Vì điểm yếu cốt tử này, kỹ thuật AI trong quân sự của Trung Quốc khó lòng đuổi kịp Mỹ

VietTimes -- Do sự can thiệp sâu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với ngành AI nói riêng, và các công nghệ cao nói chung, Trung Quốc dường như đang bất lợi trước Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược để giành vai trò “lãnh đạo thế giới” trong lĩnh vực AI.
Các trường đại học và các tập đoàn công nghệ hàng đầu đang hỗ trợ tích cực cho  các ứng dụng AI phục vụ quân đội Trung Quốc (Ảnh Reuters)
Các trường đại học và các tập đoàn công nghệ hàng đầu đang hỗ trợ tích cực cho các ứng dụng AI phục vụ quân đội Trung Quốc (Ảnh Reuters)

Khi mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ sâu rộng hơn giữa phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng và công nghệ thương mại, thì mối quan hệ mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng xây dựng với thung lũng Silicon dường như lại đang đứng trước nhiều thử thách. Google đang phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề vì tham gia vào Dự án Maven của Lầu Năm góc, và chắc chắn họ sẽ không tham gia vào dự án này nữa. Khi mà vấn đề đạo đức mâu thuẫn với sự cạnh tranh chiến lược trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thì nước Mỹ dường như đang ở thế bất lợi.

Ngược lại với sự nhất quán từ thung lũng Silicon ở Mỹ là không phát triển công nghệ phục vụ chiến tranh, thì Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến lược quốc gia “hợp tác quân sự-dân sự”, tập trung vào việc tạo ra và thúc đẩy các phương thức hợp tác về các công nghệ lưỡng dụng, tranh thủ các công ty công nghệ và các trường đại học như là Baidu và Đại học Thanh Hoa, nhằm phát triển các ứng dụng quân sự. Xét về khả năng kiểm soát ngành công nghệ trong nước, thì dường như Trung Quốc đang có lợi thế. Tuy nhiên, hệ thống này của Trung Quốc cũng có những điểm yếu cốt tử - và Mỹ lại có những điểm mạnh ít ngờ tới.

Những tranh cãi gần đây phản ánh bản chất quốc tế của Google. Tuy trụ sở của họ ở Mỹ, nhưng các nhân viên đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Google đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu AI ở Paris, New York, Tokyo và cả một trung tâm ở Bắc Kinh vào năm ngoái, và một trung tâm nữa ở Accra, Ghana cũng sắp được khai trương. Tính chất quốc tế này là một điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh của riêng họ - đặc biệt là trong việc chiêu mộ những thiên tài AI về làm việc cho mình – nhưng điều này càng làm phức tạp những tranh cãi cho rằng Google phải hỗ trợ quân đội Mỹ và tham gia phát triển các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Chiến dịch chống lại sự tham gia của Google vào việc phát triển công nghệ phục vụ cho chiến tranh phản ánh sự tham gia trên toàn cầu để chống lại các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến thế giới và những tranh cãi liên quan đến việc phát triển vũ khí AI. Chiến dịch này tại Google diễn ra vào thời điểm khi mà những người lao động công nghệ ở Mỹ đang tích cực tổ chức để phản đối và biểu tình trước các vấn đề lớn do chính sách của Tổng thống Trump gây nên. Cụ thể, nhiều nhân viên ở Mỹ đang yêu cầu Microsoft, Palantir và nhiều công ty công nghệ khác hủy các hợp đồng của họ với Cơ Quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ nhằm ngăn chặn việc lợi dụng công nghệ để thực hiện các chính sách dã man và vi phạm nhân quyền.

Trụ sở Google tại Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh Reuters)
Trụ sở Google tại Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh Reuters) 

Việc Google bí mật phát triển máy tìm kiếm mà họ dự định đặt ở Trung Quốc – máy này sẽ chấp nhận bị kiểm duyệt, lọc ra “các thuật ngữ nhạy cảm” như là nhân quyền và dân chủ - cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người lao động Mỹ.

Rất khó để một chiến dịch như vậy có thể diễn ra ở Trung Quốc, chứ chưa nói là chiến dịch sẽ thành công. Mặc dù xét về sự hiện diện ở các nước, lực lượng lao động và hoạt động làm ăn của mình thì các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu trở nên quốc tế hơn, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã nhiều lần xác nhận sự lãnh đạo của họ đối với ngành này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Đảng “lãnh đạo mọi mặt” đời sống xã hội. CCP càng tăng cường sự hiện diện của mình trong các công ty công nghệ lớn; phần lớn các công ty đều có các bí thư chi bộ đảng, đây là người đại diện cho lợi ích và sự lãnh đạo của CCP, trong đó có ba ông lớn công nghệ Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent.

CCP cũng đưa những người đứng đầu các tập đoàn công nghệ vào cơ cấu tổ chức đảng, trong đó thông qua các tổ chức Mặt Trận thống nhất như là Đại hội tham vấn chính trị Nhân dân Trung Hoa.

“Những tập đoàn lớn” của Trung Quốc, cũng như các start-up và các tập đoàn mới nổi trong lĩnh vực AI đang trở nên gắn bó ngày càng chặt chẽ với ưu tiên của đảng và nhà nước, trong đó có phát triển sức mạnh trinh sát theo dõi. Điển hình như công ty iFlytek – công ty này này nổi tiếng vì phát triển được “Siri của Trung Quốc” – gần đây đã thiết lập mối quan hệ với đại học MIT, cũng tham gia vào phát triển các tính năng theo dõi trinh sát ở Tân Cương, thúc đẩy các công nghệ nhận dạng giọng nói thông minh. Rất nhiều công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt như là Yitu Tech và SenseTime, trực tiếp hỗ trợ cho việc theo dõi và đảm bảo trị an trong một hệ thống mà tính năng của họ thường bị lạm dụng sai mục đích.

Trong cuộc cách mạng AI của Trung Quốc, các công ty công nghệ nằm ở tuyến đầu, nhưng sức mạnh của họ cũng được xem là một mối đe dọa (Ảnh Reuters)
 Trong cuộc cách mạng AI của Trung Quốc, các công ty công nghệ nằm ở tuyến đầu, nhưng sức mạnh của họ cũng được xem là một mối đe dọa (Ảnh Reuters)

Đồng thời, do Quân Đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng theo đuổi rất nhiều ứng dụng AI phục vụ cho quân sự, nên các trường đại học và các tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng đang tích cực hỗ trợ cho sự phát triển này. Đại học Thanh Hoa, thường được xem là trường MIT của Trung Quốc, đã khẳng định cam kết của họ trong việc hỗ trợ cho chiến lược quốc gia hợp tác quân sự - dân sự của Trung Quốc, trong đó có việc xây dựng các phòng thí nghiệm Công nghệ Hiện đại nhất phục vụ quốc phòng (National Defence Peak Technologies Laboratory) và Phòng Thí nghiệm Thông minh hiện đại phục vụ quân sự (High-end Military Intelligence Laboratory), với sự hỗ trợ từ Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Trong khi đó, Baidu đang hợp tác với một viện nghiên cứu thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, một tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước, để thành lập một Phòng Thí nghiệm chung Nghiên cứu về các Công nghệ Chỉ huy và Kiểm soát thông minh, tập trung vào việc sử dụng big data, trí tuệ nhân tạo, và điện toán đám mây để phát triển hệ thống chỉ huy thông tin quân sự Trung Quốc.


Cho đến nay cũng chưa có bất cứ dấu hiệu phản đối nào đối với ý tưởng để các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào phục vụ phát triển vũ khí cho quân đội.

Đã có nhiều cuộc thảo luận về đạo đức của AI diễn ra ở Trung Quốc và nhiều học giả lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ sử dụng AI trong quân sự. Nhưng nhìn chung những cuộc thảo luận và những lời cảnh báo này không có mấy sức nặng.

Khi tham vọng “lãnh đạo thế giới” về AI của Trung Quốc đang đặt ra một lời cảnh báo, và khi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, thì đây là những thời điểm mà khả năng kiểm soát và định hướng của nhà nước Trung Quốc bộc lộ rõ ràng nhất. Cho đến nay, trong cuộc cách mạng AI của Trung Quốc, các công ty công nghệ ở tuyến đầu, và “những công ty này” sẽ là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các tham vọng AI của Trung Quốc.

Ưu tiên kiểm soát của CCP có thể dẫn đến những mâu thuẫn cố hữu. Khi Trung Quốc theo đuổi chính sách sản xuất và sáng tạo nội địa, thì sự mở rộng hiện diện của CCP trong các công ty công nghệ có thể sẽ kìm hãm sự sáng tạo và đột phá. Mối quan hệ khăng khít giữa các công ty với CCP và Quân đội bắt đầu gây ra những lo ngại, mối quan hệ rối rắm này cũng sẽ cản trở các hoạt động làm ăn của họ ở nước ngoài.

Có rất nhiều lý do để nghi ngờ về chiến lược AI của Trung Quốc. Tuy chiến lược được nhà nước vạch ra như vậy có thể kiểm soát được sự phát triển của các công ty công nghệ và tập trung vào xây dựng một thị trường rộng lớn, nhưng các chính sách này lại rất dễ dẫn đến sự thiếu hiệu quả, thậm chí là càng làm tăng thêm nguy cơ bong bóng AI do đầu tư quá mức.

Mỹ phải nhận thấy lợi thế bền vững của họ, đó là sự năng động và tính nhất quán trong các hệ sinh thái sáng tạo. Các cuộc tranh luận mở và nghiêm túc về đạo đức AI không nên bị xem là những mối hiểm họa tiềm tàng.