Tướng Mỹ: Nga là đe dọa số 1, sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân

Tư lệnh Lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley miêu tả Nga “hung hăng, hiếu chiến và là kẻ thù đối với lợi ích của nước Mỹ". Ông Milley cho rằng, với vũ khí hạt nhân và năng lực có thể sử dụng loại vũ khí huỷ diệt đó, Nga là mối đe doạ lớn nhất đối với nước Mỹ.
Tư lệnh Lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley
Tư lệnh Lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley

Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu năng lực hạt nhân có thể phá huỷ nước Mỹ. Đây là một mối đe doạ lớn nhất đối với Mỹ, ông Milley đã phát biểu như vậy tại hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng ở thủ đô Washington, DC ngày hôm qua (2/11). Theo Tư lệnh Lục quân Mỹ, những hành vi gần đây của Moscow cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Chưa hết, Tướng Milley còn cho rằng, Nga đã vi phạm “trật tự Westphalian” từ năm 2008 bằng cách “xâm lược các quốc gia có chủ quyền”.

Những phát biểu trên giống hệt với những gì ông Milley từng đưa ra trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 7 vừa rồi. Khác biệt duy nhất ở đây là vào thời điểm đó ông Milley mặc quân phục màu xanh của quân đội Mỹ trong khi tại hội nghị ngày hôm qua, ông này chọn bộ quân phục chính của lực lượng bộ binh Mỹ.

Hơn nữa, những phát biểu của Tướng Milley dường như được lặp lại từ một vị quan chức quân sự hàng đầu khác của Mỹ. Hai tuần trước phiên điều trần hồi tháng 7 của ông Milley, Tướng James Dunford đã sử dụng ngôn ngữ tương tự tại phiên điều trần của chính mình tại Thượng viện liên quan đến việc bổ nhiệm ông này vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ông Dunford từng chỉ huy Lực lượng Thuỷ quân Lục chiến Mỹ.

“Tôi muốn nói rằng, những hành vi gần đây của Nga đi ngược lại với các lợi ích của Mỹ”, ông Milley phát biểu, viện dẫn đến những cuộc tập trận, tuần tra “mang tính hung hăng, hiếu chiến” của máy bay, tàu ngầm và binh lính Nga ở bên trong lãnh thổ Nga trong 4, 5, 6 và 7 năm qua. “Nga cần phải được theo dõi chặt chẽ”, Tướng Mỹ nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể đánh bại Nga trong một cuộc chiến tranh mặt đất, Tướng Milley đã trả lời: “Năng lực hiện tại của chúng ta thừa khả năng để đối phó với bất kỳ thứ gì mà Nga có”. Tuy nhiên, ông Milley không đề cập thêm về những gì mà ông đã nói trước đó liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga.

Trong khi Tư lệnh Lục quân Mỹ Milley ra sức thuyết phục rằng quân đội Mỹ không phải là lực lượng “thùng rỗng kêu to” và có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được yêu cầu thì ông này cũng đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ cung cấp thêm ngân sách, binh lính và thiết bị, vũ khí.

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ và NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu với một đội quân mũi nhọn gồm 5.000 binh lính với các trung tâm chỉ huy được lập lên ở các nước Baltic, Bulgari, Ba Lan và Rumani.

Trong thời gian qua, Mỹ cùng với phương Tây bị cáo buộc là đang tìm cách thổi phồng về mối đe dọa của Nga đối với các nước láng giềng. Điều đó khiến cho các nước láng giềng xung quanh cuống cuồng kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí và nước họ. Những nước này đồng thời cũng tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga thậm chí còn coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.

Trong khi đó, Nga tin rằng, Mỹ cùng NATO đang dựa vào cái cớ là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là cái được gọi là “mối đe dọa” từ Nga để tăng cường sự hiện diện quân sự ở mức độ chưa từng có trong các khu vực xung quanh Nga.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ tiếp tục được đẩy lên một mức nữa khi Moscow chính thức tham chiến ở Syria, làm lu mờ ảnh hưởng của siêu cường số 1 thế giới tại khu vực Trung Đông.

Trong khi Nga dồn dập và quyết liệt không kích các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì Mỹ cùng các đồng minh phương Tây ra sức cáo buộc Nga can thiệp quân sự vào Syria không nhằm mục đích chống khủng bố. Mỹ và phương Tây tin rằng, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga thực chất chỉ là vỏ bọc để chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cứu chính quyền của đồng minh Bashar al-Assad.

Theo VnMdia