Ứng xử với di sản – tâm và tầm văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Nhân vụ đoàn làm phim dùng vôi ve tô trét lên giếng cổ ở Đường Lâm, bàn về ứng xử với di sản văn hóa, lịch sử.
Giếng cổ Đường Lâm khi bị đoàn làm phim tô vẽ, làm mới. Ảnh: TTXVN
Giếng cổ Đường Lâm khi bị đoàn làm phim tô vẽ, làm mới. Ảnh: TTXVN

Chuyện đoàn làm phim hài Tết bôi trát, làm mới giếng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách hành xử đối với di sản văn hóa của cha ông.

Chỉ vì muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với phim nên đoàn làm phim đã dùng lớp vôi ve màu đỏ, bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ lên bề mặt giếng.

Hành động của đoàn làm phim gây bức xúc dư luận, mặc dù họ đã cố gắng khắc phục bằng cách cọ rửa lớp vôi ve ngay sau khi người dân phản ánh sự việc đến chính quyền. Tuy nhiên, sau khi tẩy trang, hình thù giếng cổ lại như khoác màu áo mới, không còn vẻ rêu phong như trước đây. Thật khó hình dung được việc những người làm văn hóa lại xâm hại di sản văn hóa một cách thô bạo như thế.

Trong chuyện này, cũng cần nói đến trách nhiệm quản lý di sản của chính quyền địa phương. Không thể tin nổi việc một đoàn làm phim đến chỉnh trang giếng cổ theo ý muốn chủ quan của mình rầm rộ giữa ban ngày ban mặt, mà Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm lại không hay biết. Họ quan liêu và vô trách nhiệm đến mức, chỉ khi người dân bức xúc phản ánh mới vội vàng xử lý.

Một người dân thôn Mông Phụ nơi có giếng cổ cho biết đoàn làm phim chỉ "xin phép mồm" với chủ tịch xã. Như thế cũng đủ biết, trách nhiệm quản lý di sản của lãnh đạo địa phương đến đâu.[1]

Với người dân Đường Lâm, những giếng cổ trong làng được coi là không gian linh thiêng, và đã là giếng cổ thì phải giữ cho được vẻ cổ kính của nó.

Vì thế không ít người đã tỏ thái độ bức xúc trước sự xâm hại di sản này. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: “Các di tích cổ chúng ta đều phải tôn trọng, kể cả có dát vàng lên giếng cũng vẫn là sai. Bây giờ chúng ta có cọ rửa, khôi phục thì cũng không thể hoàn trả lại được sự rêu phong mong manh, tinh tế như xưa. Thật sự chúng tôi rất bức xúc và phẫn nộ."[2]

Theo ông Hoàng, đây không phải là lần đầu tiên các đoàn phim tự ý tác động, làm mới, thay đổi lên không gian, di tích làng cổ. Có đoàn làm phim còn cho đào cả sân đình làng cổ để trồng một cây gạo. Còn chuyện đóng phim, sinh hoạt của họ thì gây náo động cả không gian làng cổ; nhà thờ thì bị họ trưng dụng làm bối cảnh đóng các phim hài tục tĩu, phản cảm.

Một trong những giếng cổ ở Đường Lâm (ảnh: Wikipedia)

Một trong những giếng cổ ở Đường Lâm (ảnh: Wikipedia)

Nhân vụ này, cộng đồng mạng phát hiện ra một sự thật về giếng cổ bị “khuất lấp” bấy lâu nay mà không ai có ý kiến. Đó là việc giếng đình Mông Phụ nói trên, thực ra không còn nguyên trạng như xưa với các lớp gạch có trát vữa, bong tróc theo thời gian. Nó đã được bê tông hóa tự bao giờ. Ai làm việc này? Câu trả lời xin nhường lại Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm.

Chuyện ứng xử với di tích lịch sử, văn hóa bấy lâu nay luôn là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Giá trị di sản không chỉ ở tính lịch sử, văn hóa mà còn ở tuổi đời của nó thể hiện qua chất liệu và dấu thời gian, ở không gian sinh tồn được hình thành từ khi nó xuất hiện. Di sản chỉ phát huy giá trị vốn có của nó khi đảm bảo được các tiêu chí đó.

Vì vậy, ứng xử với di sản không chỉ là việc trùng tu, tôn tạo. Ứng xử với di sản còn là chuyện khai thác giá trị của nó phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, nhu cầu tâm linh và sinh hoạt văn hóa của người dân.

Do tuổi đời có khi hàng thế kỷ, bị tác động của môi trường khí hậu và thời gian, và của cả con người, cho nên di sản cần được bảo dưỡng, trùng tu. Công việc này diễn ra thường niên và cũng là điều khiến dư luận quan tâm nhất. Và câu hỏi trùng tu, tôn tạo di tích như thế nào mới là đúng, là hài hòa, là không can thiệp thô bạo, luôn khiến chúng ta phải trăn trở, suy tư.

Đã có những di sản sau khi được trùng tu khiến người dân sửng sốt. Thành Nhà Mạc (Tuyên Quang) bị “hô biến” thành cái lò gạch. Ô Quan Chưởng (Hà Nội) “khoác áo mới” đúng dịp đại lễ ngàn năm của thủ đô. Vụ trùng tu chùa Trăm Gian (Hà Nội) – một di sản độc đáo có từ thời Lý – hồi 2012 được coi là “thảm họa trùng tu” vì toàn bộ di sản bị nhà chùa tự ý đập phá, xây mới khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng. Đó chỉ là vài ví dụ trong số rất nhiều di tích, di sản vật thể và phi vật thể khác trong cả nước đã từng phải hứng chịu những “cơn đau trùng tu” hết sức bi thương.

Trùng tu có mục đích là giữ cho di sản tồn tại được trước thử thách nghiệt ngã của môi trường và thời gian. Nhưng để cho di sản “sống” như nó đã từng tồn tại trong dân gian mới là điều đáng bàn. “Sống” có nghĩa là di sản tiếp tục phục vụ đời sống tâm linh và nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người. Chính điều này mới quyết định bản sắc và sự trường tồn của di sản, chứ không phải ở trên sách vở hay trong kho tài liệu lưu trữ.

Tây Nguyên có di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng” được UNESSCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Cần lưu ý tên gọi của di sản mà UNESCO ghi nhận: “Không gian văn hóa cồng chiêng”, chứ không chỉ là cồng, chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là môi trường sống, sinh hoạt của người bản địa (các dân tộc ít người trên địa bàn) mà hồn cốt là rừng, là đại ngàn.

Nhưng tiếc thay, chúng ta bảo tồn “Không gian văn hóa cồng chiêng” trong khi rừng Tây Nguyên đã bị đẩy lùi sang bên kia biên giới, nhường chỗ cho bạt ngàn rẫy nương cà phê, cao su, tiêu, điều. Không còn không gian văn hóa đậm chất bản địa để thể hiện, thì cồng chiêng chỉ là những vật dụng phát ra âm thanh vô hồn, vô cảm.

Bàn về vấn đề này, người viết xin được trích dẫn một đoạn trong bài “Văn hóa truyền thống Tây Nguyên: nhiều biến dạng bất thường” của nhà thơ, nhà báo Đặng Bá Tiến đăng trên tuần báo Văn Nghệ gần đây, thay cho lời kết: “Việc sử dụng cồng chiêng hiện nay cũng hết sức tùy tiện. Chiêng ngày xưa được xem là vật thiêng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, người ta chỉ đánh chiêng khi có lễ thực sự, do nhu cầu tâm linh thực sự. Còn bây giờ chiêng được đánh bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu miễn là có người trả tiền và yêu cầu. Và vì vậy cồng chiêng đang bị người ta sân khấu hóa, thương mại hóa một cách công khai, bất chấp truyền thống... Người ta quên mất một điều hết sức quan trọng, rằng muốn bảo tồn và phát huy được giá trị của cồng chiêng thì phải gìn giữ được "không gian sống" của nó.

… UNESCO đã rất tinh tế khi công nhận "không gian văn hóa cồng chiêng" là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà không công nhận bản thân cái chiêng với một số bài bản âm thanh của nó...”[3]

_______________________________________

Nguồn tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/dan-lang-duong-lam-buc-xuc-vi-gieng-co-bi-doan-phim-tu-tien-to-ve-20211107211401166.htm

[2] https://dantri.com.vn/van-hoa/buc-xuc-gieng-co-o-ha-noi-bi-doan-lam-phim-to-trat-lam-moi-dong-hai-tet-20211107193353760.htm

[3] Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN, số 44/2021, ra ngày 30/10/2021.