Ứng phó Trung Quốc, Nhật lập “liên đội cơ động khẩn cấp”

VietTimes -- Theo kế hoạch, để tăng cường khả năng tấn công cơ động, trong 10 năm tới, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ từng bước chuyển đổi các liên đội hiện có của các sư đoàn, lữ đoàn tác chiến thành các "liên đội cơ động khẩn cấp" có khả năng cơ động nhanh chóng.
Xe bọc thép bánh lốp Type 96 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Cankao.
Xe bọc thép bánh lốp Type 96 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Cankao.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 26/10 cho rằng cùng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc những năm gần đây không ngừng được tăng cường và tình hình an ninh Đông Bắc Á ngày càng phức tạp, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng buộc phải đánh giá lại nhiệm vụ tác chiến và quy hoạch lại cơ cấu biên chế, trang bị của quân đội.

Ngoài duy trì lực lượng vũ trang hạng nặng đề phòng Nga ở khu vực phía Bắc, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản sẽ còn điều chỉnh các sư đoàn, lữ đoàn đóng ở khu vực duyên hải thành "lực lượng đầu mối chính trị, kinh tế", đồng thời thành lập lực lượng WAiR, lực lượng phản ứng nhanh trung tâm để thực hiện nhiệm vụ phản ứng nhanh và tác chiến đoạt đảo.

Dựa trên quy hoạch, gần đây, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản còn bắt đầu thành lập nhiều "liên đội cơ động khẩn cấp".

Ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, sư đoàn 8 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đóng tại khu Kyushu, Nhật Bản sắp thành lập xong "liên đội cơ động khẩn cấp" đầu tiên. Nhưng đây không phải là đơn vị mới duy nhất.

Theo kế hoạch, để tăng cường khả năng tấn công cơ động, trong 10 năm tới, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ từng bước chuyển đổi các liên đội hiện có của các sư đoàn, lữ đoàn tác chiến thành các "liên đội cơ động khẩn cấp" có khả năng cơ động nhanh chóng.

Tài liệu công khai cho thấy hiện nay Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có tổng cộng 15 sư đoàn và lữ đoàn các loại, trong đó có 8 sư đoàn, lữ đoàn bảo vệ 3 đô thị lớn gồm Tokyo, Hanshin và Nagoya được gọi là những "đơn vị đầu mối chính trị, kinh tế".

7 sư đoàn và lữ đoàn còn lại trang bị vũ khí cơ giới hóa hạng nặng, thực hiện nhiệm vụ phòng vệ và tác chiến cơ động. 7 sư đoàn này có kế hoạch điều chỉnh lại thành các "liên đội cơ động khẩn cấp", tức là liên đội bộ binh trang bị hạng nhẹ trực thuộc các sư đoàn, lữ đoàn.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu Mặt đất, các "liên đội cơ động khẩn cấp" mới thành lập học tập lực lượng Stryker (SBCT, lực lượng phản ứng nhanh cơ giới hóa hạng trung, trang bị dòng xe bọc thép bánh lốp) của quân đội Mỹ về cơ cấu biên chế vào trang bị.

Mỗi "liên đội cơ động khẩn cấp" có khả năng tác chiến độc lập, được hợp thành bởi bộ binh, pháo binh và lực lượng bọc thép; trang bị xe chiến đấu cơ động Type 16 mới nhất (16MCV) và xe bọc thép bánh lốp Type 96.

Về biên chế, mỗi liên đội loại này sẽ gồm 4 trung đội bộ binh, 1 trung đội pháo binh và 1 đại đội xe chiến đấu cơ động. Trong đó, mỗi đại đội chiến đấu cơ động sẽ làm theo biên chế của đại đội xe tăng, bên dưới có 3 trung đội, mỗi trung đội trang bị 4 xe chiến đấu cơ động Type 16, cộng với xe chỉ huy của trung đội trưởng, tổng cộng có 13 xe chiến đấu cơ động.

Trong khi đó, theo ngân sách quốc phòng năm 2017 của Nhật Bản, trước cuối năm nay, sư đoàn 8 ở Kita-Kumamoto, Kyushu và lữ đoàn 14 ở Zentsuji, Shikoku sẽ đi đầu tiến hành điều chỉnh một bộ phận liên đội thành liên đội cơ động khẩn cấp.

Đến trung tuần tháng 10, sư đoàn 8 sẽ hoàn thành toàn diện công tác điều chỉnh biên chế.

Nhìn vào tình hình nói trên cho thấy Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản lấy lực lượng chiến đấu Stryker của lục quân Mỹ làm mẫu để thành lập lực lượng mới, đã tăng cường nhất định sức chiến đấu cho lực lượng cơ động dã chiến của họ.

Xe đột kích bánh lốp Type 16 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Cankao.
Xe đột kích bánh lốp Type 16 Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Ảnh: Cankao.

Do Nhật Bản hạn chế về địa hình và diện tích lãnh thổ và giảm sức ép tác chiến mặt đất sau Chiến tranh Lạnh, đa số các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đều là đơn vị bộ binh hạng nhẹ, thường chỉ trang bị vũ khí bộ binh cơ bản và xe cơ động bánh lốp tốc độ cao.

Mặc dù sức ép phòng vệ lãnh thổ của Nhật Bản không lớn, hạn chế điều quân ra nước ngoài vẫn làm cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất "không có đất dụng võ", nhưng duy trì lâu dài cơ cấu biên chế lấy đơn vị bộ binh hạng nhẹ làm chính đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tác chiến của họ.

Trong khi đó, tham khảo cơ chế biên chế và trang bị của lực lượng cơ giới hóa bánh lốp hạng trung của lục quân Mỹ, nâng cấp một bộ phận đơn vị bộ binh hạng nhẹ, có lợi rất lớn đối với việc làm phong phú loại hình đơn vị, nâng cao khả năng điều động và cơ động hỏa lực của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất.

Ngoài ra, dựa vào quy hoạch chiến lược và tham vọng của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chính sách quốc phòng và ngoại giao, trong tương lai không gian phát huy vai trò của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn ở "phòng vệ lãnh thổ".

Bất kể là tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với các nước xung quanh hay tham vọng mở rộng không gian triển khai quân sự ở nước ngoài của Nhật Bản đều thúc đẩy mạnh mẽ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất nhanh chóng tăng cường sức chiến đấu trên cơ sở cơ cấu lực lượng và ngân sách hiện nay.

Do Lực lượng Phòng vệ Mặt đất hiện có một lực lượng đáng kể vẫn đang thực hiện nhiệm vụ phòng vệ và cảnh giới các đô thị (các đơn vị đầu mối chính trị, kinh tế đã nói ở trên), khu vực triển khai bị hạn chế. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất lại có cấp độ ưu tiên thấp hơn so với Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không về các phương diện như quân số, trang bị và kinh phí huấn luyện.

Vì vậy, trong tình hình không tiến hành thay đổi căn bản về quy mô, biên chế và triển khai lực lượng, dựa vào "liên đội cơ động khẩn cấp" để tăng cường sức chiến đấu cũng là một con đường thích hợp.

Nhưng cho dù "liên đội cơ động khẩn cấp" có hiệu quả như đã nói, nhưng rất nhiều điều kiện thực tế bất lợi cũng đang hạn chế rất lớn trong việc phát huy sức chiến đấu của chúng.

Về trang bị, "liên đội cơ động khẩn cấp" sẽ trang bị xe bọc thép bánh lốp Type 96 và xe chiến đấu cơ động Type 16. Về bề ngoài, chúng giống dòng xe bọc thép bánh lốp Stryker của Mỹ, rất giống xe bọc thép bánh lốp Type 08/09/11 của Trung Quốc, nhưng tính năng kỹ thuật và độ tin cậy đều có khoảng cách nhất định với trang bị cùng loại của nước ngoài.

Bất kể có chi phí cao hay tỷ lệ xảy ra sự cố cao trong các hoạt động huấn luyện, diễn tập thì tính năng kỹ thuật trên giấy của xe bọc thép bánh lốp Type 96 cũng đã đáng nghi ngờ.

Xe bọc thép bánh lốp Type 96 và xe chiến đấu cơ động Type 16 được thiết kế dựa trên tham khảo kết cấu khung xe hơi và tính năng việt dã, thường thích hợp với cơ động trên đường ô tô, điều này làm cho tính năng việt dã và khả năng cơ động trong điều kiện địa hình phức tạp của nó bị hạn chế rất lớn.

Trước đó, có nghiên cứu chỉ ra, bất kể là phòng vệ lãnh thổ thời chiến, tranh đoạt đảo hay triển khai ở nước ngoài, chỉ dựa vào "liên đội cơ động khẩn cấp" cơ động trên đường ô tô thì sẽ rất dễ bị đối phương phá hoại đường giao thông, làm gián đoạn hoạt động tấn công.

Trong khi đó, lực lượng mất đi khả năng cơ động trong điều kiện tác chiến phức tạp sẽ không thể làm nhiệm vụ "ứng phó khẩn cấp". Ngoài ra, nếu khả năng cơ động ở ngoài chiến trường tương đối có hạn thì trên chiến trường có địa hình và tình hình địch phức tạp hơn, sức chiến đấu của các đơn vị loại này thậm chí còn gặp khó cả trong vấn đề sinh tồn.

Về biên chế, cho dù Lực lượng Phòng vệ Mặt đất liên tục nói là họ học tập mô hình đơn vị Stryker của Mỹ, nhưng quy mô các liên đội chỉ bằng một tiểu đoàn chiến đấu của đơn vị cùng loại Mỹ, song lại gọi nó là đơn vị cấp liên đội (tương đương cấp trung đoàn).

Số lượng và quy mô phân đội chiến đấu trong biên chế quá nhỏ, sẽ hạn chế nghiêm trọng năng lực tác chiến liên tục của nó trong thời chiến. Ngoài ra, do các "liên đội cơ động khẩn cấp" (trong kế hoạch thành lập) đều trực thuộc các sư đoàn, lữ đoàn, việc chỉ huy và hậu cần của nó đều lệ thuộc vào sự phối hợp và cung ứng của các cơ quan cấp sư đoàn, lữ đoàn.

Trong tình hình thiếu cơ quan chỉ huy, năng lực trinh sát chiến thuật và tiếp tế vật tư, khả năng tác chiến độc lập của các "liên đội cơ động khẩn cấp" tương đối có hạn.

Trong khi đó, lực lượng Stryker Mỹ có phân đội chỉ huy, trinh sát và chi viện hậu cần mang tính hệ thống rõ ràng mạnh hơn nhiều so với các đơn vị của Nhật Bản.

Hơn nữa, dựa vào cơ cấu biên chế này, các sư đoàn, lữ đoàn cơ động có kế hoạch dùng để thực hiện nhiệm vụ chiến dịch của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ buộc phải đảm đương nhiệm vụ chỉ huy và bảo đảm cho các đơn vị trực thuộc, điều này sẽ làm giảm nghiêm trọng sức chiến đấu của chúng.

Nói chung, trong tình hình tương đối lạc quan, có thể cho rằng, thông qua thành lập và điều chỉnh tiếp theo, các "liên đội cơ động khẩn cấp" mới có được sức chiến đấu thực chất.

Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đặt nhiều kỳ vọng vào nó. Theo ý tưởng tác chiến của các sư đoàn, lữ đoàn cơ động được tiết lộ trong "Đại cương ngân sách Lực lượng Phòng vệ Mặt đất năm tài khóa 2017" - khi triển khai tác chiến tấn công - phòng thủ trên đảo, trước hết điều lực lượng trinh sát, sau đó điều các "liên đội cơ động khẩn cấp" để tiến hành "đợt tấn công - phòng thủ lần thứ nhất".

Khi "tấn công - phòng thủ lần thứ hai", chủ lực của các sư đoàn, lữ đoàn cơ động sẽ triển khai tham chiến trên các đảo. Nhưng sau khi hiểu rõ tình hình thực tế nêu trên, trong tình hình sức chiến đấu còn bị nghi ngờ, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ cấp bách điều "liên đội cơ động khẩn cấp" đến các đảo nhỏ xa xôi.