Ủng hộ Ukraine chống Nga, châu Âu buộc phải quay lại với “năng lượng bẩn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo báo Anh The Sunday Times ngày 25/6, cuộc chiến Nga-Ukraine đã gây ra những hậu quả khôn lường. Do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, các chính trị gia đã thay đổi chính sách môi trường quay lại dùng điện than.
Các Nhà máy nhiệt điện dùng than lại nhả khói bụi lên bầu trời châu Âu (Ảnh: AFP).
Các Nhà máy nhiệt điện dùng than lại nhả khói bụi lên bầu trời châu Âu (Ảnh: AFP).

Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Đức và là thành viên Đảng Xanh cho biết: “Kể từ bây giờ, khí đốt tự nhiên đã trở thành mặt hàng khan hiếm” và nói thêm “ không có điều gì cấm kỵ” trong việc cố gắng đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này cho thấy kế hoạch từng bước loại bỏ hoàn toàn than vào năm 2030 của Đức có thể bị trì hoãn.

Đối với Đức, một quốc gia lấy môi trường là một vấn đề chính trong cuộc tranh luận bầu cử năm ngoái, việc quay trở lại dùng than là một thời khắc đau khổ. Vấn đề đặt ra cho các chính trị gia là sự hồi sinh ngành than rốt cục là tạm thời đến mức nào.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cảnh báo không nên "thoái lui" đến mức sử dụng "nhiên liệu hóa thạch bẩn". Những lời mong mỏi của bà có thể bị bỏ ngoài tai, vì Đức không phải là quốc gia duy nhất chấp nhận quay trở lại với than.

Gần đây nhất, Chính phủ Hà Lan, đứng đầu là Thủ tướng Mark Rutte, đã hủy bỏ các quy định hạn chế sản xuất điện từ các nhà máy nhiệt điện dùng than cho đến năm 2024.

Chính phủ Áo, do Thủ tướng Karl Nehamer đứng đầu, đã ra lệnh cải tạo một nhà máy nhiệt điện dự phòng chạy bằng khí đốt sang dùng than; chỉ hai năm sau khi đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng Merrach; khi đó Áo đã trở thành quốc gia thứ hai sau Bỉ sản xuất điện không dùng than ở châu Âu.

Cảnh này tưởng chừng sắp biến mất ở EU nay lại xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh: Zhihu).

Cảnh này tưởng chừng sắp biến mất ở EU nay lại xuất hiện ngày càng nhiều (Ảnh: Zhihu).

Tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Kwasi Kwarteng đã ra lệnh cho Công ty kinh doanh hệ thống Điện bắt đầu đàm phán với các chủ sở hữu của ba nhà máy điện than EDF, Drax và Unipe để "tăng cường" an ninh năng lượng trong mùa Đông năm nay...

Tuy nhiên, những thách thức về nguồn cung ứng than đang tích tụ có thể khiến biện pháp khẩn cấp này trở thành một nỗ lực tốn kém, cho dù là về mặt chính trị, môi trường hay tài chính.

Đồng hồ đang điểm khi châu Âu đang hối hả vào cuộc để chuẩn bị cho mùa Đông giá lạnh. EU đã tuyên bố từ ngày 10/8 sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga. Trước khi nổ ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine, than nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng một nửa tổng nguồn cung của châu Âu.

Một phản ứng dây chuyền đang diễn ra trên các thị trường hàng hóa; do nhu cầu tăng cao, giá than đã tăng hơn gấp đôi trong một năm lên gần 400 USD/tấn. Ngay cả trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, giá than cũng đã leo thang khi các nước mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi đóng cửa để chống lại đại dịch COVID-19.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency, IEA) cho biết, để đáp ứng nhu cầu, đầu tư toàn cầu vào nguồn cung cấp than có thể tăng 10% trong năm nay. Một nhà kinh doanh than lâu năm cho biết: “Nguồn cung không theo kịp nhu cầu… Tôi cần phải nói là, hiện không có công suất dự phòng trong hệ thống.”

Ông cho rằng giá than có thể tăng lên hơn 600 USD/tấn, nhưng vẫn là rẻ hơn so với khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà các nước châu Âu đang mua để thay thế khí đốt nhập của Nga.

Để bổ sung nguồn cung cấp than, châu Âu đang chuyển hướng sang Mỹ và Colombia. Cách làm này đang đẩy giá lên và khiến cho những những khách mua truyền thống không thể chạy theo. Các quốc gia như Sri Lanka, Pakistan và Australia đã chịu cảnh cúp điện trong thời gian gần đây.

Hầu hết mọi người dường như cho rằng sự phục hưng đột ngột của than đá chỉ là một bước lùi tạm thời, cho dù sự thụt lùi này có thể có tính phá hoại. Ông Tom Price của Công ty vốn Liberum Capital ở Anh cho biết: "Chúng tôi vốn đã cho rằng châu Âu sẽ hoàn toàn loại bỏ than trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa. Bây giờ, có lẽ sẽ lùi đến từ 10 đến 15 năm nữa. Nhưng thực tế là đây không phải là loại năng lượng chúng ta nên tiếp tục sử dụng trên Trái đất. Chúng ta cần phải làm cho các hành động của mình phù hợp với tiêu chuẩn về môi trường."

Lý do nào khiến các nước châu Âu từ bỏ khí đốt và quay lại với than đá?

Một là cuộc khủng hoảng nguồn cung tự nhiên do xung đột giữa Nga và Ukraine. Thứ hai, giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 5 lần trong hai năm qua, gây sức ép nặng lên nền kinh tế thế giới vốn đã mỏng manh.

Đức đã nhanh chân kí hợp đồng đặt mua 150 triệu tấn than của Indonesia (Ảnh: Reuters).

Đức đã nhanh chân kí hợp đồng đặt mua 150 triệu tấn than của Indonesia (Ảnh: Reuters).

Để tồn tại, hay để bảo vệ môi trường? EU đã quyết định chọn tồn tại.

Tuần qua, Đức, Italy, Áo và Hà Lan đã lần lượt tuyên bố các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu tồn tại qua cuộc khủng hoảng. Trong đó, 3 nước Đức, Áo và Hà Lan đã tuyên bố tái khởi động sản xuất điện than. Về phần mình, Italy cho biết họ sẽ mua than đề phòng trước lệnh cấm vận của EU. Kế hoạch chuyển đổi năng lượng trị giá 300 tỷ euro của EU vừa được công bố tháng trước đã trở thành trò cười trước thông tin này.

Đảng Xanh của Đức nổi lên nhờ bảo vệ môi trường, đã buộc phải cúi đầu trước hiện thực sau khi lên nắm quyền. Đối với việc đảo ngược chính sách năng lượng, nhà lãnh đạo Đảng Xanh Robert Habeck, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu, bày tỏ dù rất đau xót, nhưng trong tình hình hiện nay, việc giảm tiêu thụ khí đốt thiên nhiên là hoàn toàn cần thiết. Hàm ý của ông là để dự trữ đủ khí tự nhiên trước mùa Đông, việc khởi động lại sản xuất điện than là biện pháp bất đắc dĩ.

EU đã đặt ra cho mình một kế hoạch trung hòa carbon tích cực. Theo kế hoạch trước đây của EU, đến năm 2030, lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm ít nhất 55% so với mức năm 1990, và đến năm 2050 sẽ không thể tránh khỏi việc đạt được mức trung hòa hoàn toàn các-bon.

Nhưng như chúng ta đều biết, vấn đề phát thải khí nhà kính là của toàn cầu, và EU không thể tự mình thực hiện trung hòa carbon mà phải kéo tất cả mọi người ngồi lại với nhau.

Theo kế hoạch của EU, nhập khẩu các mặt hàng như thép, xi măng, nhôm và phân bón từ các quốc gia và khu vực có quy định hạn chế phát thải carbon tương đối lỏng lẻo sẽ bị đánh thuế. Nói cách khác, bất kỳ ai thải ra nhiều carbon hơn sẽ phải trả nhiều thuế hơn cho EU.

EU cho biết điều này góp phần vào việc giảm phát thải toàn cầu và "khuyến khích" các đối tác quốc tế bên ngoài khối tham gia thực hiện các biện pháp theo một hướng.

Trên thực tế, nếu tìm hiểu sâu hơn về cái gọi là kế hoạch bảo vệ môi trường và trung hòa carbon của EU, sẽ thấy có rất nhiều tính toán chính trị. Là các quốc gia phát triển với lợi thế đi đầu, các ngành công nghiệp nội địa của EU có mức tiêu thụ năng lượng cao và giá trị gia tăng thấp từ lâu đã được họ chuyển giao cho các nước đang phát triển. Bằng cách xây dựng chiến lược trung hòa carbon như vậy, EU trong tương lai có thể nằm đợi và thu thuế từ các nước đang phát triển.

Hiện tại, bằng cách nắm bắt cơ hội chuyển đổi năng lượng và thực hiện trung hòa carbon, EU không chỉ có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga trong lĩnh vực năng lượng mà còn là cơ hội lớn để châu Âu thoát khỏi Mỹ.

Điều quan trọng hơn là, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm tan vỡ hoàn toàn tham vọng về kế hoạch cải cách năng lượng triệt để của Liên minh châu Âu. Nhiều nước EU ngay lập tức tuyên bố khởi động lại sản xuất điện than. Chiến lược trung hòa carbon của EU dường như đã rơi vào khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng.

Tất nhiên, chiến lược trung hòa carbon liên quan đến số phiếu bầu của các chính trị gia, chiến lược dài hạn của EU và việc xây dựng quan niệm giá trị, không ai dễ dàng từ bỏ nó. Ví dụ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sau khi tái khởi động sản xuất điện than ở Đức, Áo và Hà Lan, châu Âu nên sử dụng cuộc khủng hoảng này (xung đột Nga-Ukraine) để tiến lên phía trước thay vì quay lại với nhiên liệu hóa thạch bẩn. Nhưng nói thì cứ nói, bản thân các quốc gia thành viên rất thành thực.

Mặc dù Đức vẫn khẳng định sẽ chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2030, nhưng Đức đã quay đầu, đặt mua 150 triệu tấn than từ Indonesia, nói rằng nước này sẽ xây dựng dự trữ than và trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cuối cùng, lý do đưa ra là để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga

Hy Lạp cho biết các nhà máy nhiệt điện than của họ sẽ hoạt động cho đến năm 2028 và thủ tướng Hy Lạp đã tuyên bố sẽ sử dụng than để sản xuất điện, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến việc giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này vào năm 2030 và trung hòa của carbon vào năm 2050 như đã hứa.

Italy nói cần thiết phải mở lại các nhà máy nhiệt điện than để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Ba Lan là quốc gia cố chấp nhất, có kế hoạch chính thức chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2049, chỉ một năm trước khi EU cam kết trung hòa carbon.

Vấn đề chính là, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thử thách tính chất chiến lược trên nhiều khía cạnh của EU, đồng thời khiến người ta phải suy nghĩ về con đường thay thế hiệu quả năng lượng hóa thạch "bẩn" trong tương lai…