Tướng Trung Quốc khoe khoang: PLA có hệ thống tên lửa “dẫn trước thế giới“

VietTimes -- Theo vị tướng Trung Quốc, tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của Trung Quốc đã hình thành hệ thống kết hợp xa - trung - gần, cộng với hệ thống trinh sát/gây nhiễu điện tử đã hình thành hệ thống phòng không hoàn chỉnh.
Tên lửa HQ-12 của quân đội Trung Quốc (PLA).
Tên lửa HQ-12 của quân đội Trung Quốc (PLA).

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 30/8 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng hệ thống vũ khí tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của Trung Quốc không chỉ đã phát triển có hệ thống bản thân vũ khí tên lửa, mà còn đã chế tạo thành công hệ thống thông tin bảo đảm cho tên lửa hình thành khả năng chiến đấu thực tế.

Doãn Trác tự tin cho rằng tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của Không quân Trung Quốc có khả năng tác chiến "rất mạnh", có thể tiến hành nhận dạng, theo dõi, khóa và tấn công đối với nhiều mục tiêu trong môi trường điện từ phức tạp. Nó có "cùng trình độ" với tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của các nước như Patriot-3 của Mỹ, S-300 và S-400 của Nga.

Tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba được phóng cơ động bằng xe, có thể triển khai cho các chiến khu hoặc tập đoàn quân, thực hiện nhiệm vụ dã chiến; đồng thời còn có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không ở những khu vực trọng yếu, triển khai ở khu vực duyên hải, các đô thị lớn, cảng biển lớn, cơ sở hạt nhân hoặc trung tâm chỉ huy và thông tin quan trọng.

Tên lửa phòng không HQ-6 Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã/81.cn
Tên lửa phòng không HQ-6 Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã/81.cn

Hệ thống vũ khí tên lửa này được vận chuyển nhanh, có thể tiến hành điều động tầm xa bằng máy bay vận tải cỡ lớn.

Ngoài ra, tên lửa thế hệ thứ ba của Trung Quốc cũng đã trang bị cho tàu chiến mặt nước, có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, trên không và khả năng chống gây nhiễu.

Ngày 28/8, Đại tá Thân Tiến Khoa, người phát ngôn Không quân Trung Quốc cho biết, tên lửa đất đối không HQ-9 xuất hiện trong Lễ duyệt binh trong "ngày thắng lợi" chủ yếu dùng để chống lại các loại mục tiêu tấn công trên không, là trang bị phòng không tầm xa của Quân đội Trung Quốc.

Tên lửa đất đối không HQ-12 là vũ khí phòng không tầm cao mới do Trung Quốc tự thiết kế. Hệ thống tên lửa-pháo HQ-6 là trang bị phòng thủ đoạn cuối thế hệ mới của Quân đội Trung Quốc, nó có độ chính xác cao (tên lửa) và tốc độ bắn nhanh (pháo), thực hiện nhiệm vụ đánh chặn phòng không đoạn cuối.

Tên lửa phòng không HQ-6 Trung Quốc. Ảnh: Chinatimes
Tên lửa phòng không HQ-6 Trung Quốc. Ảnh: Chinatimes

Tướng học giả Doãn Trác cho rằng tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của Trung Quốc đã hình thành hệ thống kết hợp xa - trung - gần, trong đó có tên lửa HQ-9 tầm bắn vài trăm km, tên lửa đánh chặn tầm vừa và cao HQ-16 và HQ-12, hệ thống tên lửa - pháo đánh chặn tầm thấp HQ-6 cùng với hệ thống tên lửa-pháo đối phó tên lửa chống hạm siêu âm, siêu thấp.

Cộng với các phương tiện trinh sát điện tử và gây nhiễu điện tử, chúng đã hình thành một hệ thống phòng không hoàn chỉnh, "có thể làm cho bất cứ quốc gia nào dám xâm phạm không phận Trung Quốc cùng phải trả giá nặng nề" - Doãn Trác dọa nạt.

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 24/7 đã tiết lộ các hình ảnh video thử nghiệm phòng thủ tên lửa đoạn giữa của Trung Quốc, đã gây chú ý về sự phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Đến nay, về khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo, Trung Quốc hiện không chỉ có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đoạn cuối, mà còn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đoạn giữa.

Tên lửa phòng không HQ-12 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Tên lửa phòng không HQ-12 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Doãn Trác cho rằng: "Đây không phải là bất cứ nước nào cũng có khả năng", đánh chặn phòng thủ tên lửa đoạn giữa gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm, theo dõi, phát hiện, nhận dạng và tiến hành tấn công đối với các mục tiêu, cần có sự hỗ trợ của hệ thống thông tin mạnh.

Cách đây không lâu, 3 loại máy bay ném bom thế hệ khác nhau của Quân đội Mỹ gồm B-2, B-1B và B-52 lần đầu tiên bay trên căn cứ Guam theo đội hình kiểu “diễu binh”, sau đó lần lượt triển khai nhiệm vụ đồng bộ ở Biển Đông và khu vực Đông Á.

Có bài báo của Trung Quốc cho rằng Mỹ cao giọng công bố thông tin như vậy là để phản ứng đối với hành động lấn biển, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuối năm 2015, một chiếc máy bay ném bom B-52 Mỹ đã bay trong phạm vi 2 hải lý của đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá ngầm này hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

Tên lửa phòng không HQ-12 Trung Quốc. Ảnh: Sina/81.cn
Tên lửa phòng không HQ-12 Trung Quốc. Ảnh: Sina/81.cn

Tháng 2/2016, báo chí Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đối với vấn đề này, Trung Quốc ngang nhiên cho rằng triển khai (phi pháp) loại trang bị này là “quyền lợi hợp pháp, chính đáng” của Trung Quốc.

Doãn Trác ngang nhiên cho rằng hiện nay Trung Quốc đang xây dựng (bất hợp pháp) các công trình dân dụng như sân bay, cảng biển ở các đá ngầm trên Biển Đông, trong tương lai “tất yếu cần triển khai tàu, máy bay thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn tương ứng để bảo vệ an toàn cho các công trình này và nhân viên liên quan”.

Ngoài ra, theo Doãn Trác, Quân đội Trung Quốc có thể căn cứ vào “nhu cầu thực tế”, triển khai (bất hợp pháp) hàng loạt tên lửa phòng không ở một số đảo đá để tiến hành cái gọi là “ứng phó mối đe dọa của tàu và máy bay nước khác tiến hành khiêu kích vô cớ đối với lãnh thổ của Trung Quốc”.

Tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 Trung Quốc. Ảnh: Sina/81.cn
Tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 Trung Quốc. Ảnh: Sina/81.cn

Trên thực tế, Trung Quốc đang cố tình nhận lãnh thổ nước khác ở Biển Đông là lãnh thổ của mình mà không biết hổ thẹn vì đó là hành động chiếm đoạt bất nghĩa, vô đạo. Điều này đã được lịch sử ghi nhận rõ ràng rằng, Bắc Kinh đã triển khai các hành động xâm lược vào các năm 1956, 1974, 1988…

Những phát biểu của tướng học giả Doãn Trác đã phản ánh rõ Bắc Kinh đang cố tìm mọi cách “nuốt” lãnh thổ của nước khác trên Biển Đông. Trung Quốc đã và đang triển khai mạnh mẽ quân sự hóa Biển Đông chính là vì mục tiêu phi nghĩa này.