Ứng dụng IoT vào cải cách quản lý chính quyền: đừng chỉ dừng lại ở “vỗ tay”

VietTimes-- Đảng đã có chỉ thị từ gần 20 năm trước, đã nói rất nhiều tại các diễn đàn, Chính phủ cũng đã “hô hào” không ít, nhưng vì sao việc ứng dụng công nghệ IoT vào cải cách thể chế quản lý chính quyền các cấp vẫn dẫm chân tại chỗ? Đã đến lúc không chỉ nói suông, đừng chỉ dừng lại ở hô hào, vỗ tay, mà phải hành động, nếu không muốn Việt Nam tụt lại với thế giới văn minh.
Ứng dụng công nghệ IoT vào vào cải cách quản lý chính quyền: không thể chậm trễ!
Ứng dụng công nghệ IoT vào vào cải cách quản lý chính quyền: không thể chậm trễ!

Thực trạng ứng dụng công nghệ trong quả lý chính quyền hiện nay

Ngày 17/10/ 2000, chỉ thị số 58- CT/TW của BCH TƯ Đảng đã thể hiện “  ...Công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa....”.

Sau chỉ thị này các Ban chỉ đạo về ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước được thành lập từ Trung ương đến địa phương nhằm quán triệt ý chí chính trị của chỉ thị. Với kỳ vọng ứng dụng CNTT để cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc, hiện thực hóa nhanh nhất sức mạnh của hệ thống chính trị đến toàn xã hội và tinh giản biên chế. Tuy nhiên từ chủ trương, nghị quyết đến thực hiện vẫn còn là một khoảng cách dài, nếu không nhận thức đầy đủ, quyết tâm chính trị lớn và quyết liệt, khoa học trong chỉ đạo thực hiện thì các mục tiêu đặt ra chỉ là “lời nói”.

Mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi về chủ trương cũng như nguồn lực nhưng sau hơn 20 năm có Internet, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành chính quyền vẫn còn quá khiêm tốn. Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu về kinh tế xã hội được số hóa đồng nhất ở 4 cấp quản lý từ trung ương đến địa phương. “Chính quyền điện tử” hiện nay trên thực tế mới ở mức: gửi- nhận văn bản, quản lý hồ sơ công văn đi- đến, một số nơi có hệ thống quản lý điều hành nhưng chỉ là cấp trung ương và ở địa phương mới đến cấp tỉnh.

Có thể nói ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính nhà nước chưa đáp ứng được kỳ vọng và khả năng hữu ích ngày càng thông minh hơn, nhanh hơn của công nghệ. Nhà nước hàng năm đầu tư vào lĩnh vực CNTT số tiền không nhỏ từ trung ương đến địa phương nhưng dữ liệu vẫn nằm “chết” trong các phần cứng hữu hình.

Tài nguyên số mà mỗi địa phương đang cập nhật hàng ngày, hàng giờ liên quan đến mọi mặt của cuộc sống xã hội đang bị lãng phí, tài nguyên số chưa là sản phẩm đầu vào vô hình làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chống tham nhũng tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy công quyền chưa thật sự hiệu quả một phần cũng vì chưa áp dụng triệt để ứng dụng CNTT để minh bạch chính sách và các giao dịch hành chính công. Việc tích hợp các dữ liệu phân tán thành một kho dữ liệu dùng chung khổng lồ và biến chúng thành tài nguyên số hữu ích cho phát triển kinh tế xã hội trong đó ứng dụng chính quyền điện tử để tinh giảm bộ máy tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp là việc cần làm ngay với tinh thần khoa học nghiêm túc nhất.

Demo giải pháp Smart Transportation (Giao thông thông minh) của VNPT
Demo giải pháp Smart Transportation (Giao thông thông minh) của VNPT

Nói thì hay, nhưng làm còn yếu

Lợi ích của việc ứng dụng CNTT là vĩ đại, đã trở thành hiển nhiên trong thời đại bùng nổ thông tin và cuộc cách mạng công nghệp lần thứ 4 đang tiến triển như vũ bão. Cả xã hội, hệ thống chính trị các cấp nhận thức đầy đủ, vậy căn nguyên nào cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một hệ thống chính quyền điện tử hoàn chỉnh, hữu ích?

Chúng tôi nhận thấy có mấy nguyên nhân sau đây :

Một là: Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước chưa được quán triệt đủ mạnh rằng phải chuyển đổi sang dữ liệu số để tương tác trên môi trường mạng. Mỗi bộ, ngành, địa phương đều cát cứ dữ liệu, dữ liệu vẫn ở dạng thô, chưa chuẩn hóa số ở dạng sẵn sàng chuyển đổi thành dữ liệu số hữu ích phục vụ phát triển KTXH và ANQP. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm thực hiện chỉ thị của Đảng về vấn đề này.

Hai là: Bộ tiêu chuẩn về Chính quyền điện tử chưa được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bộ ngành. Qua các thời kỳ triển khai đầu tư các ứng dụng không “bắt tay” được với nhau dẫn đến sự liên thông trong các ứng dụng trực tuyến cấp độ 3, 4 rất hạn chế. Đầu ra dữ liệu của đơn vị này không thể là đầu vào của các đơn vị khác khi liên quan đến dữ liệu. Rất nhiều ứng dụng liên quan đến giao dịch hành chính công, nếu ứng dụng trực tuyến sẽ tạo ra những minh bạch tác động đến lợi ích không lành mạnh của cán bộ công chức trong hệ thống chính quyền các cấp, đây cũng là một trong các lý do chủ yếu.

Ba là: Thể chế liên quan đến ứng dụng CNTT còn nhiều vấn đề cần phải sửa đổi liên quan đến “quyền tiếp cận thông tin” liên quan đến dữ liệu cá nhân và đặc biệt là đảm bảo xác thực thông tin trên môi trường mạng khi ứng dụng CNTT vào các giao dịch điện tử.

Thứ tư là: Mặc dù các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam đủ mạnh để bước ra thế giới số hóa dữ liệu cho nhiều Chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, nhưng dường như họ bỏ ngỏ thị trường số hóa dữ liệu và xây dựng ứng dụng điện tử hóa chính quyền theo xu hướng kết nối vạn vật  IoT cho chính quốc gia của họ. 

Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnhhanoimoi.com.vn)
Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnhhanoimoi.com.vn)

Ứng dụng IoT trong quản lý và điều hành chính quyền: không thể chậm trễ!

Mỗi thời khắc trôi qua, chúng ta chưa chuyển được mọi giao dịch hành chính công sang số hóa tức là chúng ta đang lãng phí của quốc gia vô số tài nguyên và cả những vận hội phát triển. Mỗi giao dịch được số hóa một cách bài bản vào cơ sở dữ liệu quốc gia tức là chúng ta đã tích lũy được những tài sản số vô hình mà có thể ngay sau đó chúng ta đã hưởng lợi ích từ nó.

Từ nhận thức như vậy, chúng tôi nêu ra một số giải pháp để các cấp có thẩm quyền tham khảo từ đó góp thêm vào công tác chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước như sau :

- Xây dựng phần mềm dùng chung quản lý hành chính nhà nước dựa trên nền tảng internet với công nghệ IoT triển khai đồng bộ thống nhất từ chính quyền 4 cấp đến các bộ, ngành. Tất cả các giao dịch hành chính công đều được số hóa với các dữ liệu đầu ra được phân loại cho từng ngành, địa phương quản lý. Đảm bảo mỗi công dân  có mã số định danh cá nhân là có thể sử dụng tất cả các giao dịch liên quan đến hành chính công và thực hiện được trên môi trường mạng internet. Mỗi cán bộ công chức có trách nhiệm số hóa dữ liệu các công việc hàng ngày để tích lũy tài nguyên số cho các chuyên ngành liên quan.

- Cùng với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thể chế quản lý hệ thống cũng cần được hoàn thiện như: bộ, ngành nào quản lý dữ liệu gì, cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu và cá nhân hóa đến từng cán bộ trong bộ máy chính quyền về quyền truy cập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu. Sửa đổi Luật CNTT trong đó quy định chặt chẽ hơn về ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành chính quyền trên môi trường mạng với ứng dụng công nghệ IoT.

- Kêu gọi các doanh nghiệp của Việt Nam có tiềm lực về CNTT ngồi lại cùng Chính phủ để bắt tay cùng nhau xây dựng, vận hành và chuyển giao thành công các ứng dụng CNTT liên quan đến quản lý và điều hành của chính quyền.

Chính phủ đã xây dựng hệ thống mạng chuyên dùng phục vụ riêng cho các cơ quan Nhà nước, thiết nghĩ đây cũng là một hạ tầng quan trọng đã có sự đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên trong thời đại mà mọi kết nối hữu ích đều mang lại giá trị lớn lao thì việc hòa mạng giữa hệ thống dùng riêng với hệ thống internet để tận dụng tối đa lợi thế về mặt công nghệ, xu thế thời đại.

Để rồi đến năm 2020 với công nghệ IoT mọi người dân có thể là một công dân điện tử, mỗi cấp chính quyền là một kho tài nguyên dữ liệu số với hàng trăm, nghìn giao dịch đem lại tiện ích cho phát triển KTXH và ANQP. Mục tiêu tinh giảm biên chế nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi chúng ta ứng dụng thành công IoT vào đổi mới thể chế quản lý.     

Internet of things là gì?

Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet viết tắt là IoT (tiếng Anh: Internet of Things) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.

Hay hiểu một cách đơn giản IoT là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau . Việc kết nối thì có thể thực hiện qua Wi-Fi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G), Bluetooth, ZigBee, hồng ngoại… Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, và nhiều thiết bị khác. Cisco, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay dự báo: Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, thậm chí con số này còn gia tăng nhiều hơn nữa. IoT sẽ là mạng khổng lồ kết nối tất cả mọi thứ, bao gồm cả con người và sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa người và người, người và thiết bị, thiết bị và thiết bị. Một mạng lưới IoT có thể chứa đến 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng. Một con người sống trong thành thị có thể bị bao bọc xung quanh bởi 1000 đến 5000 đối tượng có khả năng theo dõi.

 

Internet of Things đến năm 2020:

-4 tỷ người kết nối với nhau 
-4 ngàn tỷ USD doanh thu 
-Hơn 25 triệu ứng dụng 
-Hơn 25 tỷ hệ thống nhúng và hệ thống thông minh 
-50 ngàn tỷ Gigabytes dữ liệu