Ưu tiên làm đường sắt nối TP HCM với các tỉnh lân cận

VietTimes -- Cả đại diện Quân đội lẫn lãnh đạo TP. HCM và các vùng lân cậng đều nhất trí TP HCM cần phải ưu tiên đầu tư phát triển đường sắt để tăng cường khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Chiều 25/7 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TPHCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành  phố là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TPHCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á; giữ vị trí chiến lược về cảng biển trung chuyển quốc tế, cảng hàng không quốc tế; là cầu nối tiểu vùng sông Mekong.

Vùng TPHCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia. Về phát triển kinh tế, vùng TPHCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay, bên cạnh những thành tựu qui hoạch nổi bật thời gian qua, thì cần phân tích sâu hơn.

Ví dụ như, có một số qui hoạch như giao thông chậm và lý do? Nếu không giải đáp được thì sẽ tiếp tục chậm.

Theo Bí thư Thành ủy, nếu lý do chính là không đủ tiền, thiếu vốn thì phải xem xét tính lại tỷ trọng xã hội hoá trong các công trình giao thông này. Vùng trọng điểm phía Nam chiếm 9,2% diện tích cả nước, 24% dân số nhưng đóng góp tới 44% ngân sách cả nước. "Phải nhìn lại xem đầu tư để phát triển hạ tầng của vùng trong 8 năm qua so với cả nước như thế nào. Tôi đoán thấp hơn mức bình thường", Bí thư Nhân bày tỏ.

Theo Bí thư Nhân trong quy hoạch hiện nay, các tuyến vành đai quan trọng, giao thông công cộng, giao thông đường thủy, đường sắt cao tốc... đều dựa vào nguồn vốn vay ODA và ngân sách. Nếu vẫn tính theo cách này thì đến 2020 cũng khó hoàn thành được. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng Bộ Xây dựng cần chủ trì thảo luận về cơ chế phối hợp nhằm phát triển vùng. Trong đó, đầu tư kết nối giao thông, hạ tầng là một trong những vấn đề cốt lõi. "TP HCM không thể phát triển được nếu tách rời liên kết vùng", ông Phong nhấn mạnh. 

Theo ông Phong, đường sắt TP HCM - Cần Thơ cũng nằm trong quy hoạch tổng thể của vùng. Vừa qua thành phố cùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ đã họp bàn và thống nhất giao Sở Giao thông và Vận tải nghiên cứu để báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ điều chỉnh quy hoạch. 

Ưu tiên làm đường sắt nối TP HCM với các tỉnh lân cận ảnh 1Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải nhằm tạo cơ sở để phát triển vùng TPHCM trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng TPHCM năm 2008 đã tạo cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cụ thể của từng địa phương và của cả vùng; thay đổi tư duy phát triển từ riêng lẻ từng địa phương theo địa giới hành chính sang phát triển vùng, tăng tính kết nối, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo ra sức mạnh tổng thể của cả vùng.

Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch vùng năm 2008 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cách tiếp cận quy hoạch vùng còn thiếu năng động, chưa theo kịp với những thay đổi nhanh trong quá trình phát triển. Các thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún… còn chưa được tính toán hết; các dự báo về lao động, phát triển kinh tế phi chính thức, kinh tế địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa nhấn mạnh phát triển vùng trung tâm và vai trò cdủa các địa phương trong vùng.

Về quá trình xây dựng và hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đồ án đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Phó Thủ tướng đánh giá cao đề xuất mô hình phát triển tập trung-đa cực, bảo đảm sự cân bằng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù.

Đối với tiểu vùng đô thị trung tâm, TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP. Bình Dương là đô thị động lực phía bắc; TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía đông; đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía tây bắc; các đô thị Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía tây nam.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM.

Theo Phó Thủ tướng, bản quy hoạch điều chỉnh phải làm nổi bật tính chất của vùng TPHCM là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia, là vùng đô thị hóa cao, có chất lượng, có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh tầm quan trọng và cơ hội của vùng phát triển phía đông, khai thác lợi thế, tiềm năng khu vực ven biển phát triển các đô thị du lịch; vùng phát triển phía bắc gắn với trục hành lang Quốc lộ 51 và Quốc lộ 22. Đây là những cửa ngõ quan trọng về cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu để giao lưu hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đánh giá, làm rõ hơn về vị trí, chức năng của các tỉnh trong mối quan hệ vùng để phát huy lợi thế của các địa phương trong vùng. Làm rõ mối liên kết giữa các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khu du lịch, các khu bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn đa dạng sinh học, các trung tâm tài chính, văn hóa, y tế, thể dục thể thao... theo định hướng các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Đồ án quy hoạch mới cũng phải dự báo các nguy cơ của việc tập trung dân số vào vùng đô thị trung tâm, những ảnh hưởng của hiện tượng thiên nhiên bất thường và các tác động bất lợi đối với sự phát triển của vùng... từ đó khuyến nghị các yêu cầu đối với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch chung đô thị trong vùng.

Để việc triển khai hiệu quả quy hoạch sau khi được phê duyệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngay từ Đồ án phải tích, làm rõ hơn sự phù hợp, mức độ khả thi của các giải pháp quy hoạch và tầm nhìn với nguồn lực thực hiện. Ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng có tính chất kết nối nội vùng và liên vùng, từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ các giải pháp kết nối giao thông nội vùng, liên vùng.

Đối với mô hình quản lý vùng, trên cơ sở Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ chức điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đơn vị chủ trì, cơ quan tư vấn lập Đồ án cần nghiên cứu và đề xuất thêm những nội dung phù hợp với mô hình quản lý của vùng đô thị lớn, đảm bảo đạt hiệu quả trong công tác thực hiện quy hoạch.