Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Cần tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trên cả nước

VietTimes -- Đề nghị này thể hiện tại Báo cáo thẩm tra công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, thi hành án năm 2017 của Chính phủ do Ủy ban Tư pháp Quốc hội thực hiện và báo cáo Thường vụ Quốc hội sáng 19/9.
Vụ OceanBank là điển hình cho tình trạng tham nhũng qua lợi ích nhóm, sân sau. Ảnh: VietTimes
Vụ OceanBank là điển hình cho tình trạng tham nhũng qua lợi ích nhóm, sân sau. Ảnh: VietTimes

Cụ thể, trình bày báo cáo thẩm tra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/9, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tình trạng lợi ích nhóm, sân sau qua một số vụ án lớn gần đây và qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy là có căn cứ.

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa tham nhũng dưới những hình thức này. Bên cạnh đó, hiện việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu cả về số vụ, cả về tiến độ xử lý bị kéo dài…

Đồng thời, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Theo Ủy ban Tư pháp, Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, nhất là nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn và có chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.

Đề xuất đáng chú ý nhất, theo Ủy ban Tư pháp, là Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.