Tuyên bố đã có 12% thị phần, Bamboo Airways mơ về đội bay trăm chiếc và 30% thị phần hàng không

VietTimes -- Tại buổi họp báo về “Lễ đón chứng nhận IOSA về an toàn khai thác quốc tế - Chính thức khai thác thương mại máy bay Boeing 787-9 Dreamliner”, ban lãnh đạo Bamboo Airways đã có nhiều chia sẻ về kế hoạch phát triển đội bay, hoạt động kinh doanh, cũng như việc niêm yết cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - chia sẻ tại buổi họp báo
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - chia sẻ tại buổi họp báo

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo Airways - khẳng định hai chiếc Boeing 787 - 9 Dreamliner được mua từ hãng Boeing tại trụ sở ở Mỹ.

Các thỏa thuận mua máy bay giữa hàng và Boeing được ký kết dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước. Thông tin về các thỏa thuận này cũng được Boeing đăng tải rộng rãi. Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng thuê thêm máy bay từ GECAS (thành viên của Tập đoàn GE) có trụ sở tại Mỹ.

Lý giải về việc “lệch pha” giữa kế hoạch phát triển đội bay lên đến 50 chiếc của Bamboo Airways trong thời gian tới, vượt số lượng 30 chiếc (tới năm 2023) trong giấy phép mà Chính phủ vừa cấp, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng Nhà nước đang khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì doanh nghiệp “kinh doanh càng có hiệu quả thì càng phải được cấp phép”.

“Chúng tôi là hãng hàng không đúng giờ nhất, an toàn nhất, dịch vụ tốt nhất, làm thay đổi diện mạo ngành hàng không và được cả cộng đồng ghi nhận. Chúng tôi làm tốt như vậy, nếu không cấp phép cho chúng tôi thì cấp cho ai bây giờ?” - ông Quyết nói.

Vị Chủ tịch Bamboo Airways cũng bày tỏ tham vọng nâng quy mô đội bay lên hàng trăm chiếc chứ không chỉ dừng lại ở mức 50 tàu bay.

Ông Quyết cho biết thêm tổng mức đầu tư dự án hàng không của Bamboo Airways vẫn giữ nguyên ở mức 5.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn của hãng, một mặt nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn pháp định, mặt khác còn giúp Bamboo Airways duy trì hoạt động.

“Với một hãng hàng không như Bamboo Airways hiện nay thì số tiền cần cho hoạt động của hãng cần nhiều nghìn tỷ, không chỉ dừng lại ở mức 1.300 tỷ đồng” - ông Quyết cho hay.

Đối với câu hỏi về tình hình tài chính của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết “hẹn” sẽ công bố sau khi chốt sổ ngày 31/12/2019, tuy nhiên, ông cũng cho biết kết quả kinh doanh đang đi đúng theo “kế hoạch, chiến lược đã đề ra”. Đồng thời, hoạt động niêm yết cổ phiếu BAV của hãng cũng đang được thực hiện theo kế hoạch.

Trong khi đó, ông Đặng Tất Thắng - người vừa được ông Trịnh Văn Quyết bàn giao lại chức CEO của Bamboo Airways - cho biết hãng hoàn toàn chủ động về nguồn nhân lực để khai thác tốt nhất các máy bay mới.

“Hiện khoảng 80% phi công của chúng tôi là người nước ngoài. Bamboo Airways cũng có riêng 1 trung tâm đào tạo phi công độc lập. Do đó, chúng tôi không bị phụ thuộc vào nguồn nhân lực khan hiếm của Việt Nam. Tới đây, hãng sẽ thực hiện tuyển sinh, mở lớp đào tạo phi công. Về tiếp viên, chúng tôi có gần 800 tiếp viên, bao gồm cả các tiếp viên đến từ nước ngoài” - ông Thắng chia sẻ.

Trước những lo ngại về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thắng cho rằng sân bay này vẫn còn dư địa, “chỉ đang quá tải cục bộ, ở một số thời điểm”. Việc phát triển quy mô đội bay của Bamboo Airways cũng song song với việc mở thêm nhiều đường bay mới, trực tiếp nối các địa phương có tiềm năng du lịch và kinh tế với nhau. Trong thời gian phục vụ cao điểm tết, hãng sẽ sử dụng 1 máy bay dự phòng để đảm bảo tỷ lệ đúng giờ.

Mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần hành không

Chưa đầy một năm kể từ thời điểm chính thức khai thác thương mại, ngày 13/12/2019, Bamboo Airways đã giành được Chứng nhận đánh giá An toàn Khai thác (IOSA) của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Theo thông tin từ Bamboo Airways, chứng chỉ IOSA được đánh giá là chứng chỉ quan trọng nhất về an toàn hàng không với chỉ xấp xỉ 16% các hãng trên thế giới đạt được. Một số thống kê cho thấy, các hãng hàng không đạt chứng nhận có hồ sơ hoạt động an toàn hơn gấp 4 lần so với những hãng khác.

Việc kiểm tra tiêu chuẩn IOSA được thực hiện 2 năm/lần, với quy trình đánh giá được triển khai xuyên suốt tại các bộ phận khai thác của Bamboo Airways.

“Đây là chứng chỉ quan trọng nhất, là điều kiện cần để bất cứ hãng hàng không nào muốn bay vào Mỹ, Châu Âu. Bên cạnh đó, việc được cấp IOSA sẽ giúp Bamboo Airways mở ra cánh cửa bay vào Châu Âu năm 2020” - ông Thắng cho biết.

Giấy chứng nhận IOSA của Bamboo Airways
Giấy chứng nhận IOSA của Bamboo Airways

Đại diện Bamboo Airways cũng chia sẻ việc hãng sẽ thực hiện khai thác 2 dòng máy bay chủ lực, gồm: dòng máy bay thân hẹp A320 - A320 NEO và dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Đội bay của Bamboo Airways dự kiến đạt con số 30 máy bay đến Quý 1/2020, bao gồm 4 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Trong đó, chiếc Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên sẽ mang tên gọi “Ha Long Bay”, được Bamboo Airways đưa vào khai thác chặng bay Hà Nội - Tp. HCM và Hà Nội - Phú Quốc ngay từ đầu tháng 1/2020.

Ông Đặng Tất Thắng cho biết, đến cuối năm 2020, đội bay của hãng sẽ khai thác chính thức 50 chiếc, trong đó có 12 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner. Đến năm 2025, Bamboo Airways sẽ nâng quy mô đội bay lên 100 chiếc, nhằm chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không.

“Theo tính toán sơ bộ, cuối năm 2019, Bamboo Airways đã chiếm từ 10 - 12% thị phần, vì vậy, mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần thì không quá xa vời. Bamboo Airways sẽ cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở thêm đường bay để thu hút thêm khách hàng” - ông Thắng nói.

Trong tương lai, đội bay Boeing 787-9 Dreamliner sẽ đóng vai trò chủ lực trên các đường bay trung và dài của BA như các đường bay xuyên lục địa kéo dài trên 5 tiếng đến Tiệp, Đức, Úc, Mỹ hay đến các thị trường nguồn của Bamboo Airways tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc./.