Hội nghị vẫn quyết định áp đặt trừng phạt với một số cá nhân Nga, đồng thời cho biết sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu thỏa thuận mới đạt được bị vi phạm.
Vẫn trừng phạt Nga
Vào tuần tới, EU sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 19 cá nhân Nga và Ukraine cùng 9 thực thể, mặc dù trước đó đã nhất trí hoãn trừng phạt một tuần để tăng cơ hội thành công cho đàm phán hòa bình ở thủ đô Minsk của Belarus. Trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU ngày 12/2 ở Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: “Niềm tin của chúng tôi vào thiện chí của Tổng thống Putin có hạn. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải duy trì quyết định trừng phạt”.
Các cá nhân bị trừng phạt lần này là những người mà theo EU phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công đẫm máu vào thành phố cảng Mariupol ở Đông Ukraine hồi tháng 1 khiến 30 người thiệt mạng. Danh sách 19 cá nhân sẽ được công khai ngày 16/2. Họ sẽ bị đóng băng tài sản và cấm visa.
Chủ tịch Tusk cũng cho biết: “Cuộc thảo luận tập trung bàn cách ủng hộ quá trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Nếu không có thỏa thuận này, chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện thêm các biện pháp cần thiết”.
EU lần đầu trừng phạt các cá nhân sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3/2014, tăng cường trừng phạt kinh tế sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ ở Đông Ukraine hồi tháng 7/2014.
Cũng sau hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Nga rằng EU không loại trừ thực hiện thêm các biện pháp mới nếu thỏa thuận ngừng bắn thất bại. Tổng thống Pháp Francois Hollande đồng ý với bà Merkel và nói thêm rằng điều kiện hiện nay chưa đủ để Pháp chuyển giao hai tàu chiến Mistral cho Nga sau khi buộc phải hoãn giao hàng do khủng hoảng Ukraine.
Đột phá mới về Hy Lạp
Ngoài vấn đề liên quan Ukraine, hội nghị EU còn bàn đến vấn đề quan trọng khác là nợ công của Hy Lạp. Hy Lạp và các chủ nợ EU đã đạt được đột phá trong hội nghị khi nhất trí thảo luận về yêu cầu của nước này nhằm giảm bớt gói cứu trợ. Hai bên đã có nhiều động thái hòa giải và khiến giới đầu tư hi vọng về một thỏa thuận để tránh khả năng Hy Lạp phải rời khu vực sử dụng đồng euro.
Tại hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói: “Chúng tôi sẽ cần tìm một giải pháp tôn trọng quan điểm của các bên. Do đó, thỏa thuận này sẽ phải dựa trên giá trị cốt lõi của châu Âu, dân chủ và sự ủng hộ của người dân". Ông Tsipras và Thủ tướng Đức Merkel - chủ nợ lớn nhất và khó tính nhất của Hy Lạp - cũng tỏ thái độ khá thân thiện.
Chính không khí thân thiện này đã góp phần tạo ra đột phá cho hội nghị. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem, ông Tsipras đã nhất trí cho phép đại diện chính phủ Hy Lạp gặp đại diện Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mục đích của cuộc họp này là để tìm xem có điểm chung nào giữa chương trình cứu trợ hiện tại của Hy Lạp và đề xuất mới của chính phủ Hy Lạp hay không. Kết quả sẽ được thông báo ngày 16/2 trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone. Đây là cuộc gặp cuối cùng của các bộ trưởng trước khi chương trình cứu trợ Hy Lạp trị giá 240 tỷ euro hết hạn ngày 28/2.
Thủ tướng Hy Lạp cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng hiện tại mà các chủ nợ áp đặt để cứu trợ Hy Lạp đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Ông muốn bỏ chương trình cứu trợ đó và thay thế bằng một “chương trình bắc cầu”. Tuy nhiên, các chủ nợ, đặc biệt là Đức, chỉ đồng ý thảo luận về đề xuất mới của Athens nếu nước này đồng ý gia hạn chương trình cứu trợ sắp hết hạn. Hơn nữa, Đức cũng sợ rằng tạo điều kiện quá dễ dàng cho Hy Lạp sẽ gây ra tiền lệ cho các nước có nợ công cao.
Theo: TTXVN/Tin tức