Vai trò của bot, chatbot trong báo chí hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Bot, chatbot đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Ảnh: What's New In Publishing
Ảnh: What's New In Publishing

Các bot (viết tắt của robot) là các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động, đơn giản và lặp đi lặp lại trên internet. Hiện nay, 40% lưu lượng truy cập internet được thực hiện bởi các bot (bot traffic - là những truy cập không phải từ người dùng thực sự mà từ những phần mềm tự động).

Trong hầu hết các trường hợp, bot chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu trên web bao gồm các tập lệnh tự động (script fetch) tìm nạp, phân tích và các tệp thông tin từ máy chủ web (web server).

Bot cũng xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh báo chí và vai trò của chúng ngày càng tăng.

Các bot sao chép hành vi của người dùng thực được lọc liên tục qua lưu lượng truy cập trên các trang web tin tức. Khi các bot được cải thiện và thích ứng để giống như một người dùng truy cập thật sự, các khoản đầu tư vào việc phát hiện và quản lý bot tự động có thể hữu ích đối với các tổ chức báo chí.

Bot “tốt” và bot “xấu”

Bot sẽ không thể thay các nhà báo và biên tập viên trong việc tạo ra những nội dung hấp dẫn.

Bot sẽ không thể thay các nhà báo và biên tập viên trong việc tạo ra những nội dung hấp dẫn.

Có nhiều loại bot khác nhau, chúng ta có thể gọi chúng là bot “tốt” và bot “xấu”. Các bot “tốt” tự động hóa những tác vụ vì lợi ích của người dùng trong khi bot “xấu” gây ra sự tàn phá bằng cách tự động hóa các chiến dịch spam, tấn công từ chối dịch vụ (denial of service attacks - một nỗ lực làm cho những người dùng không thể sử dụng tài nguyên của một máy tính) hoặc phá vỡ an ninh mạng.

Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, việc loại bỏ các bot “xấu” rất quan trọng, bởi chúng thúc đẩy số lượt truy cập giả, dẫn đến những kết quả không chính xác trong quá trình phân tích hành vi của người dùng.

Loại bỏ các bot “xấu” - những bot xây dựng lưu lượng truy cập giả là một bước quan trọng trong việc cung cấp cho các tổ chức báo chí dữ liệu chính xác mà họ cần để phân tích trải nghiệm người dùng thực, thúc đẩy sự tăng trưởng của người dùng thực và thu được nhiều lợi ích tài chính hơn từ quảng cáo.

Đề cập đến hoạt động của bot trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, có những dự đoán rằng bot sẽ thay thế các nhà báo trong tương lai. Tuy nhiên, bot sẽ không thể thay các nhà báo và biên tập viên trong việc tạo ra những nội dung hấp dẫn và các thành phần của nội dung gốc.

Mặc dù vậy, vẫn có những loại nội dung được chuẩn bị theo công thức, mô típ có sẵn có thể được tự động hóa. Các loại nội dung này bao gồm báo cáo, tổng hợp số liệu, thống kê… Đã có những nỗ lực về những bài báo do bot viết nhưng nó vẫn đòi hỏi một sự chọn lọc và giám sát của con người. Ngày nay, bot được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực báo chí, truyền thông dưới dạng chatbot.

Xu hướng sử dụng chatbot trong báo chí, truyền thông

Chatbot thực sự đang mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các tổ chức báo chí để giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả các vấn đề khó khăn mà độc giả gặp phải.

Chatbot thực sự đang mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các tổ chức báo chí để giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả các vấn đề khó khăn mà độc giả gặp phải.

Một trong những “biến thể” của việc sử dụng bot trong thực tế chính là chatbot. Chatbot là các chương trình máy tính dựa trên internet mô phỏng các cuộc trò chuyện với mọi người tại nhiều không gian mạng khác nhau, đó là trang web, phương tiện truyền thông xã hội hoặc thậm chí là WhatsApp, Facebook Messenger.

Chatbot có thể thực hiện cuộc trò chuyện ngay lập tức với các khách truy cập, trả lời những thắc mắc của người dùng, giải quyết các vấn đề ngay lập tức. Bạn có thể đã được trải nghiệm trò chuyện với các chatbot trên nhiều trang web mà tại đó, chúng có chức năng hỗ trợ, giúp đỡ trong các dịch vụ với khách hàng.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2018, có tới 62% người dùng internet nói rằng họ thích sử dụng chatbot để hỗ trợ khách hàng của mình. Thống kê này cho thấy nhiều thương hiệu và tổ chức báo chí, truyền thông có các chatbot tiềm năng càng nhiều thì phạm vi sử dụng chatbot càng rộng, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ độc giả.

Chatbot thực sự đang mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các tổ chức báo chí để giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả các vấn đề khó khăn mà độc giả gặp phải. Hơn nữa, việc triển khai công nghệ này cũng khá đơn giản, không yêu cầu độc giả phải đăng ký hay đăng nhập.

Trên nhiều phương diện, chatbot đóng vai trò giống như ứng dụng di động dành cho tạp chí. Nó có thể giúp các tổ chức báo chí tìm kiếm thêm độc giả đăng ký mới (khách hàng mới), đồng thời củng cố mối quan hệ với những độc giả (khách hàng) hiện tại theo một cách hiện đại và hiệu quả.

Vai trò của chatbot trong các công ty báo chí, truyền thông

Thứ nhất, quản lý các đăng ký

Số lượng các tổ chức báo chí, truyền thông cung cấp gói đăng ký đang gia tăng và chatbot là một trong những công cụ có thể giúp người đọc quản lý chúng dễ dàng hơn. Họ có thể tham gia vào các tác vụ cơ bản trong dịch vụ đăng ký như hủy đăng ký hay điều gì đó nâng cao hơn giúp họ kiểm soát thời gian đăng ký. Qua chatbot, người đăng ký cũng có thể hỏi các tổ chức báo chí những câu hỏi như còn bao lâu thì đến thời điểm gia hạn đăng ký hoặc một mức giá đăng ký mà họ quan tâm…

Thứ hai, cung cấp thông báo tùy chỉnh

Chatbot có thể đảm bảo độc giả nhận được thông báo tùy chỉnh để nhận thông tin về các chủ đề cụ thể mà họ đã chọn như chính trị, kinh doanh, khoa học… Người đọc có thể nhận thông báo của họ thường xuyên theo mức độ họ muốn: mỗi tuần một lần, mỗi ngày một lần hoặc nhận được tất cả các thông tin về tin tức mới ngay lập tức.

Thứ ba, đảm bảo độc giả vẫn tương tác

Chatbot giúp cung cấp cho người đọc những tin tức mới nhất trong tất cả các lĩnh vực mà họ quan tâm, từ đó, giúp duy trì sự tương tác giữa độc giả với tòa soạn. Việc cung cấp các nội dung cập nhật và có liên quan có thể giúp tòa soạn gia tăng lượt đăng ký.

Thứ tư, đề xuất những nội dung mới

Các bot có rất có tiềm năng trong việc tìm hiểu và phân tích. Dựa trên hành vi của người dùng - những câu chuyện họ đọc, lượng thời gian họ dành cho mỗi bài báo và tổng hợp tất cả các tương tác của họ bao gồm cả lượt thích và lượt chia sẻ, các bot có thể giới thiệu những nội dung tương tự cho mọi người. Đó có thể là những câu chuyện mà độc giả đang tìm kiếm, quan tâm, tương tự như cách một nhân viên thư viện có thể giúp mọi người tìm sách tại thư viện.

Ngược lại, các bot có thể phát hiện ra các nội dung độc giả ít hoặc không quan tâm đến và từ đó, loại bỏ việc hiển thị những thông tin không muốn tới độc giả.

Thứ năm, cải thiện việc thu thập dữ liệu

Chatbot có thể trở nên hữu ích như một công cụ để thu thập dữ liệu của độc giả như tên và email, theo dõi mức độ tương tác của người đọc, thu thập thông tin về họ và các chủ đề mà họ đăng ký hoặc quan tâm. Các thao tác này sẽ giúp tòa soạn lập hồ sơ người dùng, nhắm mục tiêu quảng cáo và tạo những nội dung trò chuyện phù hợp với các đối tượng độc giả cụ thể.

Thứ sáu, chatbot giúp cải thiện tiếp thị qua email

Chatbot có thể giúp người đọc đăng ký nhận tin tức qua email. Chúng sẽ cung cấp cho bạn thông tin cá nhân về các độc giả tiềm năng của bạn, dựa vào đó, bạn có thể chuẩn bị nhiều nội dung tùy chỉnh và ưu đãi được cá nhân hóa cho các quảng cáo qua email của mình. Điều này giúp cải thiện mức độ tương tác của người dùng.

Một số tổ chức đã sử dụng chatbot thành công

Ngày nay, chatbot được sử dụng trong cả báo chí và xuất bản sách. Dưới đây là 3 ví dụ thành công về các thương hiệu đã sử dụng công nghệ này.

Harper Collins

Nhà xuất bản nổi tiếng nhất thế giới Harper Collins đã thêm bot đề xuất sách vào Facebook. Harper Collins đã giải quyết vấn đề đau đầu đối với nhiều độc giả - tôi sẽ đọc gì tiếp theo?

Chatbot của Harper Collins có thể giúp đỡ người dùng ngay lập tức. Với một số câu hỏi đơn giản về những sở thích trong quá khứ và thể loại sách ưa thích của người dùng, chatbot này có thể tìm thấy một cuốn sách phù hợp với sở thích văn chương độc đáo của độc giả.

Chatbot Epic Reads của Haprper Collins dành riêng cho thiếu niên nhưng nhà xuất bản này cũng không quên các độc giả trưởng thành - năm 2017, họ tiếp tục triển khai chatbot Book Genie cung cấp một phạm vi rộng lớn hơn cho các đề xuất sách ở mọi lứa tuổi.

Macmillan Publishing

Một ý tưởng tương tự cũng được Macmillan Publishing - một trong 5 nhà xuất bản lớn nhất tại Anh sử dụng. Chatbot của tổ chức này có chức năng như một trợ lý giới thiệu sách, trả lời các câu hỏi mà độc giả thường băn khoăn về cuốn sách nào có thể làm quà tặng, cuốn sách nào chỉ để đọc. Chatbot có thể nói chuyện với độc giả giống như một người thật và giúp họ lựa chọn, đặt mua sách trực tuyến thông qua giao diện cuộc trò chuyện.

The Wall Street Journal

Ngoài ngành xuất bản, báo chí cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng chatbot. The Wall Street Journal đã tạo ra một chatbot Messenger cho phép độc giả truy cập vào các tin tức hàng ngày của tạp chí. Mục tiêu khi sử dụng chatbot của tờ báo này là thu hút những độc giả trẻ tuổi và giới thiệu những bài báo chất lượng cao của họ tới những độc giả mới trên khắp thế giới.

Áp dụng các đổi mới công nghệ là điều cấp thiết

Chatbot sẽ không thể thay thế phương tiện liên lạc riêng tư khác của các tổ chức báo chí với độc giả như email hay mạng xã hội… Có rất nhiều lý do lý giải tại sao các tổ chức nên có tất cả các kênh giao tiếp đó và chăm sóc chúng. Tuy nhiên, công nghệ chatbot là duy nhất, có khả năng giúp các đơn vị báo chí tương tác với độc giả theo cách thực sự khác biệt, mới mẻ.

Chatbot không đơn thuần là một công cụ cung cấp thông tin. Về cơn bản, nó có thể trở thành một công cụ giao tiếp giúp báo chí nắm bắt nhu cầu và thông tin chi tiết của độc giả. Ưu điểm ở đây là chúng có thể trả lời độc giả vào những thời điểm thích hợp nhất và nhanh nhất có thể. Từ đó, chatbot có thể tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn hơn, giúp tăng lưu lượng truy cập vào các bài báo hơn.

Trong tương lai, chatbot sẽ là một xu hướng được phát triển mạnh mẽ thông qua việc tăng cường trải nghiệm được cá nhân hóa của người đọc hơn nữa.

Theo State of Digital Publishing