Vị chân sư ở ngôi chùa hẻo lánh

VietTimes -- Nhìn ngôi chùa Bắc Lãm (xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) khá bề thế đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để hoàn thiện, mấy ai có thể nghĩ rằng chỉ 5 năm trước thôi, đây là ngôi chùa không thể nghèo hơn: Một túp lều tranh vách đất - theo đúng nghĩa đen - nằm chơ vơ trên đỉnh đồi cọ, xơ xác.
Một góc chùa Bắc Lãm ít năm trước.
Một góc chùa Bắc Lãm ít năm trước.

Sự vắng vẻ, khăn khổ và nghèo khó của ngôi chùa ngày ấy không giữ nổi các tăng ni. Đã có gần chục vị sư tới rồi lại ra đi chỉ sau vài tháng, hoặc nhiều nhất là một năm.

Nhưng rồi, một vị sư trẻ đã tìm tới đây, cùng người dân làm nên điều kỳ diệu: Xây dựng một ngôi chùa mới, khang trang làm nơi cho bà con Phật Tử thập phương thực hành tín ngưỡng.

Chân sư

Đó là Đại đức Thích Chúc Kiểm, một vị chân sư được người dân địa phương rất yêu mến, kính trọng. Vị sư trụ trì này có thế danh là Trần Văn Hạnh, sinh năm 1980, trong một gia đình làm nghề biển đông con ở Tuy Phong, Bình Thuận.

Là con thứ sáu và bên dưới còn hai em nhỏ, Trần Văn Hạnh sớm theo cha ra biển đánh cá mưu sinh. Nhưng rồi, những ấn tượng về Quan Thế Âm trong câu chuyện Tây Du Ký mà ông được nghe kể cứ ám ảnh. Năm 18 tuổi, ông quyết định vào ngôi chùa Diên Thọ ở cách nhà chừng 1 km để … đi tu.

Thầy Thích Chúc Kiểm trong nhà tăng dột nát.
Thầy Thích Chúc Kiểm trong nhà tăng dột nát.

Quyết định bất ngờ của ông khiến ba mẹ rất đau khổ. Thậm chí cha ông tuyên bố từ mặt, nếu con không nghe lời. Ông cứ lên chùa là ba mẹ lại gọi về. Dùng dằng đi ở tới 7 lần thì ông quyết tâm không quay về nữa.

Hiểu được tâm nguyện của con, cuối cùng mẹ ông đã đồng ý, còn người cha vẫn không thể chấp nhận điều đó…

Những tháng ngày đầu tiên chính thức xuất gia là những thử thách khắc nghiệt với vị sư trẻ tuổi. Ăn uống kham khổ, học hành liên tục, nhưng ông không hối tiếc con đường mình đã chọn. Sau khi trải qua 7 năm học ở trường Trung cấp Phật Giáo, rồi 4  năm ở Học viện Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, ông lại trở về ngôi chùa Diên Thọ nơi ông đã đặt những bước đầu tiên chính nghiệp tu để hành đạo.

Được ít lâu thì ông được một vị sư cho biết, ở Thái Nguyên có những ngôi chùa rất khó khăn, cần có sư trụ trì, thế là ông ra Bắc và được đưa lên chùa Bắc Lãm. Ngôi chùa này đã có từ rất lâu nhưng năm 1947 đã bị Pháp ném bom nên chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn. Mãi đến năm 2007, các cụ già trong làng mới đề nghị chính quyền cho khôi phục lại. Nhưng xã miền núi nghèo, dân cũng nghèo nên chùa chỉ được dựng lại tạm bợ, làm chốn thực hành nghi lễ tâm linh cho người dân.

“Từ nay, sống hay chết cũng ở ngôi chùa này”

Đại đức Thích Chúc Kiểm nhớ lại: Gọi là chùa nhưng thực ra chỉ là một túp lều lợp lá cọ, vách trát đất, rất sơ sài. Chùa nằm khuất nẻo ở một xã miền núi cuối huyện, cách thị trấn huyện hơn 20km, 4 bề là rừng, đường đi khó khăn. Vì thế, rất ít người biết đến chùa và cũng vì thế mà chùa không có một nguồn thu nào ngoài sự hỗ trợ từ các phật tử quanh chùa vốn cũng không dư dả gì.

Nhà tăng dột nát đến mức phải trùm một tấm bạt lên trên để tránh mưa tránh nắng. Phương tiện đi lại không có nên chả thể đi đâu. Nước cũng thiếu, phải xuống chân đồi xách từng xô lên dùng cho sinh hoạt.

Thầy Kiểm cùng bà con vượt khó dựng chùa.
Thầy Kiểm cùng bà con vượt khó dựng chùa.

Ngày ngày quanh quẩn ở chùa, chỉ biết nằm trên chiếc võng dưới những tán cọ ngẫm ngợi, Đại đức Thích Chúc Kiểm không biết phải bắt đầu thế nào với ngôi chùa nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần này? Ăn uống còn chẳng đủ nói gì chuyện xây chùa! Thế là sau 3 tháng, vị sư trẻ lại quay về chùa Diên Thọ. Nhưng mới được ít lâu thì người dân xã Minh Tiến lại tìm vào tận quê ông, mời ông ra tiếp tục hành đạo.

Không nỡ phụ tấm lòng của bà con, Đại đức Thích Chúc Kiểm khăn gói về lại chùa Bắc Lãm và tự nhủ lòng “từ nay, sống hay chết cũng ở ngôi chùa này”. Ông hiểu rằng, cần phải xây dựng một ngôi chùa khang trang mới có chỗ để bà con tập trung thực hành tín ngưỡng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, từ đó tăng cường làm việc thiện để giảm cái xấu, cái ác.

Lấy đá xây chùa

Thầy Kiểm bàn với các phật tử, với chính quyền rồi cùng mọi người lên Núi Hồng cách đó 2km lấy đá về xây chùa.

Hình ảnh vị sư trẻ, dáng thư sinh ngày ngày leo núi, bóc đá, chặt cây rừng, làm việc rất chăm chỉ để xây chùa, đã tác động mạnh đến cộng đồng và có sức lan tỏa. Thế là nhiều người ở xã cũng như nhiều nơi khác đã tự nguyện đến góp công góp sức, tiền của cho xây dựng chùa ngày một đông.

Hành trình tái dựng chùa Bắc Lãm bắt đầu bằng những nỗ lực như thế này...
Hành trình tái dựng chùa Bắc Lãm bắt đầu bằng những nỗ lực như thế này...

Ngoài những giờ lao động cùng bà con, Đại đức Thích Chúc Kiểm còn được các gia đình mời đến cúng lễ và dù xa xôi mấy, ông đều nhận lời, để được trả công cái gì, ông lại dồn vào cho việc xây chùa.

Chỉ sau 5 năm, ngôi chùa đã từ “không” thành có – điều mà chính những người dân lẫn chính quyền địa phương ở đây cũng không ngờ. Chùa đã có nước sạch, có nhà tăng, nhà khách khang trang, còn nhà tam bảo đang được bà con tiếp tục đóng góp để có thể hoàn thành sau Tết.

Chùa Bắc Lãm dần dược củng cố kiến thiết với sự chung tay của bà con trong vùng và các tín đồ thập phương...
Chùa Bắc Lãm dần dược củng cố kiến thiết với sự chung tay của bà con trong vùng và các tín đồ thập phương...

Nói về vị sư trụ trì ngôi chùa Bắc Lãm, Chủ tịch xã Minh Tiến, ông Dương Văn Bảo, cho biết: Chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao đạo đức, tư cách của Đại đức Thích Chúc Kiểm. Thầy Kiểm đã không chỉ tập hợp được đội ngũ phật tử mà còn xây dựng được mối đoàn kết tôn giáo trên địa bàn, động viên người dân luôn tuân thủ pháp luật. Thầy Thích Chúc Kiểm còn phát động nhiều phong trào thiết thực như quyên góp, ủng hộ chăn ấm cho người cao tuổi, sách vở cho học trò nghèo, hỗ trợ các thí sinh đi thi…

“Những hoạt động nhân ái ấy tác động tốt tới đời sống tinh thần của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Vì thế, chúng tôi luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho ông trong mọi hoạt động”, ông Tiến khẳng định./.