Về số phận dự án bất động sản mà Hải Phát Invest đã “loại bỏ” trước thềm niêm yết

VietTimes – The Phoenix Garden là dự án có quy mô đầu tư tới nghìn tỷ đồng và được liên doanh chủ đầu tư là Hải Phát Land và DIA Invest tích cực quảng bá trên nhiều truyền thông và các website khác nhau. Mới đây, dự án này đã bị Ngân hàng TMCP Quân Đội “điểm tên” trong hoạt động xử lý nợ.
Phối cảnh của dự án The Phoenix Garden (Nguồn: Hải Phát Land)
Phối cảnh của dự án The Phoenix Garden (Nguồn: Hải Phát Land)

Ngày 25/9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã CK: MBB) vừa có thông báo về việc chào bán khoản nợ và/hoặc quyền tham gia dự án The Phoenix Garden tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận.

Theo tìm hiểu của VietTimes, dự án được MBB rao bán có tên đầy đủ là “Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng – The Phoenix Garden”, được ví như là “Đà Lạt trong lòng Hà Nội”. Dự án này được khởi công ngày 21/1/2009, có quy mô diện tích 45 ha, tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 1.400 tỷ đồng.

Chủ đầu tư của dự án là liên doanh giữa Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) và Công ty cổ phần Đầu tư DIA (DIA Invest). Trong đó, Hải Phát Land là đơn vị trực tiếp phân phối độc quyền sản phẩm biệt thự của dự án.

Cái tên Hải Phát Land khiến nhiều người liên tưởng đến thương hiệu “Hải Phát” của một đại gia trong lĩnh vực bất động sản là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã CK: HPX).

Và quả thực, lịch sử phát triển và giao dịch giữa hai bên đã cho thấy một giai đoạn gắn bó chặt chẽ (công ty mẹ - công ty con) giữa HPX và Hải Phát Land mà nay chỉ còn tồn tại chủ yếu qua “Khoản phải thu khác” trên Báo cáo tài chính Quý 2/2018 của HPX.

Về Hải Phát Land, công ty này được thành lập vào năm tháng 1/2008, có địa chỉ trụ sở chính (hiện nay) tại Tầng 1&2, Tòa CT4, Tổ hợp TMDV và căn hộ The Pride, Khu ĐTM An Hưng, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội – một trong những dự án bất động sản của HPX.

Khi mới thành lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Người đại diện theo pháp luật của Hải Phát Land là ông Đỗ Quý Hải (sinh năm 1969, có địa chỉ thường trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Đáng chú ý, ông Hải cũng là Chủ tịch HĐQT tại Hải Phát Invest.

Người quản lý khác tại công ty này là ông Vũ Kim Giang (sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đảm nhiệm vị trí Giám đốc, Tổng Giám đốc. Tới cuối năm 2016, ông Giang thay thế cho ông Hải đảm nhiệm vai trò Người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Vị trí của ông Hải từng có tại Hải Phát Land phần nào phản ánh được mức độ ảnh hưởng của HPX tại doanh nghiệp này.

Phần vốn góp của HPX tại Hải Phát Land được tiết lộ trong một lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thành phố Hà Nội cấp ngày 24/10/2017. Trong đó, HPX nắm giữ đa số với tỷ lệ sở hữu lên tới 70% vốn điều lệ, bên cạnh là một số cá nhân như Phùng Quang Huy, Nguyễn Việt Phương, Dương Tuấn Anh và Nguyễn Đình Công.

Thông tin sau thay đổi không thể hiện tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trên, tuy nhiên, có thể chắc chắn HPX đã tiến hành thoái vốn tại Hải Phát Land, căn cứ thông tin cung cấp trên Báo cáo tài chính hợp nhất (BCTC HN) đã soát xét của HPX trong năm 2016 và 2017. Mặt khác, với tỷ lệ sở hữu như trên, không có gì ngạc nhiên khi Hải Phát Land đã từng là công ty con và được hợp nhất trên BCTC của HPX.

Điều đáng chú ý, ông Vũ Kim Giang vẫn đảm nhiệm vai trò người đại diện theo pháp luật tại Hải Phát Land cho đến nay. Hoạt động thoái vốn diễn ra trước thời điểm HPX niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) khoảng 1 năm (ngày 24/7/2018).

Liên quan tới dự án The Phonenix Garden tại xã Đan Phượng, BCTC HN đã soát xét năm 2016 của HPX cho thấy, tại thời điểm 31/12/2016, Hải Phát Land đang có khoản vay nợ dài hạn giá trị ghi sổ là 105,08 tỷ đồng với Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long.

Theo thuyết minh, đây là khoản vay theo hợp đồng vay vốn được ký ngày 14/12/2015 giữa Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long và Hải Phát Land, giá trị khoản vay tối đa 350,29 tỷ đồng. Mục đích của khoản vay được sử dụng để tài trợ một phần vốn góp khu đất thuộc “dự án sinh thái cao cấp Đan Phượng”, lãi suất tại thời điểm giải ngân là 10,5%/năm và có thể thay đổi theo từng thời kỳ, thời hạn 5 năm kể từ ngày giải ngân.

Khoản mục Hàng tồn kho của Hải Phát Invest cuối năm 2016 cũng ghi nhận một dự án có tên là “DA Đô thị Đan Phượng” với giá trị ghi sổ Chi phí Sản xuất kinh doanh dở dang là hơn 146,7 tỷ đồng nhưng không có thuyết minh cụ thể.

Có phần đáng tiếc, trên BCTC HN đã soát xét năm 2017 của HPX đã có thêm phần thuyết minh cho các dự án bất động sản nhưng “DA Đô Thị Đan Phượng” lúc này đã không còn được ghi nhận nên chưa thể biết thêm chi tiết về vai trò của nhóm “Hải Phát” tại dự án này.

Dù không còn là công ty con, Hải Phát Land vẫn là đối tác được HPX tin cậy, thể hiện ở những khoản Phải thu khác có giá trị ghi số tới 303,67 tỷ đồng cuối Quý 2/2018, tăng mạnh so với mức 1,4 tỷ đồng hồi đầu năm.

Đây là giá trị ghi sổ của: Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp 32,99% tổng số vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Hải Phong (giá trị chuyển nhượng là 263,26 tỷ đồng); Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ (mà HPX chuyển giao cho Hải Phát Land) tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng – Kinh doanh Đô thị (giá trị 39 tỷ đồng) và Phải thu còn lại về chuyển nhượng 154.000 cổ phần Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Hải Phát PSP (số tiền là hơn 1,4 tỷ đồng).  

Bên cạnh đó, HPX cũng ghi nhận khoản Phải thu khách hàng ngắn hạn đối với Hải Phát Land tại ngày 30/6/2018 là 23,87 tỷ đồng, tăng 10,36 tỷ đồng so với đầu năm.

Ngoài ra, chưa rõ tiến độ trả nợ khoản vay dài hạn của Hải Phát Land đối với Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long. Chỉ biết rằng, ngày 1/8/2018, Hải Phát Land đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 120 lên 347,5 tỷ đồng, giấy chứng nhận do phòng ĐKKD thành phố Hà Nội đã cấp, nên năng lực tài chính của doanh nghiệp này (có thể cho rằng) đã được cải thiện khá nhiều.

Đối tác liên doanh với Hải Phát Land tại dự án The Phoenix Garden, Công ty cổ phần Đầu tư DIA (DIA Invest) được thành lập ngày 24/6/2005, có trụ sở chính tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Người đại diện của DIA Invest là ông Nguyễn Vũ Bằng, sinh năm 1965, có địa chỉ thường trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đáng chú ý, dù được ngân hàng MBB rao bán "khoản nợ và/hoặc quyền tham gia" nhưng thông tin trên các website của Hải Phát Land và DIA Invest vẫn không có nhiều thay đổi. Chưa rõ “khoản nợ” và/hoặc “quyền tham gia” mà MBB đang nhắc tới là của doanh nghiệp nào trong liên doanh này.

Thông báo của MBB cũng cho thấy còn một dự án bất động sản khác được rao bán là dự án Khu đô thị mới Tây Nam Tân Lập tại địa chỉ xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Theo thông tin trên trang chủ của DIA Invest, đây là dự án chưa được rao bán chính thức nên không loại trừ khả năng, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về tài chính.

MBB cũng lưu ý khách hàng quan tâm có thể gửi thư về Trung tâm Nợ quản trị của ngân hàng này. Sau đó, căn cứ trên thư quan tâm, MBB sẽ liên hệ làm việc và cung cấp hồ sơ chi tiết về phương án, thời hạn gửi thư quan tâm đến ngày 10/10/2018./.