Tương lai kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh khủng hoảng dân số

VietTimes – Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số chưa từng thấy.
Già hóa, tỷ lệ sinh thấp đang là quốc nạn tại Nhật Bản. Ảnh: National Interest
Già hóa, tỷ lệ sinh thấp đang là quốc nạn tại Nhật Bản. Ảnh: National Interest

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh giảm lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc khủng hoảng dân số đã khiến cho nền kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn.

Dân số cũng là động lực chính đối với nền kinh tế của một quốc gia. Quy mô dân số tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên, thị trường mở rộng thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải chèo lái một nền kinh tế mà dân số có dấu hiệu sụt giảm trong suốt ¼ thế kỷ qua.

Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đạt mức cao nhất là vào thời điểm cuổi những năm 1990. Từ đó đến nay, dân số Nhật Bản chỉ có giảm mà không tăng, nó thực sự là một dấu hiệu đáng báo động. Sự suy giảm lực lượng lao động khiến tăng trưởng GDP giảm kéo theo lãi suất trong nước thấp hơn. Thêm vào đó, dân số già của Nhật Bản cũng tăng vọt. Với số người lao động ít hơn, nghỉ hưu nhiều hơn, và lãi suất thấp, chính phủ Nhật bản buộc phải gia tăng nợ công để đối phó. Đây cũng là ứng xử thường thấy của chính quyền ở các nước phát triển, nó sẽ gây ra những vấn đề lớn trong dài hạn

Mặc dù vẫn có đủ việc làm nhưng ở Nhật, mức lương đang phải chịu sức ép giảm, tăng trưởng GDP đang ở mức tối thiểu, lãi suất trong nước thấp và thâm hụt ngân sách tăng cao. Khủng hoảng dân số là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này. Năm 2010, dân số Nhật Bản đạt 128 triệu, cao nhất trong lịch sử đất nước “mặt trời mọc”. Những năm sau đó, dân số Nhật giảm dần khoảng 0,4% hàng năm. Dự kiến vào năm 2040, theo đà này, dân số Nhật Bản có khả năng sẽ giảm tới 1% mỗi năm. Đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm khoảng 23% so với hiện nay.

Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng, cho đến giai đoạn cuối thế kỷ XXI, dân số Nhật Bản chỉ còn khoảng 50 triệu người, bằng 40% so với mức 128 triệu dân vào năm 2010.

Trong trung hạn, không phải tất cả các nhóm tuổi đều bị ảnh hưởng giống nhau. Số dân nhóm tuổi 65 trở lên của Nhật tiếp tục tăng và gần như ở trạng thái ổn định. Nhóm tuổi 75 trở lên tiếp tục tăng cho đến cuối những năm 2020.

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm dưới 14 tuổi, và nhóm trong độ tuổi 15-65 (vốn được coi là lực lượng lao động tiềm năng). Từ 2017 đến 2050, số người thuộc nhóm dưới 14 tuổi được dự báo sẽ giảm gần 40%. Nhóm trong độ tuổi lao động (từ 15-65 tuổi) cũng giảm 34% trong cùng kỳ. Như vậy không chỉ dân số giảm, mà dân số thuộc độ tuổi lao động còn giảm nhanh hơn nữa.

Việc thiếu người lao động kìm hãm tăng trưởng GDP. Xét về bản chất, việc thiếu công nhân có thể bù đắp bằng việc tăng năng suất. Nhưng GDP của Nhật Bản vào năm 2050 sẽ không thể cao hơn mức hiện nay. Năng suất lao động có thể tăng khoảng 1,4% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng người lao động lại giảm trung bình 1,2% mỗi năm theo như dự báo và sẽ còn giảm mạnh hơn nữa vào năm 2050. Làm việc thông minh hơn cũng không thể bù đắp cho việc ít người làm việc hơn, đó chính là vấn đề của Nhật Bản.

Con số quan trọng cho chúng ta biết tình trạng nền kinh tế Nhật Bản là GDP/người. Nhật Bản vẫn có những tiềm năng đặc biệt. Ví dụ, sự gia tăng việc làm “cao cấp” ở Nhật Bản cũng khiến GDP bình quân đầu người tăng lên một chút nhưng có lẽ sẽ không nhiều.

Tình trạng nợ công của nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu gia tăng đáng kể kể từ năm 1995 với tổng nợ/GDP vượt 200% và sẽ còn tiếp tục tăng. Theo IMF, Ngân hàng thanh toán quốc tế, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức an toàn rơi vào khoảng 60%. Nhật Bản đã vượt qua ngưỡng an toàn này kể từ 20 năm về trước và nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường. Nhưng nó còn có thể tiếp tục trong bao lâu?

Phân tích cho thấy, nếu người lao động chấp nhận mức thuế tăng và tình hình chính - trị xã hội ở trạng thái ổn định cũng như không có cú sốc nào từ bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế, Nhật Bản vẫn có thể vượt qua những khó khăn này, giữ tỷ lệ nợ công của nước này ở mức trên 200% nhưng không thể ít hơn thế.

Theo kịch bản trên, để đảm bảo nợ công không tăng, khoản thuế mà mỗi người dân Nhật phải nộp sẽ phải tăng gần 15% nếu nền kinh tế không có sự tăng trưởng. Chính phủ cũng sẽ phải giữ chi tiêu cho người được thụ hưởng ở mức độ khiêm tốn. Liệu cả người nộp thuế và người thụ hưởng có chấp nhận chính sách này hay không?

Mỗi người dân Nhật phải gánh một khoản nợ 50.000 USD vào năm 2000, lên tới 128.000 USD trong năm nay và tăng lên mức 208.000 USD vào năm 2050. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, xem xét mức nợ công ở nước này, mỗi người dân ở độ tuổi lao động sẽ phải gánh một khoản nợ khoảng 75.000 USD. Hoa Kỳ cũng có GDP bình quân đầu người cao hơn Nhật Bản.

Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và bối cảnh kinh tế thế giới. Nhật Bản có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, các thiên tai và bất kỳ sự gia tăng nào của lãi suất toàn cầu. Lãi suất tăng 1% đồng nghĩa với việc nợ công/GDP của Nhật Bản tăng 2%.

Quay lại tình trạng dân số Nhật Bản, tỷ lệ sinh của nước này đang ở mức đáng báo động 1,4 con/phụ nữ thấp hơn mức trung bình 1,5 của OECD trong khi mức cần thiết để giữ dân số ổn định là 2.07. Vấn đề lớn nhất của Nhật Bản là làm thế nào để tăng tỷ lệ sinh lên.

Theo National Interest