VDA 2023: Tôn vinh mô hình, giải pháp chuyển đổi số nổi bật, phát huy hiệu quả tiềm lực dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Góp phần nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt của dữ liệu số đối với chuyển đổi số, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm nay hướng tới “Khai mở tiềm năng dữ liệu số” để hưởng ứng “Năm Dữ liệu số quốc gia”.
Ông Vũ Kiêm Văn - Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng VDA 2023 cho biết, giải thưởng sẽ tìm kiếm, đánh giá việc xây dựng hạ tầng dữ liệu của một số tổ chức, doanh nghiệp điển hình.
Ông Vũ Kiêm Văn - Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng VDA 2023 cho biết, giải thưởng sẽ tìm kiếm, đánh giá việc xây dựng hạ tầng dữ liệu của một số tổ chức, doanh nghiệp điển hình.

Ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Phó trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA) – đã trao đổi với VietTimes bên lề Lễ phát động VDA 2023.

- Xin ông cho biết lý do Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 lựa chọn chủ đề là “Khai mở tiềm năng dữ liệu số”?

Ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VDCA, Phó trưởng Ban Tổ chức VDA2023: Ngày 04/4/2023, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số đã phê duyệt Quyết định 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành kế hoạch hoạt động của Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số năm 2023 trong đó xác định “Năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia”. Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “Tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.

Năm Dữ liệu số sẽ tập trung vào các vấn đề gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, đồng thời cần quan tâm đến an toàn dữ liệu”.

Vì những lý do nêu trên, cùng với việc góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò đặc biệt của dữ liệu số đối với chuyển đổi số, VDCA quyết định lựa chọn chủ đề của Giải thưởng Chuyển đổi số năm nay là “Khai mở tiềm năng dữ liệu số” để hưởng ứng “Năm Dữ liệu số quốc gia”.

- Với việc bổ sung thêm tiêu chí về dữ liệu, ông dự đoán về các tổ chức, giải pháp được vinh danh tại VDA 2023 có gì khác so với các kỳ trước?

Ông Vũ Kiêm Văn: Tôi tin tưởng rằng với chủ đề mang hơi thở thời đại, cùng sự định hướng và chủ trương của Chính phủ và trong bối cảnh nhận thức ngày càng tốt hơn của xã hội về tầm quan trọng của dữ liệu số, Giải thưởng năm nay sẽ được đón nhận tích cực và kỳ vọng sẽ phát hiện ra nhiều giải pháp, mô hình chuyển đổi số nổi bật, đặc biệt về “dữ liệu”.

Ban Tổ chức giải thưởng cũng sẽ chủ động định hướng, nghiên cứu sâu sắc hơn một số lĩnh vực có liên quan mật thiết đến dữ liệu số để tôn vinh. Ví dụ như nghiên cứu, đánh giá kết quả việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia: CSDL quốc gia về Dân cư; CSDL Đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về Dân số; CSDL quốc gia về Tài chính; CSDL quốc gia về Bảo hiểm và nhiều CSDL chuyên ngành khác.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả thực hiện của các bộ, các tỉnh về việc mở dữ liệu trong cơ quan nhà nước thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; đánh giá việc xây dựng các nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) của tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng các hệ chuyên gia, các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm, đánh giá việc xây dựng hạ tầng dữ liệu của một số tổ chức, doanh nghiệp điển hình.

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) được đánh giá là một trong những cơ quan nhà nước có đóng góp lớn trong việc xây dựng dữ liệu số.

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) được đánh giá là một trong những cơ quan nhà nước có đóng góp lớn trong việc xây dựng dữ liệu số.

- Với chủ đề như trên, Quy chế Giải thưởng năm nay có những điểm khác biệt gì?

Ông Vũ Kiêm Văn: VDCA đã tiến hành điều chỉnh Quy chế của Giải thưởng. Đây là lần điều chỉnh thứ tư sau 6 lần tổ chức. Đó là bên cạnh các tiêu chí đã quy định tại các quy chế trước đây, Quy chế mới bổ sung thêm 1 tiêu chí về việc: “Tạo lập, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu” là tiêu chí quan trọng để Hội đồng giám khảo Giải thưởng xem xét, thẩm định, đánh giá các nền tảng số và hoạt động chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp.

Các cơ quan, tổ chức tham gia Giải thưởng cần có báo cáo, chứng minh kết quả của việc xây dựng kiến trúc dữ liệu, quản trị dữ liệu cho đến quá trình thu thập, tạo lập trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin và các phương thức lưu trữ, chia sẻ và khai thác dữ liệu số để tạo ra thông tin, tri thức, tài sản số.

- Như ông vừa nói, trong 6 mùa giải, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã điều chỉnh Quy chế 4 lần. Việc điều chỉnh này có làm mất tính ổn định của Giải thưởng?

Ông Vũ Kiêm Văn: Qua 6 lần tổ chức liên tiếp kể từ năm 2018, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh Quy chế. Việc điều chỉnh này được VDCA xác định là phù hợp với xu thế phát triển và sự thay đổi ngày càng nhanh của công nghệ, nên Giải thưởng cũng cần có những sự điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sự điều chỉnh Quy chế, Giải thưởng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi: Phát hiện, cổ vũ và tôn vinh các thành tựu chuyển đổi số của doanh nghiệp, tổ chức đã có đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đối tượng tham gia không chỉ là các doanh nghiệp công nghệ như nhiều giải thưởng về công nghệ hiện nay mà VDA còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc mọi thành phần đã và đang thực hiện chuyển đổi số.

Việc thẩm định Giải thưởng được thực hiện công tâm, khách quan, có chiều sâu bởi Hội đồng độc lập là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế uy tín trong và ngoài nước.

Việc điều chỉnh Quy chế chủ yếu là sự điều chỉnh, bổ sung các hạng mục Giải thưởng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí đánh giá do Ban Tổ chức phát hiện ra những vấn đề mới qua từng năm tổ chức cũng như những xu hướng mới của thế giới công nghệ để ngày càng hoàn thiện format của Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam.

- Nhiều ý kiến cho rằng, hiện chỉ có Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng công nghệ có riêng hạng mục tôn vinh doanh nghiệp nước ngoài có pháp nhân tại Việt Nam. Liệu việc này có gì đó mâu thuẫn với chủ trương “Make in Vietnam”?

Ông Vũ Kiêm Văn: Thực tế trong thời gian qua, nhiều nền tảng số nước ngoài đã được nhiều triệu người Việt Nam sử dụng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng số cho người dân, có thể kể ở đây một số điển hình như phần mềm Teams, Zoom, hay một số phần mềm học ngoại ngữ, phần mềm văn phòng,… các nền tảng nước ngoài đã góp phần phát triển công dân số và xã hội số.

Xét về ý nghĩa đó, VDCA tách ra một hạng mục riêng để đánh giá vai trò của các nền tảng số của nước ngoài có đóng góp cho chuyển đổi số ở Việt Nam. Việc tách ra một hạng mục riêng là để quá trình đánh giá có sự khác biệt với cách đánh giá các nền tảng số “make in Vietnam”, đó là những nền tảng số nước ngoài. Ngoài việc đánh giá về công nghệ, bảo mật và tuân thủ luật pháp Việt Nam, Hội đồng sẽ xem xét kỹ hơn ở vai trò của nền tảng số đối với sự thay đổi thói quen, cách làm việc, học tập, sinh hoạt của người dân.

Với hạng mục này, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam sẽ là sự kiện có tính quốc tế, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thế giới, thúc đẩy các phẩm “Make in Vietnam” ngang tầm quốc tế.

Xin cảm ơn ông!