Vai trò khuyến nghị của báo chí trở nên bức thiết trong thời bùng nổ thông tin

VietTimes -- Trong bể thông tin lẫn lộn thật - giả, dụng ý tốt - xấu, cần thiết và tạp nham, không phải người nào cũng có khả năng xử lý và nhận diện được những điều đúng đắn, nên việc đưa ra khuyến nghị, cảnh báo sẽ giúp công việc của các nhà báo thêm phần ý nghĩa với độc giả, với xã hội.

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm: "Công cụ mạng xã hội khiến cho thông tin xấu độc phát tán nhanh hơn, được chia sẻ nhiều hơn và ảnh hưởng xấu, tiêu cực cũng được khuếch đại lên trong một khoảng thời gian rất ngắn
Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm: "Công cụ mạng xã hội khiến cho thông tin xấu độc phát tán nhanh hơn, được chia sẻ nhiều hơn và ảnh hưởng xấu, tiêu cực cũng được khuếch đại lên trong một khoảng thời gian rất ngắn

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với VietTimes về vai trò của báo chí cũng như thực trạng phát triển của mạng xã hội.

Nhiều view và "câu view" có đáp ứng độc giả?

- Gần đây, nói đến báo chí, người ta nhắc nhiều đến tôn chỉ mục đích của tờ báo, chuyện không ít tờ báo để tồn tại đã xa rời tôn chỉ, mục đích, đưa quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách. Là một người có thời gian hoạt động báo chí lâu năm và cũng hiện đang tham gia công tác quản lý báo chí, xin ông cho biết nên hiểu thế nào về “tôn chỉ, mục đích” của tờ báo?

- Dưới góc độ của một người làm nghề, tôi cho rằng vấn đề về tôn chỉ mục đích luôn cần được coi trọng. Tờ báo nào cũng cần đề cập trúng những vấn đề xã hội cần, đúng vấn đề người xem cần, để độc giả tán thành và thấy những vấn đề được đề cập đến đã được người làm báo hoặc tòa soạn đó tìm hiểu sâu, nhìn nhận, phân tích dưới nhiều góc độ.

Tôn chỉ, mục đích có thể có cách hiểu khác nhau trong những trường hợp khác nhau, có thể là nghĩa vụ với cơ quan chủ quan và cũng là nghĩa vụ với đối tượng độc giả của tờ báo ấy.

Một tờ báo có nhiều “view” và câu “view” bằng mọi giá không nhất thiết đã là đáp ứng được độc giả. Bản thân người làm báo là người biết rõ hơn ai hết mình đang làm việc gì, và thậm chí có những trường hợp phải nói rằng: Chỉ có họ mới biết họ đang làm gì.

Vì thế, những định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua cũng là để cùng với báo chí thể hiện trách nhiệm ngày càng cao hơn của mình đối với người đọc. Một lần nữa, mỗi tờ báo có dịp xác định lại  sứ mệnh của mình là gì và sinh ra là để phục vụ đối tượng bạn đọc nào. Vì thế mỗi cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm trước tiên trong việc quyết định hướng đi của mình sao chuẩn mực, đúng với tôn chỉ mục đích, phù hợp với đòi hỏi và nhu cầu chính đáng của độc giả.

- Muốn “sống tốt” thì cần phải có hướng đi đúng đắn với thời cuộc trong khi thực tế có nhiều cơ quan chủ quản xin cho ra được tờ báo và xong là "khoán trắng" cho Tổng biên tập. Vậy thì, theo ông, vai trò của cơ quan chủ quản ở đây phải nên như thế nào?

- Thực tế, nhiều cơ quan chủ quản hiểu rõ và thấy được sự cần thiết phải có một cơ quan ngôn luận của mình. Nhưng cũng có những cơ quan chủ quản chưa xác định đúng vai trò của cơ quan ngôn luận của mình nên đã “khoán trắng” cho một nhóm người nào đó, từ việc lập đề án xin ra báo đến vận hành tờ báo. Việc làm này đã ảnh hưởng đến hướng phát triển và định hướng nội dung của tờ báo, nhiều khi sai với tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh mà tờ báo cần hướng tới.

Thực tế, có những cơ quan chủ quản buông lỏng, thậm chí không chỉ đạo được cơ quan báo chí của chính mình. Vì thế, việc các cơ quan quản lý báo chí chấn chỉnh lại các cơ quan báo chí, bao gồm cả việc yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ chủ quản cũng là điều hết sức cần thiết.

Tầm nhìn dài hạn với sự phát triển của mạng xã hội

- Sự phát triển của internet góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng đồng thời cũng mang tới mặt trái không nhỏ, đó là thông tin xấu, độc hại xuất phát từ mạng xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về các thông tin xấu độc trên môi trường mạng hiện nay?

- Phải nói rằng những thông tin được coi là xấu, độc, thông tin giả trên Facebook và mạng xã hội nói chung đang là một vấn đề toàn cầu và nó đặt ra cho các nhà quản lý ở tất các quốc gia những vấn đề mới mà trước đây họ chưa bao giờ phải đối mặt.

Thông tin xấu, độc nói chung thì thời nào cũng có, nhưng ngày nay, công cụ mạng xã hội khiến cho nó phát tán nhanh hơn, được chia sẻ nhiều hơn và ảnh hưởng xấu, tiêu cực cũng được khuếch đại lên trong một khoảng thời gian rất ngắn. Thậm chí những thông tin xấu, độc có khả năng tác động tiêu cực đến cả việc hoạch định chính sách của một quốc gia.

Đó là thực tế đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam tất nhiên không phải là ngoại lệ, nên việc xử lý thông tin xấu, độc đang là trách nhiệm của nhiều cơ quan bộ - ngành. Và rất cần có nhận thức chung giữa các bộ ngành, các địa phương và cả các tổ chức cá nhân trong xã hội về vấn đề này.

Hacker Nguyễn Hùng Dương (phải) bị cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam vì dùng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng của gần 30 tài khoản facebook Việt kiều.

- Có thể thấy hiện nay có 2 hướng xử lý với thông tin trên mạng xã hội. Một hướng cho rằng phải xử lý các thông tin trái chiều ngay, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán nó; nhưng cũng có hướng khác cho rằng nên bình tĩnh, tránh nóng vội. Còn quan điểm xử lý của ông với những dạng thông tin này như thế  nào?

- Nói chung, mạng xã hội hiện vẫn đang trong những năm đầu của sự phát triển. Vì thế, sự quan tâm háo hức và sự đón nhận của mọi người, nhất là giới trẻ, là điều có thể lý giải được. Có những người dùng 2 – 3h/ngày để lướt Facebook, coi Facebook như kênh thông tin duy nhất, kênh thông tin chủ đạo của mình. Cũng bởi chúng ta đang ở trong những năm đầu, khi hiệu ứng mạng xã hội đang lên nên nó nhận được sự quan tâm quá lớn. Nhưng theo thời gian, trào lưu ấy sẽ giảm dần và mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Bản thân mạng Facebook cũng đang “già” đi, xét theo độ tuổi trung bình của người sử dụng, và chưa chắc vài năm tới người ta sẽ còn coi Facebook là kênh tiếp nhận thông tin chính như hiện nay.

Nếu nhìn theo logic phát triển ấy, chúng ta sẽ có tầm nhìn dài hạn và bình tĩnh hơn với câu chuyện xử lý các vấn đề trên mạng xã hội.

Cộng đồng (theo nghĩa rộng) có một điểm rất hay, đó là khả năng tự điều chỉnh để chọn được cái có lợi nhất, đồng thời, tự đào thải những thói quen xấu, những gì mang lại ảnh hưởng tiêu cực. Nói như vậy, để thấy mỗi cá nhân tự thân đều có “rơ-le” cảnh báo trước các thông tin tiếp nhận. Cho nên, việc của cơ quan quản lý là đánh giá được xu hướng này để có cách tiếp cận phù hợp, bài bản, bền bỉ, không quá sốt ruột, nóng vội trước sức nóng tức thời của mạng xã hội.

- Nên có thái độ thế nào với các thông tin xấu, độc, thưa ông?

- Theo một nguyên tắc chung, thông tin phát ra luôn có mục đích, nên việc xử lý nó sẽ tuân theo một số những nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là xử lý chủ thể phát tán thông tin đó. Thứ hai là xác định được hành vi đó vi phạm pháp luật ở mức độ như thế nào để có cơ sở để xử lý. Thứ ba, cần tìm hiểu xem bản chất của hiện tượng này là gì.

Thực tế cho thấy, việc xử lý thông tin xấu, độc không chỉ đơn thuần là đi dập thông tin xấu độc, mà có khi nó còn là cảnh báo cho một vấn đề xã hội đang cần được xử lý tận gốc. Nếu xử lý được thấu đáo vấn đề ấy thì cũng không còn thông tin xấu độc nữa. Chuyện này là chuyện muôn thuở và mọi hình thái xã hội đều có cả. Có điều, thời nay, chúng ta xử lý chuyện ấy trong thời buổi công nghệ, thời của mạng xã hội.

Tránh quy chụp thông tin phản biện thành xấu, độc

- Loại thông tin nào là “xấu độc” nhất, thưa ông? Và liệu mọi thông tin đi ngược lại với định hướng chung đều là xấu độc?

- Thông tin giả là loại đáng sợ nhất, đó là những tin đồn thất thiệt, tác động tiêu cực đến cộng đồng, như tin đồn về đổi tiền, hay tin bịa đặt về đoàn xe của Chủ tịch Quốc hội thời gian gần đây. Đó là những chuyện hoàn toàn không có thật nhưng lại làm ảnh hưởng rất xấu đến xã hội. Đối với những thông tin như thế này, các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý ngay, tìm kiếm và xử lý tận gốc chủ thể tung tin rồi mới xác định động cơ hành động là gì.

Một loại thông tin nữa cũng đã từng có lúc bị quy là thông tin xấu, độc, đó là những thông tin mang tính phản biện xã hội. Thực ra, đây không phải là thông tin xấu, độc, mà lại là nguồn thông tin cần thiết để cho các cá nhân, tổ chức tham khảo, để đối chiếu, phân tích và có cách nhìn khách quan trước những vụ việc phức tạp. Vì thế, không thể chụp mũ gọi nó là thông tin xấu, độc, mà đó là thông tin hoàn toàn có chỗ đứng trong một xã hội đề cao tinh thần dân chủ và yếu tố phản biện xã hội.

Tôi cho rằng chuyện cần phải cảnh báo khi nói về thông tin xấu, độc chính là xu hướng “nâng quan điểm” và chụp mũ, chủ yếu từ các cơ quan công quyền đối với luồng thông tin không có lợi cho một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó. Chuyện này cần phải sòng phẳng, chứ không nên nâng quan điểm bởi làm vậy không giải quyết được tận gốc vấn đề. Việc chụp mũ hay nâng quan điểm sẽ chỉ tạo ra những bức xúc xã hội dai dẳng, khiến các nhóm yếu thế trong xã hội và những người dân bình thường không thể lên tiếng để bảo vệ mình. Điều đó mới là nguy hiểm.

- Vậy thì làm thế nào để hạn chế những thông tin giả, thông tin xấu độc?

- Có những vụ việc khi mới xảy ra, không có thông tin xấu, độc. Nó chỉ là một vụ bê bối hoặc một vụ việc cần phải có lời giải xác đáng, nhưng do cách xử lý khủng khoảng truyền thông không tốt nên trở thành vấn đề nóng và bị lợi dụng để kích động quần chúng.

Ở một vài địa phương, nếu công tác thông tin đến dân làm không tốt, không có những giải pháp xử lý khủng hoảng đồng bộ thì sẽ tạo cơ hội cho những nhóm đối tượng bức xúc và thậm chí cả những nhóm đối tượng không ảnh hưởng gì từ việc ấy nhưng kích động người dân tại chỗ biểu tình qua việc phát tán thông tin xấu, độc. Như vậy, muốn xử lý triệt để thì không phải chỉ đơn thuần là xem ai đã tung tin để xử lý họ mà phải cân nhắc đến nguồn cơn của những bức xúc ấy. Đó là phần việc nằm ngoài phạm vi quản lý thuần tuý của ngành Thông tin và Truyền thông.

Sứ mạng khuyến nghị và cảnh báo

- Cũng là người có nhiều năm trong nghề báo, theo ông, các nhà báo, toà soạn nên có thái độ như thế nào trước sức ép thông tin từ các mạng xã hội?

- Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không còn ở cái thời mà nhà báo có chức năng đơn thuần chỉ là đưa tin, mà chúng ta đã bước sang kỷ nguyên khuyến nghị. Hiện nay, ưu thế tiếp cận thông tin mới không còn là đặc quyền của nhà báo và vì thế, vai trò của người làm báo cần thêm vai trò khuyến nghị.

Người dân bây giờ như bơi trong bể thông tin, trong đó lẫn lộn cả thông tin thật - thông tin giả, cả dụng ý tốt lẫn dụng ý xấu, cả thông tin cần thiết và thông tin tạp nham. Trong đó, không phải ai cũng có khả năng xử lý các thông tin ấy để có thể nhận ra và đúc rút được những điều gì là đúng đắn, cần thiết. Vì thế, họ cần những người có điều kiện tiếp cận với thông tin mới, được nghe từ nhiều nguồn rồi phân tích, tổng hợp, đúc kết để từ đó, rút ra được hành động cần làm, thái độ ứng xử cần phải có trước những vấn đề đang xảy ra hàng ngày trong xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp khai thác tiện ích của Facebook để liên lạc, tham gia các nhóm học tập và văn nghệ, thể thao theo sở thích
Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp khai thác tiện ích của Facebook để liên lạc, tham gia các nhóm học tập và văn nghệ, thể thao theo sở thích.

Nếu nhà báo luôn nhớ sứ mệnh là đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo, dự báo đúng và có ích cho thời cuộc thì công việc của các nhà báo vẫn có ý nghĩa với độc giả nói riêng và xã hội nói chung. Tôi cho rằng đó là chuyện các nhà báo nên lưu ý nhiều hơn là sa vào chuyện thông tin vụn vặt, vào những vụ việc có tuổi thọ ngắn.

Chưa bao giờ thách thức với nghề báo lớn như bây giờ, vì đây là thời buổi của thông tin tràn lan, đòi hỏi người cầm bút phải biết lọc, biết lựa chọn, phân tích để tìm kiếm những nguồn tin có giá trị. Điều đó vô cùng khó và cũng vô cùng quan trọng với các nhà báo trong giai đoạn mới hiện nay.

- Ông nhìn nhận thế nào về đời sống báo chí trong những năm tới?

- Đời sống báo chí trong những năm tới đây bị chi phối bởi nhiều yếu tố như báo chí sẽ chịu tác động nhiều của Luật báo chí, có hiệu lực từ 1/1/2017 và Quy hoạch quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, khi quy hoạch ấy được chính thức phê duyệt.

Đó là 2 văn bản điều chỉnh cơ bản đời sống báo chí. Trong đó điều chỉnh cả vấn đề tự chủ của các cơ quan báo chí. Làm báo rất khó, phải tuân theo tôn chỉ mục đích nhưng cũng đồng thời phải có lộ trình tự chủ. Những khu vực báo chí đang được bao cấp, đang là gáng nặng đối với ngân sách, cũng phải từng bước tự chủ được.Trước đây, việc này được hiểu là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí , tức là khi giao nhiệm vụ thì Nhà nước cũng đồng thời cấp ngân sách thực hiện. Lâu dần, mối quan hệ này mang nặng màu sắc “phụ thuộc”, xin – cho. Vì vậy mà trong quá trình tiến tới một cơ chế tự chủ lành mạnh, một số vấn đề trong mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, giữa nhà nước và báo chí sẽ rõ ràng và sòng phẳng hơn. Khi đó, giữa Nhà nước - với tư cách là khách hàng của báo chí - và báo chí cũng sẽ có mối quan hệ “đặt hàng” minh bạch, rõ ràng hơn.

Bản thân Nhà nước chắc rồi cũng sẽ phải dành thời gian để suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề “Kinh tế báo chí”, vì nếu không tạo được cơ chế để giải quyết thấu đáo vấn đề này, cứ để mặc cho báo chí phải tự bươn chải trong cơ chế thị trường, hoặc phải nhân danh “nhiệm vụ chính trị” hay một “sứ mạng” nào đó để kiếm sống bằng mọi giá thì chưa chắc Nhà nước có thể chấp nhận được những diễn biến có thể xảy ra trong đời sống báo chí.

Còn bản thân mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí, hơn bao giờ hết, cần đề cao vai trò làm tốt chức năng của mình, với sự điều chỉnh một chút từ chức năng thông tin thuần tuý và đơn giản, đang kém dần ưu thế so với các phương thức truyền thông khác, sang hướng thông tin có phân tích xử lý, có khuyến nghị để đưa ra những dự báo, cảnh báo, hoặc những phân tích hợp tình hợp lý và có trí tuệ.

- Xin cảm ơn ông!