Ví điện tử nào đang nắm giữ gần 70% thị phần thanh toán di động?

VietTimes -- Trong số 20 ví điện tử được người dùng nhắc đến, MoMo chiếm 68% trong thị trường thanh toán, tiếp theo đó là ViettelPay (8% thị phần), Moca (7%), Airpay (6%) và Zalopay (5%). 5 ví điện tử này nắm giữ 94% thị phần thanh toán trên di động tại Việt Nam.

Thanh toán qua ví điện tử ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa.
Thanh toán qua ví điện tử ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa.

Đây là kết quả khảo sát “Mức độ sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại tại Việt Nam” do công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus vừa công bố nhằm hiểu rõ động lực của người dùng, mức độ sử dụng và những ứng dụng  thanh toán trên điện thoại được sử dụng phổ biến hiện nay. 

Kết quả khảo sát cũng nêu rõ 5 lý do khiến người dùng lựa chọn sử dụng ví MoMo thường xuyên và được nghĩ đến đầu tiên chính là các chương trình ưu đãi, khuyến mãi tốt dành cho người dùng, mạng lưới chấp nhận thanh toán rộng khắp, sản phẩm, dịch vụ đa dạng, được bạn bè, người thân giới thiệu, khuyến khích sử dụng và thuận tiện cho người dùng khi có thể sử dụng tại các cửa hàng, dịch vụ quen thuộc.

Có 70% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng thanh toán di động ít nhất một lần mỗi tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày. Hơn 50% người dùng sử dụng các ứng dụng thanh toán để nạp thẻ cào điện thoại. Ngoài ra, họ cũng dùng để thanh toán một số dịch vụ như: hóa đơn (Internet, điện, nước), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân và vé tại rạp chiếu phim,…

MoMo là dịch vụ thanh toán di động được sử dụng nhiều nhất. Ảnh: Asia Plus.
MoMo là dịch vụ thanh toán di động được sử dụng nhiều nhất. Ảnh: Asia Plus.

Cũng theo khảo sát này, ví MoMo thắng áp đảo về mức độ bao phủ (trên 80%) trong các lĩnh vực, dịch vụ thiết yếu hàng ngày như: Thanh toán tại cửa hàng tiện lợi (CVS), siêu thị, quán cà phê, trà sữa, nhà hàng; Thanh toán các dịch vụ viễn thông tiện ích (Internet, điện, nước, truyền hình, chung cư,...); Tài chính tiêu dùng,...

Trong khi Momo dẫn đầu trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng và thanh toán tài chính, thì Moca khá nổi bật ở lĩnh vực cà phê. Có vẻ là các nhà cung cấp hỗ trợ rất tốt cho người dùng ở lĩnh vực thanh toán hóa đơn Internet, điện, nước,…

Được biết, khảo sát “Mức độ sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại tại Việt Nam” được thực hiện với gần 400 người dùng thanh toán di động tại TP.HCM và Hà Nội có độ tuổi từ 18 - 39 (46% nam giới và 54% nữ giới). Kết quả chỉ ra rằng, động lực chính của việc người dùng hướng đến thanh toán di động bắt nguồn từ tính dễ sử dụng, nhanh chóng và thuận tiện.

"Ứng dụng thanh toán trên điện thoại đang dần thay đổi thói quen mua sắm ở các nước Châu Á, và xu hướng đó cũng đang dần lan rộng vào Việt Nam. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển phương thức thanh toán trên điện thoại nhanh nhất vào năm 2019. Điều này đã tạo ra các cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp trong năm vừa qua, và MoMo có vẻ như đang dẫn đầu thị trường thanh toán này”, báo cáo cho biết thêm.

Bên cạnh những tiện ích, những ứng dụng thanh toán trên di động cũng có một số rào cản nhất định khiến một số người e ngại khi sử dụng.

Đầu tiên, 32% cảm thấy lo lắng về việc bảo mật dữ liệu và họ không thật sự tin tưởng vào các ứng dụng thanh toán, họ lo rằng thông tin cá nhân của mình có để bị đánh cắp. Thứ hai, 31% người không biết cách sử dụng các ứng dụng thanh toán. Cuối cùng, số lượng cửa hàng có thể thanh toán bằng ứng dụng cũng đang bị hạn chế, trên thực tế họ vẫn phải sử dụng tiền mặt ở một số cửa hàng.