Ủy ban Truyền thông Mỹ cấm các tổ chức mua thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Mỹ đưa ra dự thảo quyết định mới, cấm các tổ chức và công ty mua sắm các thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE nhằm bóp nghẹt hoạt động của các công ty Trung Quốc này.
Chính phủ Mỹ sẽ cấm các tổ chức mua thiết bị của Huawei và ZTE. Ảnh Wire
Chính phủ Mỹ sẽ cấm các tổ chức mua thiết bị của Huawei và ZTE. Ảnh Wire

Chính phủ Mỹ đã sẵn sàng cấm mua tất cả các thiết bị viễn thông trong tương lai do Huawei và ZTE, 2 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sản xuất trên thị trường Mỹ trong một cuộc đàn áp mở rộng nhằm chống lại những nguy cơ an ninh quốc gia từ Trung Quốc, một nguồn tin của CNN, quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Theo nguồn tin này, những quy định hạn chế mới, được đề xuất trong một dự thảo quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), cũng sẽ nhắm vào thiết bị giám sát video của ba công ty Trung Quốc khác: Hytera, Hikvision và Dahua, lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng đối với những sản phẩm mới của các công ty, chưa có ủy quyền cung cấp thiết bị FCC.

Nguồn tin cho biết thêm, dự kiến vào giữa tháng 11 sẽ có một cuộc bỏ phiếu để thông qua quyết định này. Trang Axios là cơ quan truyền thông đầu tiên công bố nội dung dự thảo quyết định.

Khi được yêu cầu bình luận, một quan chức FCC khẳng định đã có đề xuất này và nói với CNN, nếu được thông qua,quyết định sẽ cập nhật những quy định của Ủy ban truyền thông Liên bang, liên quan đến danh sách các nhà cung cấp được coi là có rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận và thực hiện nghị quyết của quốc hội theo Đạo luật thiết bị an toàn năm 2021 .

Đạo luật Lưỡng đảng, được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 11/2021, yêu cầu FCC phát triển các quy định trong vòng một năm để ngừng xem xét hoặc phê duyệt những thiết bị do các công ty được bảo hộ thực hiện.

Tất cả các thiết bị điện tử có thể phát ra tần số vô tuyến phải trải qua quy trình thẩm định để được cấp phép ủy quyền của FCC trước khi có thể được bán tại Mỹ. Quy trình này được thiết lập từ lâu này nhằm ngăn chặn những thiết bị trên thị trường Mỹ có thể phát những tín hiệu có hại. Nhưng theo dự thảo lệnh, FCC sẽ lần đầu tiên áp dụng lợi ích an ninh quốc gia đối với quy trình cấp phép thiết bị.

“FCC cam kết bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta, đảm bảo rằng các thiết bị liên lạc không đáng tin cậy không được phép sử dụng trong biên giới của chúng ta và chúng tôi đang tiếp tục công việc đó tại đây”, Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel cho biết trong một tuyên bố, được cung cấp cho CNN Business ngày 13/10.

Trong một tuyên bố riêng, thành viên Đảng Cộng hòa, Ủy viên PCC Brendan Carr cho biết: “FCC đã xác định rằng Huawei, ZTE và các thiết bị tương tự gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi FCC ngừng xem xét và phê duyệt thiết bị đó để sử dụng ở Mỹ. Tôi mong muốn đạt được kết quả đó”.

Phát ngôn viên của các công ty hiện chưa trả lời những yêu cầu bình luận.

Lệnh cấm được đề xuất sẽ tiến xa hơn những biện pháp trừng phạt trước đây mà FCC đã thực hiện chống lại Huawei và ZTE, những doanh nghiệp mà các quan chức Mỹ cho rằng, các thiết bị mạng có thể được sử dụng để gây nhiễu hoặc giám sát thông tin liên lạc của Mỹ.

Trước đây, FCC đã có quy định, hạn chế các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ, sử dụng nguồn tài trợ của liên bang để mua các sản phẩm từ Huawei và ZTE, cũng như từ các nhà cung cấp khác trong cái gọi là “danh sách bảo hiểm” của cơ quan này. Sau đó, các quan chức Liên bang như Carr nhấn mạnh, những sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn có sẵn trên thị trường, thông qua việc sử dụng nguồn tài chính không phải của liên bang và kêu gọi FCC sử dụng quyền hạn cấp phép thiết bị để ngăn chặn hoàn toàn những sản phẩm, nghi ngờ có nguy cơ với an ninh quốc gia ra khỏi Mỹ.

Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê chuẩn Đạo luật Thiết bị An toàn, FCC đã có 1 năm thời gian để áp dụng những hạn chế đó.

FCC cũng thiết lập một chương trình để hỗ trợ các nhà mạng “tách và thay thế” thiết bị của Huawei và ZTE khỏi hệ thống mạng, mặc dù chi phí ước tính của chương trình tăng đến 5,6 tỷ USD, cao hơn so với ước tính ban đầu khoảng 2 tỷ USD.

Các nhà mạng không dây hàng đầu của Mỹ cho biết không sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất; Các chuyên gia chính sách viễn thông cho biết, trang thiết bị Trung Quốc hầu như chỉ được tìm thấy trong các mạng của những nhà cung cấp nhỏ, nỗ lực tìm cách giảm thiểu chi phí.

Riêng biệt, năm 2019, chính quyền tổng thống Donald Trump đã thêm Huawei vào cái gọi là “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại, hạn chế xuất khẩu cho nhữngchủ thể và tổ chức có tên trong danh sách mà không có giấy phép của chính phủ Mỹ. Năm 2020, chính phủ Mỹ mở rộng những hạn chế đó, tiếp tục cắt đứt Huawei khỏi các nhà cung cấp chip, sử dụng công nghệ do Mỹ sản xuất.

Những chính sách đàn áp ác liệt này đã khiến mảng kinh doanh viễn thông và thiết bị cầm tay của Huawei sụt giảm mạnh, công ty Huawei buộc phải tìm phương án chuyển trọng tâm sang ô tô, điện toán đám mây và hệ điều hành thiết bị di động.

Người sáng lập và là CEO của Huawei trước đây từng tuyên bố công ty sẽ không bao giờ giao dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, nhưng các chuyên gia an ninh Mỹ cho biết, các công ty Trung Quốc phải tuân thủ các quy chế của luật pháp.

Theo CNN