Ủy ban quản lý Cạnh tranh Quốc gia có nên trực thuộc Bộ Công thương?

VietTimes -- Chiều ngày 24/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) - Ảnh: QH
Toàn cảnh phiên thảo luận Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) - Ảnh: QH

Theo đó, ông Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương và 121 điều, trong đó bổ sung thêm 01 chương mới, 02 điều mới, gộp 07 điều thành 02 điều, bỏ 05 điều, bổ sung một số điểm và khoản.

Đi sâu vào thảo luận, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo Luật được bổ sung chương VII, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh.

Chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, việc Ủy ban quản lý Cạnh tranh QG trực thuộc Bộ Công thương là phù hợp với tinh thần đổi mới, sắp xếp lại bô máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, một số đại biểu lại không đồng tình với ý kiến này và đánh giá việc Ủy ban quản lý Cạnh tranh QG trực thuộc Bộ Công thương là không phù hợp.

“Đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý các vụ việc cạnh tranh một các khách quan, công bằng. Cơ quan này phải đảm bảo tính độc lập cần thiết khi xem xét, giải quyết, ra quyết định về việc xác định hành vi của DN là có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, đi cùng đó là việc áp dụng chế tài mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào từ các cơ quan bên ngoài Ủy ban quản lý Cạnh tranh QG. Vì thế, để đảm bảo những điều nêu trên thì không nên quy định Ủy ban là cơ quan thuộc Bộ Công thương” – Đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình nêu ý kiến.

Đại biểu Công đề nghị nên học tập mô hình của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc – những quốc gia có pháp luật về cạnh tranh khá hoàn thiện là Quốc hội sẽ bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh, nhiệm kỳ của Chủ tịch cơ quan này cũng nên để 7 năm để đảm bảo tính ổn định trong hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng đặt vấn đề, việc thành lập Ủy ban quản lý Cạnh tranh Quốc gia với bộ máy như dự thảo Luật sẽ làm phình to bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Bên cạnh đó, việc giao quá nhiều quyền cho Ủy ban này sẽ khiến “cơ chế xin cho” và tham nhũng về chính sách có thể xảy ra.

Vì vậy, đại biểu Sơn để xuất giao quyền điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh cho lực lượng công an và việc xử lý vi phạm cho Tòa án thay vì trao toàn quyền điều tra, xử lý cho Ủy ban Quản lý Cạnh tranh Quốc gia.

Theo chương trình của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, góp ý xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và sẽ biểu quyết thông qua vào ngày 12/6 tới.

Thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, UBTVQH đánh giá đây là phương án tối ưu trong điều kiện hiện tại, đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hiệu quả theo đúng chủ trương không phình biên chế. Ông nhấn mạnh, với những quy định cụ thể, đầy đủ, Ủy ban này sẽ thực thi pháp luật cạnh tranh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng.