Văn hóa quản lý là sự tự nguyện của các cơ quan công quyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có những đặc thù về nội dung, cấu trúc và biểu hiện, xuất hiện như là sự tích hợp không thể tách rời của văn hóa với quản lý.

TS Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Anh Tuấn
TS Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Anh Tuấn

Phát biểu tại hội thảo “Văn hoá quản lý với di sản văn hoá trong quá trình hội nhập và phát triển” do Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc tổ chức với quy mô cấp quốc gia, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng, nhấn mạnh: Văn hóa có vai trò quan trọng đối với các cộng đồng dân tộc, với từng quốc gia. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Suy cho cùng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là vì những giá trị văn hóa.

Đây là hội thảo về văn hoá quản lý với di sản văn hoá được tổ chức lần đầu tiên với quy mô cấp quốc gia, do Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc, thuộc Liên Hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Theo Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và những thách thức rất to lớn, trong đó có vấn đề về văn hoá và con người. Quản lý văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có những đặc thù về nội dung, cầu trúc và biểu hiện, xuất hiện như là sự tích hợp không thể tách rời của văn hóa với quản lý.

TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Phát triển văn hóa dân tộc. Ảnh: Anh Tuấn

TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Phát triển văn hóa dân tộc. Ảnh: Anh Tuấn

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Doãn Hợp cho rằng văn hóa quản lý là đỉnh cao của văn hóa công sở, văn hóa đạo đức. Văn hóa quản lý có hai cái "lý" quan trọng, hết sức cần thiết đối với người cán bộ khi thực hiện văn hóa quản lý, là pháp lý và tâm lý.

TS. Lê Doãn Hợp cũng khẳng định văn hóa quản lý nhằm tôn vinh người giỏi, chọn người đứng đầu tốt. Văn hóa quản lý là sự tổng thể gắn bó không phải chỉ quản lý di sản mà phải tập trung giải quyết 5 vấn đề về văn hóa như: Văn hóa gia đình; văn hóa doanh nghiệp; văn hóa công sở và đạo đức công vụ; văn hóa nghệ thuật tinh hoa dân tộc; văn hóa vật thể và phi vật thể.

Theo TS. Lê Doãn Hợp, văn hóa quản lý cần tập trung 5 vấn đề: Giáo dục tôn vinh văn hóa công sở; truyền bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; lựa chọn tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam; bảo vệ tôn vinh văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du lịch; cán bộ, đảng viên người thừa hành công vụ hơn ai hết phải là những người có văn hóa …

Cũng tại hội thảo, GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho rằng: Cần khẳng định rằng, văn hóa quản lý là sự tự nguyện của các cơ quan công quyền, là người phục vụ trung thành của nhân dân. Chính quyền nhà nước không có nhiệm vụ tự thân mà được tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước được nhân dân giao cho.

Chính vì vậy chính quyền các cấp không được coi việc xếp hạng di tích, cấp phép tu bổ di tích, tổ chức lễ hội là hoạt động dịch vụ mà phải tạo thuận lợi nhất cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm “Công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”. Cơ quan quản lý nhà nước không được phân biệt đối xử, kỳ thị với kinh tế tư nhân trong đó có chủ thể quản lý di sản văn hóa ngoài công lập.

GS.TS Trương Quốc Bình khẳng định: Văn hóa quản lý cần phải được cụ thể hóa thành những quy chế cơ quan, nội quy công sở, trong đó có những quy định cụ thể và thủ tục cần thiết về từng loại công việc và của mỗi công chức trong các hoạt động liên quan đến dân và doanh nghiệp, thực hiện đúng nguyên tắc: “công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. Văn hóa quản lý phải được thể hiện trong cách làm việc hàng ngày của mỗi cán bộ công chức thuộc mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến cơ sở trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Khi bàn về văn hóa quản lý trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng công tác cán bộ hiện nay chưa được quy chuẩn, thiếu đào tạo chuyên môn. Quản lý văn hóa ở các cấp ít hiểu biết về văn học nghệ thuật, mỗi khi nhận xét đánh giá chất lượng nghệ thuật không sâu. Vì vậy nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao.

Tham gia hội thảo có TSKH Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trưởng của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Phát triển văn hóa dân tộc.

Tham dự hội thảo còn có các ông Lê Tiến Thọ và Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng gần 40 nhà khoa học, các vị thực hành tín ngưỡng…