Ván cờ Triều Tiên: Những kịch bản thống nhất hai miền

VietTimes -- Trong bối cảnh cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4/2018 kết thúc rất tốt đẹp và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6/2018, giới phân tích đang bàn về một số kịch bản thống nhất hai miền Triều Tiên
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau 2 lần chỉ trong vòng một tháng cho thấy những chuyển động chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau 2 lần chỉ trong vòng một tháng cho thấy những chuyển động chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên

Nhìn lại Tuyên bố chung Hàn Quốc-Triều Tiên

Kết thúc cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4/2018, hai bên ký Tuyên bố chung, trong đó trịnh trọng tuyên bố trước 80 triệu người dân hai miền Triều Tiên và toàn thế giới rằng sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu. Lãnh đạo hai nước còn cam kết chắc chắn rằng sẽ sớm chấm dứt sự chia rẽ và đối đầu trong nhiều năm qua và quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng, cải thiện quan hệ Liên Triều.

Tuyên bố chung gồm 3 phần. Chủ đề bao trùm của phần 1 là Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống của người dân hai nước, tạo dựng mối quan hệ Liên Triều toàn diện và đột phá nhằm tạo dựng tương lai thịnh vượng và thống nhất cho người dân Triều Tiên, đáp ứng khát vọng của toàn dân tộc và yêu cầu cấp thiết và tất yếu của thời đại. Phần này có những nội dung chủ yếu saung: (1) hai bên khẳng định nguyên tắc hai nước tự quyết định vận mệnh của dân tộc Triều Tiên; (2) hai bên nhất trí sẽ tiến hành đối thoại và đàm phán cấp cao về nhiều lĩnh vực và tích cực thực thi các biện pháp để triển khai các thỏa thuận đã đạt được;  (3) hai bên đồng ý thiết lập Văn phòng tùy viên chung để tham vấn và thúc đẩy trao đổi, hợp tác; (4) hai bên khuyến khích hợp tác, tích cực trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp nhằm hồi sinh tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc, khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác; (5) hai bên nhất trí nhanh chóng giải quyết các vấn đề nhân đạo do đất nước bị chia cắt gây ra; (6) đồng ý tích cực tham gia các dự án mà hai bên đã ký kết để thúc đẩy sự cân bằng về phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho dân tộc Triều Tiên.

Chủ đề bao trùm phần 2 là Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên, được thể hiện cụ thể ở 3 nội dung chủ yếu: (1) hai bên đồng ý chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển; (2) hai bên  đồng ý xây dựng kế hoạch biến khu vực xung quanh đường biên giới phía Bắc ở Biển Tây thành vùng biển hòa bình; (3) hai bên đồng ý xúc tiến các biện pháp quân sự như tiến hành các cuộc gặp thường xuyên giữa giới chức quân đội hai nước để có thể đối thoại và giải quyết ngay lập tức các vấn đề về quân sự giữa hai bên.

Chủ đề bao trùm phần 3 là Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên, coi việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là sứ mệnh lịch sử không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Phần này được thể hiện cụ thể ở 4 nội dung: (1) Hàn Quốc và Triều Tiên tái khẳng định thỏa thuận không có những hành động thù địch dưới bất kỳ hình thức nào; (2) hai bên đồng ý giải trừ vũ khí theo từng giai đoạn vững chắc, tạo dựng niềm tin quân sự giữa hai bên; (3) hai bên đồng ý thúc đẩy các cuộc gặp ba bên, gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ và có thể là bốn bên bao gồm cả Trung Quốc, để đi đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn; (4) Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.

Một số kịch bản thống nhất hai miền Triều Tiên

Nhìn lại lịch sử quan hệ Liên Triều, giới phân tích đã từng đề cập tới nhiều kịch bản thống hai miền Triều Tiên theo các mô hình khác nhau. Tiến sỹ khoa học lịch sử Konstantin Asmolov, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm khoa học Nga và là chuyên viên của Trung tâm khoa học giáo dục quốc tế thuộc Viện nghiên cứu các nước châu Á và châu Phi trực thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva, đã tổng hợp lại những kịch bản thống nhất hai miền Triều Tiên mà các lực lượng chính trị ở Hàn Quốc cũng như Triều Tiên đã từng đề cập tới từ trước tới nay.

Theo tiến sỹ Konstantin Asmolov, dư luận xã hội ở Hàn Quốc cũng như Triều Tiên coi vấn đề thống nhất hai miền là khát vọng cháy bỏng nhưng chưa thể thực hiện được do sự khác biệt về thể chế chính trị, chính sách đối ngoại, văn hóa, trình độ phát triển kinh tế và tiềm lực quốc phòng của hai miền, đặc biệt là sau khi Triều Tiên tuyên bố họ đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo tiến sỹ Konstantin Asmolov ở Hàn Quốc, lực lượng cánh hữu cầm quyền từ năm 2007 đến năm 2017 thường quan niệm rằng chế độ cầm quyền ở Triều Tiên không sớm thì muộn sẽ sụp đổ do nạn đói, thất nghiệp, sự bất bình của người dân. Do đó, đứng trước một đất nước Hàn Quốc phát triển thịnh vượng, người dân Triều Tiên sẽ nổi dậy lật đổ chính quyền và xây dựng một chính quyền mới, từ đó thống nhất hai miền.

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng không những không sụp đổ mà còn đưa đất nước phát triển ổn định ngay cả trong điều kiện bị bao vây cấm vận và đã phát triển vũ khí hạt nhân đến mức hoàn thiện. Trong khi đó, các lực lượng cánh tả theo đường lối thực dụng ở Hàn Quốc cho rằng chưa thể thống nhất Triều Tiên vào lúc này mà cần phải có quá trính chuẩn bị lâu dài. Do đó, hiện nay một số kịch bản thống nhất hai miền Triều Tiên đã được đề cập đến.

Kịch bản thứ nhất. Triều Tiên cam kết sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân trên cơ sở Mỹ đồng ý ký kết hiệp ước hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh chưa kết thúc trong hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ cũng sẽ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ Triều Tiên, từ đó Triều Tiên từng bước được dỡ bỏ bao vây cấm vận và sẽ hội nhập vào thế giới, đồng thời tiến hành cải cách trong nước. Trong điều kiện đó, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ bàn tới chuyện thống nhất đất nước. Kịch bản này có tính khả thi nhất.     

Kịch bản thứ hai. Hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất thành một nhà nước mới trên cơ sở kết hợp tiềm lực kinh tế và khoa học-công nghệ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc với tiềm lực quân sự của Triều Tiên, trước hết là tiềm lực vũ khí hạt nhân, để xây dựng một nhà nước Triều Tiên thống nhất. Một nhà nước thống nhất như vậy trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một cường quốc tầm cỡ thế giới. Kịch bản này không phải là không có khả năng diễn ra nhưng sẽ rất khó khăn vì chắc chắn sẽ bị Mỹ và Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên, nếu nhà nước này cam kết là đồng minh với Mỹ thì không loại trừ khả năng kịch bản này sẽ được thực thi và lúc đó Mỹ sẽ có một đồng minh cực mạnh để kiềm chế Trung Quốc và Nga trong chiến lược toàn cầu của họ ở Đông Á.

Kịch bản thứ ba. Sau khi cam kết phi hạt nhân hóa, Triều Tiên từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới với sự giúp đỡ kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc sẽ từng bước “thôn tính” Triều Tiên theo “chiến lược ánh dương”, trong đó Seoul sẽ từng bước sử dụng các biện pháp kinh tế và văn hóa để tạo ra quá trình “tự diễn biến” và đưa Triều Tiên sáp nhập vào Hàn Quốc.

Kịch bản thứ  tư. Hai miền Triều Tiên sẽ thông nhất theo mô hình nước Đức. Kịch bản này khó trở thành hiện thực bởi nhiều lý do. Một là, sự chia cắt Triều Tiên và chia cắt nước Đức hoàn toàn khác nhau. Trong khi Triều Tiên bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh do Mỹ phát động sau Chiến tranh lạnh xuất phát từ sự cạnh tranh địa chính trị của họ với Trung Quốc và Nga, thì sự chia cắt nước Đức được thực hiện theo nội dung hiệp định được ký kết giữa các cường quốc là đồng minh trong liên minh chống phát xít sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II. Hai là, Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên bang Đức cũng như châu Âu được sống trong điều kiện hòa bình được bảo đảm bằng hiệp ước đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc xã để chấm dứt chiến tranh, còn Triều Tiên trong hơn nửa thế kỷ qua vẫn sống trong điều kiện chiến tranh nên họ phải phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe chiến tranh xâm lược từ phía Mỹ.

Ba là, không có sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên bang Đức, trong đó Cộng hòa Dân chủ Đức được xếp vào danh sách 10 nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. Bốn là, sự thống nhất nước Đức dựa trên sự thỏa thuận giữa một bên là Liên Xô và bên kia là Đức và Mỹ, theo đó Mỹ sẽ không mở rộng NATO về phía đông. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã vi phạm thỏa thuận này.

Kịch bản thứ năm. Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa, còn Mỹ đồng ý ký kết hiệp ước hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh chưa kết thúc trong hơn nửa thế kỷ qua và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ Triều Tiên, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ ký hiệp ước chấp nhận sự tồn tại độc lập của hai nhà nước có cùng chung ngôn ngữ và lịch sử văn hóa nhưng có thể chế chính trị khác nhau như nước Đức và nước Áo. Đến một thời điểm nào đó, khi hai nước sẽ tính tới chuyện thống nhất theo mô hình thống nhất nước Đức.   

Kịch bản thứ sáu. Đây gọi là kịch bản “Mùa Xuân Arab”. Dư luận ở phương Tây cũng như ở Hàn Quốc đã từng trông đợi kịch bản này ngay sau khi bùng phát các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” ở các nước Trung Đông-Bắc Phi. Tuy nhiên, kịch bản bản này đã không thể xảy ra vì ở Triều Tiên không hội tụ đủ các yếu tố để cho một “Mùa Xuân Arab” trở thành hiện thực xuất phát từ ít nhất là ba yếu tố.

Một là, Triều Tiên bị “bế quan tỏa cảng”, bị cấm sử dụng Internet, còn hệ thống truyền thông được kiểm soát nghiêm ngặt, nên “cách mạng Internet” đã từng xẩy ra ở nhiều nước đã không thể diễn ra ở Triều Tiên. Hai là, ở Triều Tiên không tồn tại cái gọi là “các lực lượng đối lập”. Ba là, ở Triều Tiên không có các tổ chức “phi chính phủ” để tài trợ cho “đội quân thứ năm” như ở nhiều nước khác. Chính các tổ chức này đã từng đóng vai trò quyết định trong việc châm ngòi và tài trợ toàn diện cho các cuộc “cách mạng màu” ở một số nước trong không gia hậu Xô Viết như Gruzia hay Ukraine, hoặc các nước vừa trải qua “Mùa Xuân Arab”./.