Tướng Mỹ “choáng” vì Nga dụng binh quá thần tốc

Năng lực chiến đấu của Quân đội Nga quá ấn tượng khiến tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu cực kỳ lo lắng, Sputnik News ngày 20/10 cho biết.
Binh sĩ Nga đổ bộ từ tàu đệm khí "Bò rừng"
Binh sĩ Nga đổ bộ từ tàu đệm khí "Bò rừng"

“Khả năng cơ động của quân đội Nga với một lực lượng lớn rất nhanh là điều khiến tôi lo ngại nhất về những gì họ có thể làm. Chúng ta thiếu chỉ dẫn và cảnh báo, còn họ có năng lực cơ động quy mô lớn với tốc độ thực sự nhanh”, tướng Ben Hodges phát biểu trên Defense News.

Tướng Hodges còn nêu ra khả năng chống tiếp cận của Nga tại các khu vực Kaliningrad và bán đảo Crimea. Theo ông Hodges, Moscow có năng lực khá tốt để phong tỏa biển Baltics và Biển Đen nếu muốn.

“Sau đó, họ đủ khả năng thiết lập một ô  phòng thủ bao phủ một phần tư biển Địa Trung Hải với các hệ thống phòng không đặt tại Syria”, tướng Hodges nói thêm.

Ông Hodges cho rằng khả năng quân sự của Nga đang gia tăng và chỉ trích chiến dịch không kích của Nga tại Syria “chắc chắn không phải hành động của một quốc gia muốn là một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu”.

Sputnik lưu ý rằng tướng Hodges không nói về việc Mỹ hiện có nhiều hơn rất nhiều các căn cứ quân sự trên khắp thế giới và đang tham chiến tại ít nhất hai quốc gia Iraq và Afghanistan.

Ông Hodges cũng “quên” vấn đề về tính hợp pháp trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria là thể theo yêu cầu của tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Washington không hề được cho phép tác chiến tại nước này.

Không chỉ tướng Hodges, nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây đều kinh ngạc trước khả năng quân sự của Nga. Những loại vũ khí Moscow mới trình làng dĩ nhiên gây ấn tượng mạnh với họ, song nhiều người ở Mỹ và châu Âu đã bị sốc bởi “phương thức và tốc độ” trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, báo Il Giornale của Ý cho biết.

Thành công của Nga ở Trung Đông và sự chấn động do sự kiện này đã gây ra một cơn địa chấn trong chính giới và giới tinh hoa quân sự Mỹ, cũng tương tự như sự kiện Liên Xô phóng lên vũ trụ vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik I vào ngày 4/10/1957, tờ báo Ý nhận xét.

Theo QPAN