Tương lai của báo chí nằm ở ... robot?

Không thể phủ nhận ngành công nghệ đang thay đổi cách tạo ra tin tức thông qua các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thuật toán và robot có phải tương lai của báo chí?

Ảnh minh họa

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu biết tin tức vừa đọc là do trí tuệ nhân tạo viết? Kể từ năm 2012, việc này xảy ra thường xuyên hơn. Các tòa soạn lớn bắt đầu ứng dụng thuật toán, lập trình chúng trong một số dự án để giới thiệu tin tức được viết tự động.

Dù vậy, báo chí tự động chính xác là gì? Theo Matt Carlson, tác giả cuốn “Phóng viên robot”, đó chính là quy trình thuật toán chuyển hóa dữ liệu thành các đoạn tin tường thuật mà không có sự can thiệp của con người.

Với sự tiến bộ của dữ liệu lớn và thuật toán, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi báo chí trở thành đích đến tiếp theo của công nghệ. Cách sản xuất và phân phối tin tức thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Các hãng tin uy tín như AP nhanh chóng nhận ra điều này và từ năm 2014 bắt đầu sử dụng Automated Insights, nền tảng robot có khả năng chuyển dữ liệu từ các báo cáo thành tin tức.

AP không đơn độc. LA Times cũng dùng robot để thu thập thông tin về tội phạm của thành phố Los Angeles. Trang web dành riêng cho nó có tên “Homicide Report”. Robot phóng viên này đưa vào tin tức của mình các dữ liệu như giới tính, chủng tộc của nạn nhân, nguyên nhân cái chết, cảnh sát liên quan, hàng xóm, năm tử vong.

Một số ấn phẩm như The Guardian, The Washington Post, Forbes thử nghiệm công cụ viết tin tự động do Narrative Science cung cấp. Đồng sáng lập startup Kristian Hammond từng nói trong vòng 15 năm nữa, hơn 90% tin tức sẽ do máy tính viết.

Đổi mới là yếu tố quan trọng trong truyền thông. Chúng ta đang sống trong thế giới chuyển động chóng mặt, tiêu thụ hàng tá thông tin mỗi ngày. Sự thật không thể chối bỏ là độc giả hướng đến các tin tức chung chung thay vì các bài báo sâu sắc. Nếu thuật toán có thể sản xuất hàng loạt tin tức “ăn liền”, chất lượng báo chí có đi xuống, độc giả có quen thuộc với thể loại báo chí do robot thực hiện hay không? Liệu những ngày của đưa tin chuyên sâu và báo chí điều tra có chấm dứt?

Cho đến nay, chỉ các bài viết có cấu trúc lặp lại và thông thường (báo cáo động đất, sự kiện thể thao, tin tức tài chính) do robot sản xuất do thực tế số liệu có thể đưa vào dễ dàng hơn là phỏng vấn và thể hiện quan điểm.

Vì vậy, nảy sinh nhiều câu hỏi khác: Nội dung do phần mềm tạo ra có đáng tin, có ý nghĩa hay có tính chuyên sâu không? Thuật toán có thể mô phỏng nghệ thuật của báo chí điều tra không? Phần mềm tự động viết tin có đặt dấu chấm hết cho người làm báo không? Trong những thời khắc quan trọng, báo chí phải có sức mạnh để thích ứng với môi trường kỹ thuật số mới.

Ngoài ra, với việc tin tức giả mạo lan tràn và Facebook trở thành nơi phân phối tin tức, các trang báo chí không chỉ mất độc giả, doanh thu quảng cáo mà còn cả lòng tin từ công chúng. Họ có thể phục hồi như thế nào?

Báo chí robot lúc này có thể là lời giải. Tiền đề của báo chí robot khá đơn giản, là cơ hội để nhà báo con người tập trung hơn vào nội dung chất lượng, sâu rộng hơn là những tin tức lặp đi lặp lại thuần túy. Cuối cùng, họ được giải phóng khỏi áp lực phải viết những câu chuyện mang tính máy móc.

Báo chí tự động mở ra cơ hội mới cho các tòa soạn, nó có thể thay thế hoặc hỗ trợ một số kỹ năng cơ bản như chính tả, tốc độ, giảm chi phí sản xuất. Nó cũng giúp mở rộng phạm vi đưa tin vì cho phép hãng tin thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu.

Tuy nhiên, các tiến bộ này ảnh hưởng đến vai trò của phóng viên và nghề nghiệp của họ. Như Kim Daewon và Kim Seongcheol chỉ ra trong nghiên cứu “Thái độ của nhà báo với báo chí robot”, những nhà báo, tác giả chuyên đưa tin lo rằng phần mềm viết báo tự động sẽ thay thế họ tại tòa soạn.

Vấn đề lớn hơn đối với tin tức tự động là một số yếu tố không thể lập trình. Tin tức do máy móc sản xuất lấy dữ liệu từ nhiều luồng tin độc lập, có thể mang tính thiên vị. Nếu nhiều tin tức được sản xuất tự động trong tương lai, thuật toán có thể củng cố quan điểm của mọi người bằng cách chỉ sản xuất tin tức phù hợp với thị trường hoặc dựa trên bộ dữ liệu trước đó.

Giới nhà báo cho rằng tin tức sản xuất tự động thiếu bối cảnh, chiều sâu, sự phức tạp và sáng tạo của đưa tin truyền thống. Van Dalen tranh luận trong bài báo “Thuật toán đứng sau các tiêu đề”, một phần của nghệ thuật báo chí là khả năng viết các câu phức tạp về mặt ngôn ngữ. Kỹ năng ấy định hình báo chí nhiều hơn sự thật, khách quan, đơn giản và tốc độ.

Báo chí robot là cơ hội để báo chí trở nên nhân văn hơn bởi đóng góp của nó trong củng cố tính cạnh tranh thông tin của báo chí. Nó cho phép sản xuất nội dung nhanh hơn, chính xác hơn, thu hút nhiều loại hình tiêu thụ và phân phối tin tức mới. Trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò lớn trong sản xuất tin tức trong tương lai nhưng chúng ta phải cẩn trọng và khôn ngoan khi sử dụng, phát triển nó thay vì bảng quan và phủ nhận.

Karl Marx từng nói, “máy móc được xây dựng nhờ tiến bộ kỹ thuật sẽ thay thế con người tại nơi làm việc”. Không rõ bao lâu nữa đến một ngày mọi tin tức chúng ta đọc bên dưới sẽ có dòng chữ “Câu chuyện này do robot viết”.

Ngay cả khi công nghệ chưa đủ tinh vi và còn nhiều hạn chế, có lẽ ngày mà phần mềm viết báo đóng vai trò trung tâm trong báo chí và trở thành một phần trong thói quen đọc báo của chúng ta sẽ không còn xa.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/cntt/tuong-lai-cua-bao-chi-nam-o-robot-184350.ict