V.League: Câu chuyện “chiếc áo và thầy tu”

VietTimes — Cha ông ta từng nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng trong bóng đá chuyên nghiệp chiếc áo nói lên khá nhiều điều. Thậm chí với các CLB bóng đá nước ngoài, áo gắn chíp điện tử đã giúp cho BHL điều chỉnh chiến thuật rất hữu hiệu, hạn chế việc cầu thủ quá tải dẫn đến chấn thương.
Áo gắn chíp của cầu thủ Việt Nam. Ảnh AT
Áo gắn chíp của cầu thủ Việt Nam. Ảnh AT

Hai thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp thì đến mùa giải V.League 2020 mới đủ 100% các CLB có nhà tài trợ trang phục thi đấu. Đối với các cầu thủ bóng đá thì giày và áo thi đấu đã trở thành người bạn thân thiết của nghiệp quần đùi, áo số. Năm ngoái, không biết có phải không có nhà tài trợ trang phục mà S.Khánh Hòa “xui” phải xuống hạng hay không?

Cuộc chiến giữa các thương hiệu

Nếu đủ bộ, các cầu thủ sẽ được trang bị 3 phiên bản, đá sân nhà, sân khách và khi tập luyện. Hiện nay, không phải đội bóng nào cũng được trang bị áo tập, nên đôi khi trên sân tập chúng ta vẫn thấy đội hình đủ sắc màu.

Đối với các cầu thủ bóng đá thì giày và áo thi đấu đã trở thành người bạn thân thiết của nghiệp quần đùi, áo số. Ảnh HCMFC
Đối với các cầu thủ bóng đá thì giày và áo thi đấu đã trở thành người bạn thân thiết của nghiệp quần đùi, áo số. Ảnh HCMFC

Các hãng đồ thể thao Nhật Bản rất quan tâm đến V.League, nếu Jogarbola tài trợ cho Quảng Nam, Thanh Hóa và Hải Phòng thì Mizuno lại đến với HAGL. Khá ngạc nhiên khi Kappa, một thương hiệu đồ thể thao Ý được thành lập ở Turin lại là nhà tài trợ trang phục cho Hà Nội và TP.HCM, những đối thủ của nhau tại V.League.

Kelme một công ty đồ thể thao Tây Ban Nha chuyên sản xuất và sản xuất quần áo và giày dép được thành lập vào năm 1963 đã chào hàng thành công cho Hà Tĩnh, Nam Định.

Mitre là một nhà sản xuất trang phục và thiết bị thể thao của Anh. Đây là nhà sản xuất thể thao lâu đời nhất trên thế giới. Thành lập tại Huddersfield vào năm 1817, và hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Pentland Group đang đồng hành cùng SLNA vài mùa bóng gần đây. Trong khi đó, Than Quảng Ninh lại chọn thương hiệu Joma của Hàn Quốc.

Có 3 thương hiệu thể thao Việt cũng đã đặt chân vào V.League. Đó là Kamito tài trợ cho B.Bình Dương và SHB.Đà Nẵng, còn VNA Sport sau khi chia tay Nam Định đã bắt tay với Viettel; trong khi đó Saigon FC lại chọn thương hiệu Fraser Sport.

Ở cấp độ đội tuyển thì Grand Sports đã phải vượt qua sự cạnh tranh từ Mizuno và Lining để cùng thầy trò ông Park Hang-seo chinh chiến tại các đấu trường châu lục và khu vực.

Thiết bị điện tử sẽ giúp cho các HLV sử dụng cầu thủ tốt hơn. Ảnh AP
Thiết bị điện tử sẽ giúp cho các HLV sử dụng cầu thủ tốt hơn. Ảnh AP

Áo gắn chíp

Đến giờ thì cả đội tuyển và CLB đều chưa có áo gắn các thiết bị điện tử trong áo thi đấu.  Hiện chỉ VFF đã nhập vệ 30 chiếc áo GPS của hãng Catapult được trang bị các loại cảm biến như định vị GPS, gia tốc kế, cũng chỉ có CLB TP.HCM mới được trang bị loại áo này. Khán giả sân Vinh vừa thấy Michael Olaha xuất hiện trong màu áo Hapoel Tel Aviv gắn chíp này.

Áo có gắn thiết bị điện tử theo dõi từ lâu không còn xa lạ với các cầu thủ quốc tế. Nó được sử dụng cả khi tập luyện cũng như khi thi đấu. Những chiếc áo đấu này được các chuyên gia thể thao gọi là các thiết bị Electronic Performance and Tracking System (EPTS – tạm dịch: Hệ thống theo dõi và hiệu suất điện tử), vố được gắn nhiều cảm biến khác nhau để theo dõi và ghi lại dữ liệu.

Theo SimpliFaster, có 4 loại cảm biến thu thập dữ liệu được gắn trong áo đấu GPS. Nó gồm gia tốc kế, con quay hồi chuyển, từ kế và mô-đun GPS. Mỗi cảm biến có một chức năng riêng biệt, nhưng có thể hỗ trợ lẫn nhau khi hoạt động.

Chiếc áo thi đấu hiện đại của CLB Barca. Ảnh CLB Barca.
Chiếc áo thi đấu hiện đại của CLB Barca. Ảnh CLB Barca.

Thông qua các cảm biến trên, phần mềm hỗ trợ sẽ phân tích và trích xuất cho BHL các biểu thống kê dữ liệu về hiệu suất của mỗi cầu thủ. Từ đó BHL đội bóng sẽ nắm bắt và đưa ra chiến lược cụ thể dựa trên con số cụ thể như tốc độ chạy, quãng đường đã chạy, vị trí của cầu thủ trên sân, gia tốc, sức khỏe hay nhịp tim của cầu thủ. Phần mềm cũng thể hiện bản đồ nhiệt chỉ rõ khu vực hoạt động thường xuyên của cầu thủ. Với áo GPS của đội tuyển Việt Nam, chiếc áo này có thể truyền 1.000 thông tin/giây trong thời gian thực.

Theo HLV thể lực của TP.HCM Javier Luruenã Lobo có được áo gắn chíp sẽ giúp các cầu thủ  phòng ngừa chấn thương. Ông có thể theo dõi tốc độ chạy nước rút và quãng đường đã chạy của cầu thủ, BHL bóng có thể xác định liệu cầu thủ này có đủ thể lực để thi đấu hay không.

V.League ngày càng có sự cách biệt “giàu-nghèo”, trong khi TP.HCM được trang bị tận răng thì có khá nhiều đội bóng đang lo lắng từ miếng cơm, manh áo.