Ứng dụng CNTT vào giai đoạn tăng tốc 2016 - 2020

VietTimes -- Hiện tại việc ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm triển khai, mà giai đoạn 2016 - 2020 chính là then chốt cho việc tập trung triển khai ứng dụng CNTT toàn diện trong các cơ quan nhà nước trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước mang lại lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước mang lại lợi ích cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Đó là đánh giá của Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Thành Phúc tại Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2016 có chủ đề “Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm và giải pháp CNTT” đã được Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra hôm qua (14/10).

Ông Nguyễn Thành Phúc nhận định thời gian qua CNTT đã thể hiện vai trò vô cùng quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ mọi mặt đời sống xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý hành chính.

Chính vì vậy, trong thời kỳ cách mạng số hóa ngày nay, những giải pháp đột phá và toàn diện trong ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực là vô cùng cần thiết để giúp phát triển nền kinh tế và cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế, đặc biệt là đối với những ngành đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ như bảo hiểm.

Cũng theo ông Phúc, hiện tại việc ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng yếu đang được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm triển khai. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 chính là giai đoạn then chốt cho việc tập trung triển khai ứng dụng CNTT toàn diện trong các cơ quan nhà nước trong mọi lĩnh vực tại Việt Nam.

Người đứng đầu Cục Tin học hóa cho biết, để ứng dụng và phát triển CNTT bền vững, và góp phần hiện đại hóa quản lý bảo hiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của người dân, CNTT cần phát triển trên cơ sở nền tảng hạ tầng dữ liệu đầy đủ, tập trung, chính xác và ổn định.

Nhận diện được vấn đề này, tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đưa cơ sở dữ liệu (CSDL) về bảo hiểm là một trong 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Đây là một CSDL chứa thông tin về bảo hiểm toàn dân có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ, sử dụng chung giữa các bộ ngành phục vụ quản lý nhà nước phát triển xã hội đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Ông Phúc đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn về ứng dụng CNTT  ngành Tài chính năm nay có sự thảo luận, đóng góp ý kiến về việc xây dựng CSDL quốc gia này để Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu xây dựng, vận hành CSDL quốc gia về bảo hiểm đem lại lợi ích lớn nhất cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang tích cực xây dựng các nền tảng pháp lý để thúc đẩy các hình thức giao dịch điện tử vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính bằng việc xây dựng Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Với Nghị định này, các giao dịch về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gồm đăng ký tham gia, đề nghị cấp thẻ, cấp sổ, giải quyết, chi trả các chế độ độ, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và trao đổi thông tin giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.

“Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp rất cần nâng cao vai trò của công nghệ cũng như phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp công nghệ thích hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế đất nước nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng”, ông Phúc chia sẻ.

Tại hội thảo, cùng với việc tập trung đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng phát triển thị trường bảo hiểm và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo hiểm thời gian qua, chỉ rõ những khó khăn, thách thức và xác định rõ những yêu cầu để phát triển thị trường bảo hiểm trong thời gian tới; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị hội thảo Vietnam Finance 2016 tập trung thảo luận, làm rõ các xu hướng ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bảo hiểm ở các nước trên thế giới và rút ra khuyến nghị phù hợp với Việt Nam; đồng thời thảo luận các giải pháp, chính sách về thể chế, về công nghệ để phát triển thị trường bảo hiểm một cách an toàn, hiệu quả và đồng bộ.