nhất là Bắc Kạn khi chỉ đạt 26 điểm. Điều này cho thấy thanh toán điện tử mới chỉ tập trung ở hai thành phố lớn. 

Sân chơi TMĐT không hề ngon ăn. Khá nhiều website TMĐT Việt Nam đã phải đóng cửa vì lỗ nặng, bởi chi phí vận hành, tiếp thị và định hướng người mua là rất lớn. Có thể kể đến sự sụp đổ của Food Panda, beyeu.com, lamdieu.com, foreva.com. Trong thông báo trước khi đóng cửa,  trang beyeu.com đã viết: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho các công ty vẫn đang cố gắng bám trụ trên thị trường”.

Vì sao Amazon không vào Việt Nam? ảnh 3Thị phần các doanh nghiệp TMĐT theo các ngành hàng (ảnh: BrandsVietnam)

Lời giải cho câu hỏi Amazon

Có lẽ chính thói quen tiêu dùng tiền mặt, những hạn chế về cơ sở hạ tầng và chính sách pháp lý ,sự chênh lệch về thương mại giữa hai thành phố lớn của Việt Nam với phần còn lại là nguyên nhân khiến Amazon chưa cảm thấy cần thiết phải gia nhập thị trường Việt Nam.

Mặc dù chúng ta đã nghe nói đến việc Amazon sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán hàng trên “chợ trực tuyến” của hãng, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiêu chuẩn và được phép bán hàng trên Amazon. Đây chính là lời khẳng định của đại diện Amazon trong Hội thảo TMĐT Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. Chỉ những doanh nghiệp nào được Amazon lựa chọn mới được tham gia vào chuỗi bán hàng toàn cầu của hãng.

Tuy nhiên chúng ta cũng vẫn có thể lạc quan với triển vọng TMĐT ở Việt Nam khi GDP đang được duy trì ở mức cao, trong khi tỷ lệ phủ sóng Internet của Việt Nam cũng thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán giảm xuống dưới 10% không phải là quá khó để thực hiện.