Tỷ giá trong vòng cương tỏa

Kể từ đầu tháng 11-2015 tỷ giá hối đoái đô la Mỹ - đồng Việt Nam bắt đầu cuộc di chuyển một cách nhẹ nhàng và chậm rãi từ vùng giá 22.330-22.340 đồng lên 22.500-22.510 đồng/đô la Mỹ (tỷ giá niêm yết bán ra của các ngân hàng ngày 17-11-2015).

Nguyên nhân đầu tiên có lẽ do giá vàng thế giới sụt giảm về dưới mức 1.100 đô la Mỹ/ounce và có thời điểm về sát 1.080 đô la Mỹ/ounce. Mỗi khi giá vàng quốc tế giảm, nhu cầu gom đô la mặt trên thị trường tự do lại có dấu hiệu tăng lên. Trước đó, hàng tuần liền, các ngân hàng mua được khá nhiều ngoại tệ mặt từ dân cư do tỷ giá của ngân hàng ngang hoặc cao hơn chút đỉnh so với giá thu đổi của các tiệm vàng và các bàn thu đổi ngoại tệ. Có ngân hàng có ngày mua được 5 triệu đô la Mỹ tiền mặt (kể cả các ngoại tệ khác quy đổi ra đô la Mỹ). Nhưng khi giá đô la mặt trên thị trường tự do cao hơn giá mua của ngân hàng, khối lượng mua vào được của ngân hàng giảm trông thấy.

Những phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về khả năng nâng lãi suất đồng bạc xanh trong tháng 12-2015 đã tạo hiệu ứng ngay lập tức lên các ngoại tệ mạnh chủ chốt. Đồng bảng Anh, euro, yen, đô la Canada, đô la Singapore... đều quay lại tình trạng giảm giá so với đô la Mỹ. Một euro hiện đang tương đương với 1,067 đô la Mỹ, mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng qua. Tương tự là đồng đô la Singapore và các đồng nội tệ các nước khu vực Đông Nam Á. Đồng tiền Việt, không ít thì nhiều, cũng chịu ảnh hưởng của những diễn biến kể trên.

Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng tương đối dồi dào và lãi suất ổn định ở mức thấp. Sau khi rơi xuống mức thấp 1,4%/năm, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh 2%/năm. Việc bơm hút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn chật vật như trước do cơ quan này không phải can thiệp quá sâu trên toàn hệ thống. Thay vào đó, NHNN tăng cường kiểm tra trạng thái ngoại hối của một số ngân hàng. Những ngân hàng nào để trạng thái ngoại hối dương quá nhiều có thể bị nhắc nhở.

Gần đây rất khó để quan sát một cách chính xác liệu NHNN có còn bán ra ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá. Mọi số liệu về mua bán ngoại tệ cho từng ngân hàng đã không còn được công khai. Nhiều khả năng NHNN đã làm việc trực tiếp với các tập đoàn, tổng công ty có nhu cầu lớn về ngoại tệ và giải quyết cho các đơn vị này, mà không cần thông qua các ngân hàng thương mại. Một ngân hàng cho biết cầu ngoại tệ khối lượng lớn gần đây giảm rõ rệt.

Tỷ giá mua bán ngoại tệ của NHNN đã từ nhiều tháng nay không thay đổi: mua 21.800 và bán 22.475 đồng/đô la Mỹ. Với giá mua như vậy, sẽ không có ngân hàng nào bán cả vì giá mua đấy thấp hơn cả giá mua đô la mặt niêm yết hàng ngày của các ngân hàng, còn giá bán của NHNN đang cao hơn cả giá bán chuyển khoản của tổ chức tín dụng.

Theo thông tin hành lang, các đợt roadshow của Bộ Tài chính dự kiến ở London, New York,Hồng Kông và Singapore nhằm quảng bá cho việc phát hành 3 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế có thể đã được hoãn lại để chờ một thời điểm thuận lợi hơn.

Sự ổn định một cách tương đối của tỷ giá thời gian qua, cho dù dưới tác động của nguyên nhân nào chăng nữa, cũng là tích cực. Điều này giúp cho việc huy động vốn bằng ngoại tệ và chi phí vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp cũng như ngân hàng được cải thiện. Theo chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn, hiện lãi suất vay ngoại tệ từ các tập đoàn tài chính quốc tế của ngân hàng ông khoảng 3,15-3,2%/năm, cộng cả bảo hiểm khoảng 3,8-4%/năm. Nếu vay 2-3 năm, lãi suất chỉ còn 2,85%/năm và năm năm cao nhất cũng chỉ 3,4%/năm.

Giới ngân hàng dự đoán lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam tới đây có thể ở mức 5-5,2%/năm, cao hơn mức 4,8%/năm của đợt phát hành 1 tỉ đô la Mỹ lần trước. Đại diện Bộ Tài chính đã tỏ ý tiếc rằng đợt phát hành trước nếu nâng hạn mức lên 2 tỉ đô la Mỹ, thì tốt hơn.

Theo thông tin hành lang, các đợt roadshow của Bộ Tài chính dự kiến ở London, New York, Hồng Kông và Singapore nhằm quảng bá cho việc phát hành 3 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế có thể đã được hoãn lại để chờ một thời điểm thuận lợi hơn.

Một thông tin rất đáng chú ý là việc chuẩn bị thành lập Quỹ Đầu tư gia tăng kiều hối được đưa ra tại Hội nghị doanh nhân người Việt toàn thế giới diễn ra tuần trước ở Moscow, Cộng hòa liên bang Nga. Đây là một quỹ thuộc dạng tín thác, không giới hạn về quy mô và dự kiến mức vốn huy động ban đầu khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để chuyên đầu tư về Việt Nam. Mọi Việt kiều đều có thể góp vốn vào quỹ nếu có nhu cầu và mức lợi nhuận cố định mà quỹ cam kết trả cho nhà đầu tư là 5%/năm. Trao đổi trong hội nghị, nhiều Việt kiều ủng hộ ngay quỹ này bởi hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở ngân hàng của cá nhân rất thấp, chỉ còn 0,25%/năm và của pháp nhân là 0%/năm. Quỹ sẽ không giới hạn mức tối thiểu mà Việt kiều có thể đóng góp để ai có nhu cầu cũng có thể tham gia.

Một quan chức cấp cao NHNN khẳng định về tổng thể tỷ giá sẽ ổn định trong những tháng còn lại của năm nay. Ông cho biết có thể từ năm sau NHNN sẽ áp dụng một chính sách tỷ giá linh hoạt thông qua tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố hàng ngày. Hiện tại sau khi nâng biên độ tỷ giá lên ±3%, tỷ giá đã có một khung dao động tương đối lớn, tuy nhiên tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày vẫn cố định. Một khi tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày lên xuống, sẽ là thời điểm thị trường tập làm quen với một tỷ giá linh hoạt hơn.

Cũng không loại trừ khả năng trước khi áp dụng chi tiết kỹ thuật nói trên, một trạng thái ngoại hối linh hoạt cho các ngân hàng sẽ được đề cập. Tại sao trạng thái ngoại hối của các ngân hàng phải cố định trong khi nó có thể co giãn nhằm thích ứng với cung cầu thị trường và mục tiêu quản lý cũng như điều hành tỷ giá? Hiện tại mặc dù trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng vẫn được giữ ở mức 20%, nhưng NHNN chỉ bán can thiệp khi ngân hàng nào có trạng thái ngoại hối âm hơn 5% để đưa về mức âm 5%. Như vậy thực chất trạng thái ngoại hối đã có thể co về 15% một cách gián tiếp.  

Theo TBKTSG