Về chốn bồng lai nhé, Giang ơi!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong công việc Giang nghiêm túc đến khắc kỷ, nhưng ngoài đời Giang hiền khô, hay chọc cho mọi người cười. Sống tử tế với bạn bè. Giang là thế! 

Lần đầu tiên tôi gặp Võ Trường Giang là khoảng giữa năm 2003, khi tôi vừa chân ướt chân ráo về Vietnamnet.

Một sáng tôi đang ngồi làm việc thì Giang gõ cửa ló đầu vào. Một chàng trai có khuôn mặt thư sinh, khá khôi ngô, nhưng dáng điệu lại rất phong trần.

Ngồi xuống ghế, tay cầm điếu “Ba số” gõ nhè nhẹ xuống mặt bàn, tươi cười bảo: “Em là Giang. Võ Trường Giang”. Tôi chỉ nghe được có thế. Trong khoảng 5 phút Giang nói, thú thực tôi không hiểu Giang nói gì. Giọng Giang đã trầm, lại nói nhỏ và cứ từ này như dính vào từ kia.

Sau này khi đã quen rồi, tôi thường đùa: “Chú mày phải nói to và chậm thôi bác mới nghe và hiểu được!” Những lần như vậy Giang chỉ cười hiền khô.

Giang là phóng viên Ban Xã hội, đứng đầu nhóm phóng sự - điều tra.

Tính Giang bộc trực, thẳng thắn. Trong các cuộc họp giao ban, Giang rất hay tranh luận. Thậm chí, có thể chỉ thẳng tay vào mặt đồng nghiệp về một đề tài nào đó. Tôi từng chứng kiến, có lần Giang gay gắt với một nữ đồng nghiệp đến mức tôi nghĩ cả hai sau này không thể nhìn mặt nhau. Nhưng không, vài ngày sau Giang lại chở nữ đồng nghiệp đi hàng trăm cây số để tác nghiệp, còn Giang thì chụp hình cho bài viết như chưa hề có cuộc cãi vã nhau trước đó.

Tính Giang là vậy, với công việc bao giờ anh cũng đòi hỏi khắt khe, đôi khi nghiệt ngã với cả chính mình. Nhưng ngoài công việc ra anh lại khá hiền lành, hay pha trò cho người khác cười.

Giang “chịu đựng” bạn rất giỏi. Có lần, một đồng nghiệp say xỉn giữa bàn tiệc. Tôi gọi, Giang chạy từ nhà ra, dìu bạn về khách sạn, thuê phòng và ngồi trực cả đêm cho bạn. Sáng ra đi mua cháo cho bạn ăn rồi mới yên tâm đi làm.

Một lần Giang vào phòng tôi, vừa ngồi xuống ghế, nâng ly trà tôi vừa rót, nhấp một hơi, bảo: “Bác nói cơ quan mua cho em chiếc xe máy phân khối lớn để em đi dọc vùng biên viết điều tra về nạn buôn lậu. Đảm bảo sẽ có loạt phóng sự hay”. “Bao nhiêu tiền?”- tôi hỏi. Ngập ngừng một lúc, Giang bảo: “khoảng 300 triệu!”.

Tôi đi lại bàn, nhìn lên màn hình máy tính: vàng 67 triệu một lượng. 300 triệu, hơn 4 cây vàng đó cha nội! Làm gì có tòa soạn nào bỏ ra 4 cây vàng đổi lấy 4 bài phóng sự!

Tôi đùa: “Chú như con đại bàng. Vượt đồi, lội suối mà đi, chứ cần gì xe máy phân khối lớn”.

“Thương hiệu” Đại bàng ra đời từ đó, và không hiểu sao Giang rất thích cái “thương hiệu” mà trong lúc vui miệng tôi nói ra ấy.

Nhưng rồi Giang lấy giấy giới thiệu và đi biên giới thật. Một tháng sau Giang về.

Hôm ấy là Chủ nhật, tôi đến Tòa soạn (số 4 Láng Hạ, Hà Nội) trực. Vừa tới cửa thì thấy Giang đeo ba lô, chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, đội mũ lưỡi trai ngược, đi đôi giày lục quân Mỹ bạc thếch.

Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Chính Hữu, đọc: “Rách tả tơi rồi đôi dày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”(Ngày về). Giang tỏ ra rất xúc động.

Làm việc đến 10 giờ thì Giang sang phòng tôi kéo bằng được tôi đi uống bia. Hai “thầy trò” ra quan bia Lan Chín đối diện bên kia đường.

Cả buổi Giang kể cho nghe chuyện buôn lậu vùng biên. Rất hào hứng. 12h trưa về lại Tòa soạn. Giang bảo: “Thầy về phòng đi, em về viết bài”.

4 giờ chiều tôi sang phòng phóng viên, đến khu vực Giang làm việc. Giang đang nằm trên ba chiếc ghế ghép lại, một chân gác lên bàn, chân kia thả xuống đất. Giày tất mỗi nơi mỗi chiếc. Tôi đứng nhìn Giang ngủ một lúc thì Giang bò dậy. “Bác yên tâm sáng mai sẽ có hai kỳ ngon lành”.

Sáng hôm sau Giang nhập lên 4 kỳ phóng sự điều tra về nạn buôn lậu vùng biên. “Em hết trách nhiệm với cụ nhé. Em về nhà ngủ tí đây” - Giang vừa nói, vừa ra khỏi phòng tôi. Thì ra cả đêm qua Giang ngồi lì ở cơ quan để viết bài. Loạt bài điều tra có thể nói là xuất sắc.

“Em mà không viết thì thôi, chứ mà đã viết thì bạn đọc phải nhớ cả đời” - đôi khi hứng lên Giang vẫn tự hào như vậy. Giang thuộc loại viết ít, nhưng quả thật, những bài Giang viết ra, nhất là những đề tài Giang tâm huyết, đều rất đáng đọc.

Tôi rời Vietnamnet. Sau đó Giang cũng ra đi. Vào Nam, Giang lúc thì viết cho Pháp luật Việt Nam, lúc Nông thôn ngày nay. Gần hai chục năm sau, tôi gặp lại Giang ở TP. HCM. Có dịp ngồi nhậu với nhau, Giang thường hay mang những chuyện từ thời còn làm ở Vietnamnet ra kể và rất tự hào với “thương hiệu” Đại bàng của nhóm phóng sự - điều tra ngày ấy.

Thế rồi Giang về đầu quân cho VietTimes. Bài ra mắt của Giang là ký sự “Vị ngọt cuối của Anh hùng Ba Sương”, viết về Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Sương. Mặc dù cuộc đời ba chìm bảy nổi của nữ Anh hùng này đã có khá nhiều người viết, nhưng dưới ngòi bút của Võ Trường Giang vẫn có gì đó rất mới, rất lạ.
Bút lực của Giang vẫn vậy, các nhân vật, sự kiện dưới những con chữ được trau chuốt kỹ càng của Giang hết sức sống động. Tính Giang vẫn vậy, đề tài nào hợp gu là theo, bám đến cùng.

Loạt bài về số phận những con người ở khu vực giải tỏa Thủ Thiêm là một minh chứng rõ nét nhất. Anh lặn lội, đi đến từng ngõ ngách, gặp những con người với những số phận khác nhau. Loạt bài viết ấy được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Một năm trở lại đây Giang bị căn bệnh ung thư hành hạ. Nằm trên giường bệnh Giang thèm khát những chuyến đi. Không thèm khát làm sao được. Cái típ người, như Nguyễn Tuân từng nói “Và đi, và viết, và đi/ Khi tôi chết/ Hãy thuộc da tôi làm chiếc va ly” nay nằm một chỗ thì chịu sao nổi.

Ngày 8/2/2022, trên facebook của mình, Giang viết:

Ta từng đi như một kẻ viễn du

Bàn chân lạ bước qua bao miền lạ…

Và:

Hận này! một kiếp có đủ hay

Thê lương này! Một đời khúc khuỷu

Oán thán này! Thả chìm trong men rượu…

Dường như Giang cảm nhận được mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Những ngày cuối cùng của năm 2021, tôi đã chợt giật mình khi đọc được những dòng chữ Giang viết “Một chút cho riêng mình, qua quá nhiều thứ thấy”. Lẽ nào Giang bắt đầu chuẩn bị cho sự ra đi.

Dùng những câu thơ của Nguyễn Trung Kiên để nói lên tâm tư của mình, để nhắn người ở lại như một lời trăng trối:

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng

Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết

Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”.

Cũng chính những lúc nằm trên giường bệnh này, nhìn lại, Giang phải cám ơn lắm cuộc đời đã mang lại cho mình những tháng năm hạnh phúc. Cảm ơn số phận đã cho anh một người vợ vừa xinh đẹp, giỏi giang, vừa chịu đựng lại hết sức vị tha.

Ai mà chiều nổi, chịu nổi một gã lữ hành vừa ngang tàng, vừa "vô trách nhiệm" như Giang. Một gã "và đi, và viết, và đi...", để lại một gánh nặng gia đình mà trăm sự đều do tay một người phụ nữ ấy đảm nhiệm. Người vợ ấy chả trách gì anh, mà thương anh, chăm lo cho anh, như bạn bè thường nói vui, như một "đứa con hư'.

Thế là đã quá hạnh phúc rồi Giang ơi! Không hiểu có phải Giang ăn năn hay không? Mà không ăn năn sao được, khi Giang đã có một người vợ như thế! Bởi thế chăng trước khi từ giã cõi ta bà, Giang đã mượn những câu thơ của Nguyễn Trung Kiên để thổn thức:

"... Hai mảnh đời thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia".

Sao Giang lại bỏ lại vợ con, những người thân yêu nhất, bỏ lại anh em, bạn bè, đồng nghiệp mà ra đi sớm thế. Giận Giang lắm, mà cũng thương lắm, Giang ơi!

Thôi, hãy thanh thản về chốn bồng lai nhé, Giang! Chẳng ai thay được Giang trong lòng anh em, bạn bè, đồng nghiệp đâu. “Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng” - Giang hiểu rõ quá còn gì!