Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc chà đạp lên luật quốc tế khi đâm chìm tàu cá ngư dân!

Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) - cho biết hành động đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam của Trung Quốc là bất chấp, chà đạp lên luật pháp quốc tế, đạo lý, đi ngược lại với những điều mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an

Chà đạp lên luật pháp quốc tế

Từ khóa “Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân” trên công cụ tìm kiếm Google nhanh chóng cho ra hàng triệu kết quả. Việc Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tại ngư trường truyền thống bao đời không hiếm và ngày càng gia tăng mức độ.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Ngãi, hai tàu nước ngoài cố tình đâm chìm tàu cá Việt Nam, ngăn cản việc cứu hộ 5 ngư dân trên tàu đánh cá QNg 90497 TS chiều 9.7 là hai tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103.

Hai tàu đánh cá của ngư dân Bình Sơn, Quảng Ngãi gặp nạn là tàu QNg 90497 TS do ông Võ Văn Lựu (SN 1966) làm chủ kiêm thuyền trưởng đi cùng 5 ngư dân, rời bến vào ngày 2.7, và tàu QNg 95001 TS do ông Huỳnh Văn Khanh (SN 1985) làm chủ kiêm thuyền trưởng đi cùng 12 ngư dân, xuất bến vào ngày 20.6.

Vị trí tàu Việt Nam bị đâm chìm tại tọa độ 16 độ 06’N - 113 độ 06’E (cách đảo Linh Côn (Hoàng Sa) khoảng 35 hải lý về hướng đông - đông nam).

Đáng nói, hai tàu Trung Quốc sau khi đâm chìm đã cố tình không cho các tàu cá đánh bắt gần đó tiếp cận cứu người. Thuyền trưởng tàu cá QNg 90497 TS phải phát tín hiệu xin được hỗ trợ khẩn cấp về Trung tâm.

Nhận được tín hiệu, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã yêu cầu Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam yêu cầu các tàu nước ngoài ngừng việc ngăn cản cứu nạn số ngư dân tàu QNg 90479TS bị nạn. Lúc 19 giờ 20 ngày 9.7, tàu đánh cá QNg 95001 TS mới tiếp cận và vớt được 5 ngư dân của tàu QNg 90497 TS lên tàu.

Trao đổi với báo điện tử Môt Thế Giới về điều này, tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nói rằng nếu tàu Việt Nam đánh cá trong đặc quyền kinh tế của Trung Quốc thì Trung Quốc có quyền xua đuổi nhưng dùng vũ lực đâm chìm là vi phạm luật pháp quốc tế. Trường hợp thứ hai, khi tàu cá của Việt Nam đang đánh cá trong hải phận quốc tế mà Trung Quốc xua đuổi thì lại càng vi phạm.

Theo ông Cương, tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong vùng đặc quyền của Việt Nam thì Trung Quốc không có quyền xua đuổi chứ đừng nói gì đến việc đâm chìm. Trung Quốc xua đuổi, đâm chìm tàu cá ngư dân là vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng và cũng thể hiện sự coi thường luật pháp của họ.

“Hành động ấy là bất chấp, chà đạp lên luật pháp quốc tế, đạo lý, đi ngược lại với những điều mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết” – tướng Lê Văn Cương nói.

Không liên quan đến phán quyết của PCA

Nhiều ý kiến cho rằng hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm phản ứng với việc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan) sẽ ra phán quyết vào ngày 12.7 về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa lúc căng thẳng trong khu vực leo thang. Tuy nhiên, tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là bản chất hung hăng của Trung Quốc chứ không phụ thuộc vào phán quyết của PCA.

Tướng Cương cho biết hành động này của Trung Quốc không phải vì sắp tới PCA tuyên bố về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc. Tuyên bố của PCA là vấn đề lớn, hành động trả đũa của Trung Quốc với các tàu cá ngư dân không nói lên điều gì. Đây là sự hung hăng thường thấy của họ trong những năm trở lại đây.

“Bản chất của Trung Quốc từ xưa đến nay là vậy, rất nhiều lần bất chấp luật pháp quốc tế, ưa dùng vũ lực. Dù tòa quốc tế có phán quyết hay không thì họ vẫn tiếp tục cư xử như vậy” – tướng Cương khẳng định.

Theo tướng Cương, bắt đầu từ khi Trung Quốc vượt Nhật Bản về tổng lượng GDP vào năm 2010, khi đứng thứ 2 thế giới về kinh tế thì họ bắt đầu hung hăng và tần suất vi phạm luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông tăng lên rất nhiều. Sắp tới đây sẽ càng ngày càng lớn nữa.

Theo Một thế giới