CHUYỆN NGOÀI SÂN CỎ:

“Vấn đề không phải là họp…”

VietTimes -- Sau cuộc họp VPF vẫn không thể quyết định được việc V.League 2020 sẽ được tổ chức như thế nào. Dù HAGL "tẩy chay" họp nhưng bầu Đức vẫn công khai phản ứng VPF trên các phương tiện truyền thông.
Bản thân VPF cũng chỉ muốn có cuộc họp để xã hội biết mình đang quan tâm đến các CLB, chứ bản thân bầu Tú biết rõ có nhiều quyết định mà ngay cả tầm VFF cũng còn khó giải quyết. Ảnh VPF
Bản thân VPF cũng chỉ muốn có cuộc họp để xã hội biết mình đang quan tâm đến các CLB, chứ bản thân bầu Tú biết rõ có nhiều quyết định mà ngay cả tầm VFF cũng còn khó giải quyết. Ảnh VPF

Không phải bây giờ, mà ngay từ khi ông ông Trần Anh Tú bước chân vào “ngôi nhà VPF” cách đây hơn 2 năm, người ta đã thấy sóng gió đang chờ đợi. Sân cỏ Việt Nam vốn phức tạp, nhiều ông chủ như bầu Đức, bầu Hiển hay mới đây là bầu Đệ dù không giữ chức vụ quan trọng tại VFF hay VPF nhưng có ảnh hưởng lớn, thậm chí rất lớn trong cuộc chơi.

Bóng đá Việt Nam nó thế!

Sau lưng các ông bầu luôn có lực lượng báo chí, truyền thông ủng hộ nên “nhất cử, nhất động” các kế hoạch của VFF, VPF đều được “soi” một cách kỹ lưỡng. Thực ra, cuộc họp nội bộ 14 CLB của VPF vốn cũng bình thường như bao lần khác, bầu Đức cũng thừa hiểu nó sẽ chả có thể quyết định được vấn đề mang tính quyết định. Đơn giản là trong thời điểm đại dịch Covid bóng đá trong phạm vi toàn cầu đã thoát ra khỏi tầm điều hành của FIFA và các liên đoàn, nó đang là vấn đề lớn của xã hội.

HAGL vẫn “tẩy chay”, dù đại diện CLB ngồi tại chỗ chỉ cần bật máy tính, điểm danh, thậm chí không cần phát biểu . Ảnh VPF
 HAGL vẫn “tẩy chay”, dù đại diện CLB ngồi tại chỗ chỉ cần bật máy tính, điểm danh, thậm chí không cần phát biểu . Ảnh VPF

Bản thân VPF cũng chỉ muốn có cuộc họp để xã hội biết mình đang quan tâm đến các CLB, chứ bản thân bầu Tú biết rõ có nhiều quyết định mà ngay cả tầm VFF cũng còn khó giải quyết, huống hồ VPF. Thế nhưng rốt cuộc HAGL vẫn “tẩy chay”, dù đại diện CLB ngồi tại chỗ chỉ cần bật máy tính, điểm danh, thậm chí không cần phát biểu mà vẫn không xong. Khó thật.

Thực ra, đã 40 năm nay thì sân cỏ Việt Nam vẫn không ít lần “nổi sóng gió”, thậm chí năm 1988 Liên đoàn bóng đá Việt Nam còn không tổ chức thi đấu giải (khi đó gọi là Giải A1 toàn quốc). Đến năm 1999 chỉ có giải Tập huấn mùa Xuân và không được tính là giải bóng đá vô địch quốc gia.

Nguyên nhân là  tại Giải hạng Nhất quốc gia lần II-1998 đã xảy ra tiêu cực tập thể. Ban tổ chức khi đó đã kỷ luật (cảnh cáo hoặc trừ điểm) các đội bóng có biểu hiện dàn xếp tỷ số ở 5 trận đấu liên quan đến Bình Dương, Nam Định, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Khánh Hòa, CLB Quân đội và Hải Quan.

Trong thời điểm đại dịch Covid bóng đá trong phạm vi toàn cầu đã thoát ra khỏi tầm điều hành của FIFA và các liên đoàn, nó đang là vấn đề lớn của xã hội. Ảnh VT
Trong thời điểm đại dịch Covid bóng đá trong phạm vi toàn cầu đã thoát ra khỏi tầm điều hành của FIFA và các liên đoàn, nó đang là vấn đề lớn của xã hội. Ảnh VT

Giờ đây, khi cuộc chơi đang nằm trong tay các ông chủ có tiền, có tiếng nói thì mọi việc phức tạp hơn. Cho giờ, V.League 2020 (mùa giải chuyên nghiệp thứ 19 và có tên V.League thứ 16) đã 3 lần bị hoãn do dịch Covid và chưa thể xác định ngày tiếp tục không phải lỗi của VPF. Nhưng đây là lúc người ta có dịp “soi” năng lực tổ chức, điều hành của VFF và VPF, dù bản thân những người chỉ trích cũng khó đưa ra được một giải pháp khả thi, bởi có quá nhiều yếu tố khách quan, nằm ngoài tầm tay.

Tranh cãi, để thống nhất

Đầu tiên, chủ trì cuộc họp trực tuyến này nên là đại diện VFF hơn là VPF, nội dung sẽ phong phú hơn. Bởi nói cho cùng, lúc này không phải chỉ gói gọn tổ chức giải đấu V.League 2020 như thế nào? Bao giờ thì tiếp tục thi đấu? Không thể đòi hỏi VPF hay VFF có những quyết định tầm vóc như UEFA họp trực tuyến với 55 liên đoàn bóng đá quốc gia 1 ngày sau đó nhưng rõ ràng bóng đá Việt Nam cần một kịch bản tổng thể. Các đội hạng Nhất, hạng Nhì và cả nền bóng đá nữa cần phải có những kịch bản khác nhau, bám sát với diễn biến của dịch, để các CLB đủ sức thoát ra khỏi khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngay cả ngoài phương án VPF đưa ra thì có giải pháp nào để các CLB giảm bớt thiệt hại về kinh tế mà vẫn có thể bảo đảm tốt nhất cho đội tuyển quốc gia hay không? Liệu V.League 2020 đá không xuống hạng (thực chất là giải giao hữu) thì liệu cầu thủ có động lực thi đấu không, ông Park làm thế nào để chọn cầu thủ? Khán giả, nhà tài trợ và truyền thông sẽ quan tâm đến giải đấu với thái độ như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo các liên đoàn bóng đá khu vực như thế nào?...

VPF không sai khi tổ chức cuộc họp, dù rốt cuộc đúng như bầu Đức nói, nó sẽ không quyết được vấn đề gì lúc này, khi dịch Covid đang diễn biến đang hết sức phức tạp. Vài giờ họp trực tuyến, không ảnh hướng đến việc tập trung chống dịch của các CLB, ai cũng hiểu điều đó. Vấn đề là nội dung thảo luận của các cuộc họp này được chuẩn bị như thế nào?

Kết luận cuộc họp Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch, TGĐ cho biết, dựa trên các ý kiến của CLB, VPF sẽ tổng hợp báo cáo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Căn cứ và diễn tiến của tình hình dịch bệnh Covid 19, VPF sẽ tính toán và xây dựng nhiều phương án kế hoạch thi đấu cho từng thời điểm. 

Nhưng nếu không có những cuộc họp như thế thì bầu Tú và VPF sẽ không thấy hết những vấn đề hết sức phức tạp của bóng đá Việt Nam, chủ quan có, khách quan có. Nếu không thế thì VFF và chủ tịch VFF Lê Khánh Hải khó biết được điều mong muốn của các CLB bóng đá trong thời điểm khó khăn này.

VPF sẽ phải còn thêm nhiều cuộc họp, VFF cũng phải xắn tay vào cuộc. Đây không phải là thời điểm, lời qua, tiếng lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai đúng, ai sai. Rồi sẽ còn nhiều cuộc tranh luận, ngược có, xuôi có…nhưng nếu chúng ta đều nhìn về một hướng thì mọi khó khăn mới có lời giải.