Vạn Hạnh Mall và thương vụ 0 đồng của ông Trần Phương Bình

VietTimes – “Don Di Lam và Trần Lệ Nguyên (cổ đông hiện hữu) đề nghị Trần Phương Bình chuyển nhượng 35,74% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình với giá 0 đồng, nếu không thì..."
"Đại gia" Trần Lệ Nguyên và các đối tác chung tay khai trương Vạn Hạnh Mall. (Ảnh: Internet)
"Đại gia" Trần Lệ Nguyên và các đối tác chung tay khai trương Vạn Hạnh Mall. (Ảnh: Internet)

“Vạn Hạnh Mall tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trung tâm quận 10 (TP.HCM) có tổng diện tích xây dựng lên đến 90.000 m2, diện tích thương mại 55.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm, 7 tầng thương mại. Hệ thống bãi giữ xe nổi 9 tầng trải dài từ tầng hầm đến tầng 5 với sức chứa trên 3.000 xe máy và 350 xe ô-tô. Cụm rạp chiếu phim CGV được đầu tư qui mô và hiện đại, khu vui chơi giải trí PowerBowl, khu mua sắm tiện tích đại siêu thị Co.opXtra và hơn 50 thương hiệu ẩm thực, nhà hàng phong phú”, chủ đầu tư đã giới thiệu như thế về Vạn Hạnh Mall, trong ngày “trung tâm thương mại lớn nhất Quận 10” này chính thức được khai trương.

Nhiều tờ báo cũng dẫn lại lời phát biểu khai trương của ông Trần Lệ Nguyên – Phó Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO (Kido Group; HoSE: KDC): “Thành công của mô hình TTTM không thể thiếu một trong các yếu tố như, chất lượng dịch vụ tốt, hàng hóa chọn lọc và có chất lượng, vị trí tiện lợi cho người tiêu dùng… Với Vạn Hạnh Mall chúng tôi chủ trương chọn lựa các đối tác uy tín và những dịch vụ tốt nhất để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng khi đến vui chơi, mua sắm và giải trí tại Vạn Hạnh Mall”.

Một số tờ miêu tả ông Nguyên là chủ đầu tư của dự án 1.000 tỷ đồng này. Tuy nhiên, nói ông Trần Lệ Nguyên là đại diện chủ đầu tư thì có lẽ hợp lý hơn.

Và lưu ý là Vạn Hạnh Mall không phải là một dự án của Kido Group. Ít nhất là trên mặt giấy tờ. Ông Trần Lệ Nguyên tham gia dự án này thông qua Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình.

Ngày 22/1/2013, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình (Bắc Bình) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhập khẩu Tây Nam (Bộ Quốc phòng) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 400/HĐGD với nội dung: Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nhập khẩu Tây Nam (Tây Nam) góp vốn bằng 16.922 m2 đất tại số 11 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM; Công ty Bắc Bình góp vốn bằng toàn bộ chi phí đầu tư cho dự án.

“Dích dắc” 35% vốn góp Bắc Bình của em vợ ông Trần Phương Bình

Theo ký thay doanh nghiệp đổi lần thứ 15 (ngày 3/10/2016), Công ty Bắc Bình có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, với 5 thành viên góp vốn, gồm: Trần Lệ Nguyên góp 108,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 54,46%), Trịnh Hiếu Từ góp 20,4 tỷ đồng (10,21%), Trang Thị Bảo Trân góp 6 tỷ đồng (3%), Tạ Thiên Nga góp 3,4 tỷ đồng (1,7%) và Golden Sands Capital Corporation góp 61,3 tỷ đồng (30,63%). Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Lương Quang Hiển.

Song Công ty Bắc Bình đã được thành lập từ nhiều năm trước đó (ngày 24/10/2007); Và cơ cấu sở hữu vừa nêu là kết quả của những thương vụ chuyển nhượng vốn khá “dích dắc”.

Trước khi về tay các cổ đông vừa kể, nên biết, 35% vốn điều lệ Bắc Bình từng đứng tên ông Cao Ngọc Hải – em trai bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ). Phần vốn này thực ra cũng được ông Hải gom lại từ những thành viên góp vốn khác của Bắc Bình.

Ngày 17/02/2009, ông Cao Ngọc Hải ký hợp đồng mua 10% vốn góp của ông Nguyễn Thiện Nhân; 20% vốn góp của ông Nguyễn Đắc Hiệp và 5% vốn góp của Trang Thị Bảo Trân tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình với giá 61,2 tỷ đồng (làm tròn).

Cựu Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTD Dong A Bank Trần Phương Bình. (Ảnh: Internet)
 Cựu Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTD Dong A Bank Trần Phương Bình. (Ảnh: Internet)

Nhưng đáng nói, không phải tự thân ông Hải muốn mua vốn góp Bắc Bình, mà chỉ làm theo lời nhờ của người anh rể - ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á – Dong A Bank (chồng bà Cao Thị Ngọc Dung). Cụ thể, khai trước cơ quan điều tra, ông Bình cho biết: “Ngày 17/02/2009, Trần Phương Bình nhớ Cao Ngọc Hải mua 10% vốn góp của ông Nguyễn Thiện Nhân; 20% vốn góp của ông Nguyễn Đắc Hiệp và 5% vốn góp của Trang Thị Bảo Trân tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình với giá 61,2 tỷ đồng”.

Vợ con không hề biết bị ông Trần Phương Bình lấy tên mua khống cổ phần Dong A Bank

Dễ hiểu khi chính ông Trần Phương Bình - chứ không phải ông Cao Ngọc Hải - mới là người thanh toán cho nhóm ông Nguyễn Thiện Nhân 61,2 tỷ đồng tiền mua 35% vốn góp tại Công ty Bắc Bình.

Vấn đề là ông Bình không trả “tiền tươi thóc thật” cho ông Nhân, mà dùng cách khác.

Cụ thể, theo tài liệu điều tra, từ ngày 24/2/2009 đến ngày 29/12/2009, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Thị Ngọc Vân chỉ đạo Dong A Bank Chi nhánh quận 10 (Nguyễn Tăng Ngọc Linh và Nguyễn Quang Tâm) và Phòng ngân quỹ Dong A Bank (Nguyễn Đức Vinh và Đỗ Thanh Hùng) thu khống 54,74 tỷ đồng để trả lãi vay cho 07 khoản vay của 06 Công ty của Nguyễn Thiện Nhân đang có dư nợ ở Dong A Bank. Lưu ý, trong số 06 công ty này có cả Công ty Bắc Bình (Bắc Bình đã vay Dong A Bank 400 tỷ đồng theo Hợp đồng tín dụng số H0044/12 ngày 28/8/2008).

Còn 6,44 tỷ đồng còn lại, ông Trần Phương Bình đã sử dụng nguồn tiền khác để thanh toán cho Nguyễn Thiện Nhân.

Thương vụ 0 đồng

Theo lời khai của ông Trần Phương Bình, sau khi mua 35% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình, theo tỷ lệ vốn góp thì Cao Ngọc Hải (thực chất là Trần Phương Bình) phải có trách nhiệm trả nợ 78,23 tỷ đồng cho các khoản vay của Công ty Bắc Bình tại Dong A Bank, trong khi Trần Phương Bình đang gặp khó khăn về tài chính, không có tiền để tiếp tục đầu tư tại dự án nêu trên.

“Don Di Lam và Trần Lệ Nguyên (cổ đông hiện hữu) đề nghị Trần Phương Bình chuyển nhượng 35,74% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình với giá 0 đồng, nếu không thì Don Di Lam và Trần Lệ Nguyên sẽ không thu xếp tiền để trả nợ Dong A Bank và không tiếp tục đầu tư Dự án, khi đó Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nhập khẩu Tây Nam của Bộ Quốc phòng sẽ không tiếp tục hợp tác đầu tư với Công ty NHH Đầu tư Xây dựng Bắc Bình và 16.922 m2 đất nêu trên”, cựu Chủ tịch Dong A Bank khai.

Với các lý do nêu trên, ngày 20/9/2016, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo Cao Ngọc Hải ký hợp đồng bán 35,74% vốn góp tại Công ty Bắc Bình cho Trần Lệ Nguyên và Tạ Thiên Nga (vợ ông Don Di Lam, còn có tên khác là Julie Nga Thien) với giá 0 đồng.

Kết quả thương vụ đã sớm được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Bắc Bình.

Theo đăng ký thay đổi vào ngày 3/10/2016, cơ cấu sở hữu Công ty Bắc Bình, gồm 5 cái tên: Trần Lệ Nguyên (54,46%), Trịnh Hiếu Từ (10,21%), Trang Thị Bảo Trân (3%), Tạ Thiên Nga (1,7%) và Golden Sands Capital Corporation (30,63%).

Còn trước đó: Công ty cổ phần Địa ốc Kinh Đô (10,21%); Golden Sands Capital Corporation (30,63%); Cao Ngọc Hải (35,74%); Trang Thị Bảo Trân (3%); Trần Lệ Nguyên (20,42%).

So sánh cơ cấu sở hữu trước và sau, có thể thấy, 35,74% vốn góp Bắc Bình của ông Cao Ngọc Hải đã được “sang tên” cho hai người: bà Tạ Thiên Nga (1,7%) và ông Trần Lệ Nguyên (34,04%). Ngoài ra, Công ty cổ phần Địa ốc Kinh Đô cũng chuyển nhượng 10,21% vốn góp Bắc Bình cho ông Trịnh Hiếu Từ.

Có vẻ như CEO Kido Group Trần Lệ Nguyên mới là người “được” nhiều nhất từ thương vụ 0 đồng của cựu Tổng Giám đốc Dong A Bank Trần Phương Bình…

Ngày 31/7, VKSND Tối cao trả toàn bộ hồ sơ cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á

Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu Bộ Công an thay đổi tội danh của một số bị can và làm rõ hành vi của một số người liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng này, nếu đủ cơ sở thì xử lý hình sự.

Tháng 4, VKSND Tối cao đã một lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ việc có hay không ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD Dong A Bank) chỉ đạo cấp dưới chuyển 200 tỷ cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm")./.