PGS.TS Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ứng dụng năng lượng nguyên tử trong điều trị ung thư, Việt Nam đi trước nhiều nước trong khu vực

VietTimes -- Việt Nam đã và đang có những bước tiến vượt bậc trong ứng dụng năng lượng nguyên tử vào y học, góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh - đặc biệt là những bệnh hiểm nghèo như ung thư. Để mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích xung quanh vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam - nhân hội nghị khoa học về điện quang và y học hạt nhân đang diễn ra tại Đà Nẵng.

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội năng lượng nguyên tử Việt Nam (bìa phải) trả lời phỏng vấn VietTimes
PGS.TS Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội năng lượng nguyên tử Việt Nam (bìa phải) trả lời phỏng vấn VietTimes

- Những ứng dụng năng lượng nguyên tử đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, nhất là trong y học. Ông có thể cho biết thực trạng ứng dụng năng lượng này ở Việt Nam?

 PGS.TS Vương Hữu Tấn: Việt Nam là quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử khá rộng và khá lâu, đặc biệt là trong y tế. Chúng ta đã sử dụng phóng xạ trong điều trị ung thư từ năm 1923, tại Bệnh viện K.

Còn trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, tạo giống, đất, phân cây trồng, trong tài nguyên nước, trong thăm dò khoáng sản,… có khá nhiều ứng dụng được triển khai và đã có những kết quả, tác động tốt đến phát triển kinh tế.

- Lợi ích của ứng dụng năng lượng nguyên tử trong điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư, đã chứng minh được hiệu quả. Song như ông chia sẻ là bên cạnh đó, vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Vậy đó là những vấn đề gì, thưa ông?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Điều chúng ta quan tâm nhất trong ứng dụng bức xạ trong điều trị bệnh, là làm sao bảo vệ được sức khỏe con người khi chẩn đoán, điều trị không bị các bức xạ tạo ra bệnh ung thư.

Vấn đề này rất quan trọng, nhưng hiện nay ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đó là cần xem xét lợi ích từ việc ứng dụng bức xạ trong điều trị, làm sao hiệu quả mang lại lớn hơn những rủi ro có thể gây ra. Thứ hai là phải tối ưu hóa trong sử dụng bức xạ, tức làm sao phải cho bệnh nhân nhận được liều bức xạ thấp nhất có thể, với hiệu quả mang lại vẫn như mong muốn.

Với hai nguyên lý ấy, ở Việt Nam, thời gian qua tôi có cảm nhận là các có sở y tế chưa thật sự quan tâm thực hiện. Có thể có nhiều lý do, trong đó lý do quy định pháp luật chúng ta chưa đầy đủ, công tác đào tạo cán bộ tại các cơ sở y tế còn hạn chế. Thêm nữa là các công tác quản lý nhà nước về cấp phép, thanh kiểm tra chưa thật sự chặt chẽ,…nên những rủi ro có thể xảy ra.

Vì vậy, đây là những vấn đề cần sớm khắc phục, để làm sao người dân được hưởng lợi từ các ứng dụng kỹ thuật công nghệ này một cách tốt nhất.

Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 21 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã khai mạc vào ngày 23/08, tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trong nước và thế giới
Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 21 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã khai mạc vào ngày 23/08, tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trong nước và thế giới

- Như ông vừa đặt vấn đề về nguồn nhân lực, vậy theo ông nguồn nhân lực trong lĩnh vực này có đáp ứng được nhu cầu hiện tại của nước ta?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nguồn nhân lực hiện cũng có số lượng nhất định, nhưng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực so với phạm vi ứng dụng thì thật sự chưa tương thích. 

Hiện nay, ứng dụng đang đi rất nhanh, nhưng công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế. Hơn nữa trong quy định đào tạo mới chỉ quan tâm đến đào tạo an toàn bức xạ, mà chưa quy định đào tạo về an ninh nguồn phóng xạ như thế nào. 

Đặc biệt là vấn đề đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này không có quy định cụ thể, chưa đầy đủ, công tác cấp chứng chỉ hành nghề chưa được quản lý chặt chẽ... Vì thế, thời gian tới cần có những quy định cụ thể, các chứng chỉ cần xác định rõ ràng, để đáp ứng yêu cầu.

- Là người đứng đầu Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông có thể cho biết, hiện việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế ở Việt Nam đang đứng đâu trên bản đồ thế giới? Chúng ta có bắt kịp tiến trình phát triển chung của nhân loại?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Nếu so với các nước trong khu vực thì nước ta đang ở mức khá. Có thể nói là về cơ bản, y học hạt nhân của Việt Nam đã bắt kịp các nước trên thế giới, trừ những chỉ định kỹ thuật đặc biệt và quá mới. 

Đặc biệt, có những ứng dụng mà Việt Nam đã đi trước và ứng dụng rất nhanh. Đơn cử như máy gia tốc trong điều trị ung thư. Nếu năm 2006 toàn quốc chỉ có 1 máy gia tốc, thì nay đã có đến hơn 60 máy. Đây là một con số ấn tượng mà không phải nước nào cũng có.

Bên cạnh đó còn có nhiều thiết bị để điều trị ung thư não,… Nhất là những thiết bị chẩn đoán rất hiện đại để chẩn đoán sớm ung thư Việt Nam hiện đã có nhiều ở các cơ sở y tế.

Không chỉ vậy, những ứng dụng chẩn đoán sớm ung thư với công nghệ mới nhất hiện nay Việt Nam cũng đã ứng dụng và nhiều cơ sở y tế đã có. Ngày xưa chỉ sang nước ngoài mới có các thiết bị hiện đại, nhưng bây giờ Việt Nam cũng có, thậm chí còn hiện đại hơn, cộng với đội ngũ bác sĩ chúng ta nhiều người giỏi hơn, nên người bệnh không cần phải sang nước ngoài để điều trị vẫn được hưởng các kỹ thuật chất lượng cao với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chưa tin cậy năng lực trong nước, nhưng rất nhiều kỹ thuật sang nước ngoài cũng không hơn Việt Nam, nhất là các nước trong khu vực. Thậm chí bác sỹ nước ta còn giỏi hơn vì có điều kiện thực hành trên nhiều bệnh nhân hơn, nên kinh nghiệm cũng nhiều hơn. Do đó, không cứ ra nước ngoài mới có các kỹ thuật, thiết bị tốt vì y học hạt nhân ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Điều này, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu.

Con số thống kê của ngành y tế cũng đã cho thấy, mỗi năm, có hàng chục ngàn người nước ngoài sang Việt Nam điều trị với chi phí rẻ hơn mà kỹ thuật, thiết bị không hề thua kém.

- Một vấn đề nữa quan trọng không kém, là vật liệu phóng xạ. Ông có thể cho biết, thời gian qua, vấn đề sản xuất và nguồn cung cấp nguồn dược chất phóng xạ được quản lý ra sao?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Hiện nay thuốc phóng xạ sử dụng tại Việt Nam có 2 nguồn, từ lò phản ứng và trên máy gia tốc. Đối với nguồn từ lò phản ứng thì trong nước, quy mô sản xuất còn nhỏ nên chỉ đáp ứng một phần, còn lại là nhập thuốc và bia phóng xạ từ các nước để sản xuất. Hiện chúng ta đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. 

Một nguồn nữa là từ máy gia tốc thì chúng ta mới sản xuất được một ít, phục vụ chẩn đoán ung thư sớm. Các cơ sở sản xuất như Bệnh viện Chỡ Rẫy, Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức… cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Các cơ sở y tế tại Việt Nam đã sử dụng nhiều thiết bị chẩn đoán và điều trị sử dụng công nghệ bức xạ hiện đại, tương đồng với trình độ tại nước tiên tiến
Các cơ sở y tế tại Việt Nam đã sử dụng nhiều thiết bị chẩn đoán và điều trị sử dụng công nghệ bức xạ hiện đại, tương đồng với trình độ tại nước tiên tiến

- Vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để bắt kịp sự phát triển, cũng như ứng dụng sâu hơn năng lượng nguyên tử trong y tế?

PGS.TS Vương Hữu Tấn: Theo tôi chúng ta có hai vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là làm sao thúc đẩy ứng dụng lên trên cơ sở quy hoạch định hướng phát triển, cần thiết thì xã hội hóa để mở rộng và thúc đẩy ứng dụng.

Thứ hai, đây là lĩnh vực đặc thù, nếu chúng ra không kiểm soát tốt các vấn đề về an toàn, thì hệ lụy gây bất an cho xã hội là không tránh khỏi. Vì thế, cần nâng cao năng lực trong quản lý để đảm bảo an toàn khi ứng dụng các năng lượng nguyên tử. Tôi nhấn mạnh là, chúng ta cần xem xét lại các vấn đề mang tính pháp lý, điều chỉnh cho hợp lý.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, nâng cao chất lượng, số lượng cán bộ chuyên trách, có trình độ ở lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn ông đã trao đổi!