Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc (Kỳ cuối)

VietTimes-- Khóa 19 này, ông Triệu Lạc Tế đã “đứng trên đôi vai người khổng lồ” Vương Kỳ Sơn. Làm thế nào đi tiếp con đường của người tiền nhiệm và hoàn thành công cuộc đó, quả thật là những thách thức lớn đối với ông và cả Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương nhiệm kỳ này.
Ông Triệu Lạc Tế (trái) nhận gánh nặng từ người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn
Ông Triệu Lạc Tế (trái) nhận gánh nặng từ người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn

Trước hết là tiếp tục “chế độ chống tham nhũng”. Nhìn lại thành tựu trong nhiệm kỳ 5 năm là người đứng đầu UBKTKLTW của Vương Kỳ Sơn, người ta nhấn mạnh ông đã đi được bước dài trong hình thành cơ chế hiệu quả làm cho quan chức “không dám tham, không thể tham, không muốn tham”. Trước Đại hội 19, Tân Hoa xã đã đăng bài ca ngợi, “chào tạm biệt” Vương Kỳ Sơn với tiêu đề “Ông ít lộ diện, ít dự họp, ít ra văn bản nhưng đã để lại cơn sấm sét kinh hoàng “không dám tham…””, khái quát lại những thành quả chống “tham nhũng quyền lực” của ông. Tháng 3/2018, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức lập ra Ủy ban giám sát quốc gia đánh dấu việc chế độ chống tham nhũng được mở ra toàn diện. Việc hoàn thành nhiệm vụ này được trao cho ông Triệu Lạc Tế thực hiện.

Thứ hai, nhổ bỏ tận gốc rễ những “kẻ có dã tâm”. Trong 5 năm nhiệm kỳ Đại hội 18, phần lớn quan tham bị quật ngã bởi tội tham nhũng, đều được định vị theo “tham nhũng kinh tế”. Cho đến ngày 25/9/2017, trước Đại hội 19, tại Bắc Kinh tổ chức triển lãm “Thành tựu 5 năm vượt khó để tiến lên”, 6 “Hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài bỗng nhiên được gọi là “những phần tử tham nhũng hủ bại song trùng kinh tế và chính trị”, được xướng tên là những “kẻ có dã tâm” và “âm mưu cướp đảng, đoạt quyền”.

Đây là lần đầu tiên cụm từ “âm mưu cướp đảng, đoạt quyền” được sử dụng lại sau hơn 40 năm kể từ sự kiện “Đập tan tập đoàn chống đảng Bè lũ 4 tên” năm 1976; khiến “chống hủ bại chính trị” lại xuất hiện trở lại trước con mắt dân chúng. Việc trừng trị “hủ bại chính trị” khó khăn, phức tạp hơn nhiều chống tham nhũng kinh tế bởi “tàn dư nọc độc” sâu rộng hơn, ảnh hưởng đến cả cục diện chính trị và sự ổn định xã hội…Việc hạ gục “6 Hổ lớn” quả là một thành tựu lớn của ông Vương Kỳ Sơn, nhưng làm thế nào khảo sát đội ngũ cán bộ để “nhổ tận gốc, trốc tận rễ” tàn dư của các “kẻ dã tâm” quả là thách thức lớn đối với ông Triệu Lạc Tế.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc     (Kỳ cuối) ảnh 1
Ông Dương Hiểu Độ - Phó Bí thư UBKTKLTW, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia

Thứ ba, hoàn thành nốt việc “săn Cáo”. Trong 5 năm nhiệm kỳ Đại hội 18, cơn lốc chống tham nhũng đã quét khắp Trung Quốc khiến 235 cán bộ lãnh đạo cấp phó tỉnh trở lên bị quật ngã, gần 10 ngàn cán bộ cấp Phòng, Sở trở lên ở 31 tỉnh, thành bị điều tra xử lý cùng trên 1 triệu 343 ngàn cán bộ ở cơ sở. Đó là thành tựu nổi bật của cuộc chiến “đả Hổ, đập Ruồi”. Tuy nhiên, “săn Cáo” thì tiến triển chậm chạp: từ tháng 4/2015 Trung Quốc công bố "Danh sách 100 phần tử bị truy nã đỏ" đến tháng 11/2017 mới chỉ có 49 người bị bắt quy án, chưa tới 50% (đến tháng 5/2018 là 52 người). Kết quả khiêm tốn này được giải trình là do cần sự phối hợp giữa nhiều quốc gia, nhiều ngành, liên quan đến ngoại giao, tiền tệ; đến việc chưa ký hiệp định dẫn độ với các nước Mỹ, Canada, Australia…là nơi có nhiều tội phạm lẩn trốn…Giới phân tích cho rằng công cuộc “săn Cáo” sẽ là lĩnh vực để ông Triệu Lạc Tế thể hiện và cũng là thách thức lớn đối với UBKTKLTW dưới sự lãnh đạo của ông.                   

Trong Báo cáo chính trị dài hơn 30 ngàn chữ đọc tại phiên khai mạc Đại hội 19 hôm 18/10/2017, ông Tập Cận Bình đã nêu rõ quyết tâm chống tham nhũng: “Kiên trì “tùng nghiêm trị đảng” (nghiêm khắc xây dựng chỉnh đốn đảng)” là 1 trong số “14 kiên trì” được nêu lên trong nhiệm kỳ tới. Ông khẳng định: “tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất của đảng hiện nay…Tình hình cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn rất nghiêm trọng  phức tạp; cần phải giữ vững quyết tâm củng cố xu thế áp đảo, giành lấy thắng lợi mang tính áp đảo.

Phải kiên trì điều tra xử lý cả đưa và nhận hối lộ; kiên quyết ngăn chặn hình thành các nhóm lợi ích trong đảng; ngoài ra xúc tiến lập ra đạo luật quốc gia chống tham nhũng, xây dựng nên diễn đàn tố giác tố cáo phủ khắp hệ thống kiểm tra kỷ luật”. Ông nhấn mạnh “Phải tiếp tục đẩy mạnh hơn để giành thắng lợi áp đảo trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng”; đồng thời đề xuất xúc tiến lập ra đạo luật quốc gia chống tham nhũng; xây dựng ban hành Luật giám sát quốc gia. Đối với các phần tử bỏ trốn: bất kể trốn đến đâu, đều phải bắt về quy án, trừng trị theo pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc     (Kỳ cuối) ảnh 2
6 Hổ lớn nhất bị quật ngã (từ trên xuống, từ trái qua là Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch

Tại phiên thảo luận tổ tại đoàn đại biểu tỉnh Quý Châu hôm 19/10/2017, ông Tập Cận Bình lại phát biểu về vấn đề xây dựng chỉnh đốn đảng. Ông nói: “Muốn giải quyết tốt mọi việc của Trung Quốc, then chốt là Đảng… “Tùng nghiêm trị đảng” không chỉ là yêu cầu căn bản của việc Đảng CSTQ nắm quyền trong thời gian dài; mà cũng là đảm bảo căn bản cho việc phục hưng dân tộc…”. Ông nói: trong vấn đề “Tùng nghiêm trị đảng” không thể có ý nghĩ “khá rồi là thở phào”, không được có ý nghĩ đánh thắng rồi thì có thể nghỉ ngơi, cũng không thể thấy hiệu quả ban đầu đã thu quân, “phải siết chặt thêm ốc vít quản đảng, trị đảng”.

Tại cuộc họp báo chuyên đề sáng 19/10/2017, ông Dương Hiểu Độ, Phó Bí thư UBKTKLTW khóa 18 (nay là (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW, Phó Bí thư Thường trực UBKTKLTW kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia) đã thẳng thắn thừa nhận trước đây có thời kỳ “chùng xuống, lỏng lẻo, mềm yếu”, để cho các “phần tử hai mặt” như Tôn Chính Tài, Tô Vinh, Vương Mân, Chu Bản Thuận…có cơ hội lợi dụng; nhưng trung ương đã không lẩn tránh vấn đề, từ Đại hội 18 đến nay đã quyết tâm “trị đảng, phản hủ bại” toàn diện, kiên quyết “đả Hổ, đập Ruồi, bịt lỗ hổng”, lần lượt điều tra bắt giữ từng phần tử tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc     (Kỳ cuối) ảnh 3
Dương Tú Châu - Đệ nhát nữ quan tham bị bắt sau 13 năm trốn ra nước ngoài nhận án 8 năm tù

Ông Dương Hiểu Độ cho biết: 5 năm qua, UBKTKLTW đã lập hồ sơ điều tra hơn 1 triệu 540 ngàn vụ án, gần 60 ngàn người bị chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý, có tới hơn 440 người là cán bộ cấp tỉnh, quân đoàn và diện trung ương quản lý; 8.900 người là cán bộ cấp cục, sở; nghiêm túc xét xử nhóm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch; xử lý 42 Ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết, 9 Ủy viên UBKTKLTW và hơn 270 ngàn cán bộ cơ sở; truy bắt đem về nước hơn 3.500 phần tử bỏ trốn ra nước ngoài; trong đó có 48 người trong bản “Danh sách 100 phần tử bị truy nã đỏ”.

Ông cũng cho biết: “Sau khi Tổng bí thư Tập Cận Bình đề ra “8 điều quy định”, đã cơ bản chặn đứng được tình trạng mỗi năm tiêu tốn 200 tỷ NDT tiền công vào việc ăn nhậu. Có thể nói 8 điều quy định đã thay đổi Trung Quốc”. Ông Độ khẳng định: sau Đại hội 19 UBKTKLTW vẫn lấy trọng điểm là trừng trị “cao quan hủ bại”, “trong đó trọng điểm của trọng điểm là quan chức cao cấp vừa tham nhũng kinh tế vừa hủ bại về chính trị”.

Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc     (Kỳ cuối) ảnh 4
Tô Vinh - Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc nhận án chung thân

Kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo tại Đại hội 18 (11/2012) UBKTKLTW Trung Quốc đã trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc chiến chống tham nhũng. Cánh tay của nó vươn dài hơn, các cuộc điều tra công khai hơn và động chạm đến nhiều lãnh đạo cấp cao hơn. UBKTKLTW Trung Quốc có sức mạnh để bỏ tù bất kỳ quan chức nào của đảng. Thông thường, UBKTKLTW chỉ đưa ra các kỷ luật về mặt đảng, nhưng kết luận điều tra của nó sẽ được chuyển cho cơ quan tư pháp để truy tố và các đối tượng thuộc diện “chuyển hồ sơ” như vậy thường sẽ nhận một bản án nặng.

Trong nửa thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng. Nhưng chiến dịch “Đả Hổ, săn Cáo, đập Ruồi” của ông Tập Cận Bình rõ ràng là khác biệt và hiệu quả hơn hẳn. Quyết định điều tra cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật Trung ương Chu Vĩnh Khang cho thấy Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ quy tắc bất thành văn trong đảng là “Hình bất thướng thường vụ” (không động chạm đến đương kim hoặc cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị). Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập phát động đã tiến xa hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử Trung Quốc hiện đại./.