Vay hơn 12.000 tỷ Yên để sản phẩm công nghệ cao chiếm 45% GDP

VietTimes -- Dự kiến số tiền này sẽ được dành để hỗ trợ cơ sở hạ tầng cơ bản cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; thúc đẩy các lĩnh vực Việt Nam còn chưa bắt kịp các quốc gia Đông Nam Á khác như đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ, đồng thời nâng cấp ngành công nghiệp.
Vốn vay từ dự án sẽ được phân bổ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng các dịch vụ tư vấn hỗ trợ. Ảnh minh hoạ: Internet.
Vốn vay từ dự án sẽ được phân bổ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cùng các dịch vụ tư vấn hỗ trợ. Ảnh minh hoạ: Internet.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay ODA với tổng giá trị 12.865 tỷ yên Nhật cho Dự án Phát triển Cơ sở Hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là khoản vay thứ hai của dự án, khoản vay trước đó trị giá 15.218 tỷ yên được ký vào tháng 3/2012.

Số tiền vay lần thứ 2 này sẽ được phân bổ để xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho trung tâm khoa học công nghệ của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; cung cấp hoạt động nghiên cứu, phát triển, giáo dục và đào tạo của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại khu vực ngoại vi Hà Nội; thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu và giáo dục hợp tác, thu hút vốn đầu tư tư nhân, đưa Khu Công nghệ thành tổ hợp khoa học công nghệ đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Được biết, hiện Ngân sách Chính phủ Việt Nam dành cho khoa học công nghệ không ngừng tăng lên mỗi năm, tuy nhiên, các chỉ số khoa học công nghệ của các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam vẫn còn khoảng cách nhất định so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Việc xây dựng hệ thống hợp tác cho các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, và doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy các tiến bộ kỹ thuật hiện đại và thực tế sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Để làm được như vậy, cơ sở hạ tầng là một trong những nền tảng để tích hợp khoa học và công nghệ.

Được biết, khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao Quốc gia với quy mô 1.586 ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Mặt khác để trở thành thành phố khoa học, Khu Công nghệ cao cần thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng xã hội như: nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, dịch vụ hậu cần, vui chơi giải trí...

Để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, một hạ tầng hiện đại ngang tầm khu vực đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bằng ngân sách nhà nước và đặc biệt bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Với phương châm phát triển nhằm nâng cao tiềm lực phát triển khoa học - công nghệ và công nghệp công nghệ cao làm trọng, các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ Hòa Lạc sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Công nghệ cao và mô hình phục vụ “một cửa, tại chỗ” để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.