TV HĐQT Vinaconex muốn “chốt lại” danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ TN năm 2019

VietTimes -- Nếu thực hiện chốt danh sách cổ đông vào ngày 14/6/2019 theo như đề xuất của các thành viên HĐQT, các ông chủ mới của Vinaconex đảm bảo việc nắm giữ cổ phần của Vinaconex liên tục trong khoảng thời gian 6 tháng. Điều này khá có ý nghĩa trong việc thực hiện quyền tại phiên ĐHĐCĐ sắp tới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Kiến nghị “chốt” danh sách họp vào ngày 14/6/2019

Chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019, ngày 13/5/2019, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) đã có tờ trình Hội đồng quản trị (HĐQT) phê duyệt việc hủy danh sách cổ đông có quyền dự họp (lập ngày 8/4/2019) và phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng, ngày tổ chức và chương trình họp.

Phản hồi về vấn đề này, một số thành viên HĐQT Vinaconex đã đề nghị chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 “cho đến khi nội bộ đạt được sự thống nhất liên quan đến quản trị điều hành”.

Lý do là thời gian vừa qua, các cổ đông lớn tại Vinaconex có những bất đồng trong quản trị điều hành công ty.

Vì vậy, việc tổ chức sau khi các cổ đông lớn đạt được sự thống nhất sẽ góp phần đảm bảo ĐHĐCĐ thường niên 2019 đi vào thực chất, các nội dung trình ĐHĐCĐ thông qua đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao.

“Trong trường hợp các thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông An Quý Hưng (Công ty TNHH An Quý Hưng - PV) lấy quyền đa số vẫn quyết định tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 28/6/2019 thì chúng tôi đề nghị ngày công bố thông tin về chốt danh sách cổ đông là ngày 25/5/2019, ngày đăng ký cuối cùng (ngày chốt danh sách cổ đông) là ngày 14/6/2019 để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông khác của Vinaconex” - trích đề nghị.

Mặt khác, các thành viên HĐQT cũng cho biết nội dung trong chương trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tại tờ trình ngày 13/5/2019 của Tổng giám đốc Vinaconex chỉ là những nội dung mang tính thủ tục và có thể xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. 

Nên biết, nếu thực hiện chốt danh sách cổ đông vào ngày 14/6/2019 theo như đề xuất, các cổ đông lớn tại Vinaconex (bao gồm cả An Quý Hưng) - những DN vừa thay thế cổ đông nhà nước và cổ đông ngoại làm chủ tổng công ty này - đều sẽ đảm bảo việc nắm giữ cổ phần VCG liên tục trong khoảng thời gian hơn 6 tháng.

Nắm giữ cổ phần trên 6 tháng, cổ đông Vinaconex sẽ có quyền gì?

Việc nắm giữ cổ phiếu liên tục trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng sẽ đem lại cho các cổ đông Vinaconex, đặc biệt là các cổ đông lớn sở hữu trên 5% khá nhiều quyền lợi.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinaconex (được thông qua tại ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 17/4/2018), Điều 12.3 ghi rõ cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ 5% tổng số cổ phần cổ đông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng có các quyền như: Đề cử các ứng viên HĐQT hoặc Ban Kiểm soát; Yêu cầu HĐQT thực hiện việc triệu tập họp ĐHĐCĐ; Kiểm tra và nhận bản sao hoặc bản trích dẫn danh sách cổ đông có quyền tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ; và Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của Vinaconex khi xét thấy cần thiết...

Trích dẫn nội dung Điều 12.3 trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinaconex năm 2018 (Nguồn: VCG)
Trích dẫn nội dung Điều 12.3 trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinaconex năm 2018 (Nguồn: VCG)

Còn căn cứ dựa vào Luật Doanh nghiệp, theo tìm hiểu của VietTimes, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần phổ thông liên tục trong thời gian 6 tháng cũng có nhiều quyền lợi khác, tùy theo tỷ lệ sở hữu.

Cụ thể, Điều 147, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông liên tục trong thời gian 6 tháng có quyền, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHCĐ có quyền yêu cầu tòa án hay trọng tài xem xét hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết ĐHCĐ trong các trường hợp sau: trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và điều lệ công ty, trừ trường hợp nghị quyết được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty.

Bên cạnh đó, Điều 161, Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc trong các trường hợp sau: vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này; không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHCĐ; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty./.