Tuần qua, vàng rớt giá 1,2%, bạc rớt giá 3,3%

VietTimes – Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND liên ngân hàng, tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 1,9 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
Ảnh minh họa. (Nguồn: MarketWatch)
Ảnh minh họa. (Nguồn: MarketWatch)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (Thứ Sáu ngày 16/6), giá vàng giao tháng Tám trên sàn Comex tại Sở Giao dịch New York Mercantile đảo chiều nhích nhẹ $1,90 (+0,2%) lên chốt tại $1.256,50/oz – thoát đáy kể từ ngày 24/05 vừa lập trong phiên trước đó, theo dữ liệu của FactSet. Tính chung cả tuần, kim loại quý này đã mất giá tới 1,2%.

Trong khi, giá bạc giao tháng 7 vẫn giảm 5,5 cents (-0,3%) về chốt tại $16,661/oz – cũng là mức thấp nhất kể từ hơn một tháng qua. Tính chung cả tuần, bạc đã rớt giá tổng cộng 3,3%.

Tại các bảng giao dịch khác, giá bạch kim (platinum) giao tháng Bảy tăng $5,50 (+0,6%) lên $926,80/oz (-1,4% trong tuần); Giá paladium giao tháng Chín tăng $7,70 (+0,9%) lên $865,65/oz (+1,1% trong tuần); Giá đồng giao tháng Bảy giảm nửa cent về $2,564/pound (-3,2% trong tuần).

Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 10h53’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.253,39/oz.

Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.253,40/oz.

Diễn biến giá vàng hôm nay ở thị trường châu Á. (Đồ thị: Kitco)

Về diễn biến thị trường, động lực chính cho sức hồi phục khiêm tốn của giá vàng, một phần đến từ sự suy yếu của đồng bạc xanh.

Nhiều chỉ số kinh tế Mỹ được công bố vào hôm thứ 6 đã không được như kỳ vọng, như sự suy thoái của chỉ số nhà ở xây dựng mới trong tháng Năm, chỉ số sức mua trong tháng 6, hay những lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này tung ra một gói kích thích kinh tế. Với vàng, đây đều là những tin tốt.

Dẫn lời trên MarketWatch, ông Adam Koos, Chủ tịch Công ty Libertas Wealth Management Group đánh giá: “Chúng tôi không thấy bất kỳ tin đồn nào, lực cầu đối với vàng khó được cải thiện bởi thị trường đều hiểu, lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng, trong dài hạn”.

Đầu tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cùng đồng sự đã đề ra kế hoạch thu hẹp bảng cân đối 4.500 tỷ USD trong năm nay, đồng thời, quyết định điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm – lần tăng thứ hai trong vòng 3 tháng qua.

Thực ra sự điều chỉnh trên không nằm ngoài dự đoán của thị trường nhưng giọng điệu “diều hâu” của Ngân hàng Trung ương Mỹ đối với định hướng chính sách trong dài hạn là khá bất ngờ. Tất nhiên, nó sẽ tạo ra áp lực giảm giá lớn cho vàng – thứ tài sản không sinh lời.

Dẫu vậy, theo một số nhà phân tích, việc rớt giá của vàng là cơ hội tốt để gom hàng.

Joni Teves, chiến lược gia của UBS lưu ý: “Ban đầu, chúng ta có cảm giác rằng lạm phát mềm sẽ tạo ra rủi ro ngược cho vàng, thứ tài sản trú ẩn trước lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc đọc-hiểu thông điệp điều chỉnh lãi suất của FED có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi tin rằng rủi ro ngược sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng và chi phối những kỳ vọng về lộ trình chính sách của FED, cũng như làm cho đường cong lãi suất phẳng hơn”.

“Điều này cho thấy vàng đã bắt kịp xu thế và mức giá thấp trong hiện tại của vàng là cơ hội tốt để mua vào”, Teves nói.

Trong một diễn biến liên quan, chốt phiên cuối tuần, quy mô quỹ SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới – gần như không đổi. Trong khi, quy mô quỹ tín thác bạc iShares Silver Trust vẫn giảm tiếp 0,4%.

Tuần qua, vàng rớt giá 1,2%, bạc rớt giá 3,3% ảnh 2Diễn biến giá vàng SJC 7 ngày qua. (Đồ thị: Doji)

Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Bảy ngày 17/6), giá vàng SJC đang nhích khẽ.

Cập nhật đến thời điểm 9h20’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang được yết ở 36,16 – 36,36 triệu đồng/lượng (MV-BR), không đổi so với giá khảo sát sáng qua.

Tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được tập đoàn này điều chỉnh tăng 30 nghìn đồng lên yết ở 36,26 – 36,34 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 80 nghìn đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,27 – 36,33 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá vàng miếng thương hiệu vàng rồng Thăng Long đang được mua bán ở mức 34,51 - 34,96 triệu đồng/lượng (MV – BR).

“Giá vàng trong nước đang giảm khá mạnh và đang ở mức tốt nên theo ý kiến của nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khuyên thì người dân có thể mua vàng tích trữ thời điểm này để mua được vàng giá thấp. Còn nhà đầu tư cũng có thể đầu tư mua vàng khi vàng đang ở vùng giá thấp như hiện nay”, Bảo Tín Minh Châu đề cập trong một bản tin vào giờ trưa hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND liên ngân hàng (22.732 VND/USD), tính ra giá vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới khoảng 1,9 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).

Tỷ giá ổn định

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, áp dụng cho ngày hôm nay (16/6/2017) ở 22.410 đồng, không đổi so với mức công bố trước đó.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.082 đồng và tỷ giá sàn là 21.738 đồng.

Trên thị trường ngoại hối chính thức, tỷ giá USD/VND không có nhiều thay đổi theo niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Vietcombank và DongABank hiện đang cùng mua bán USD ở mức 22.655-22.725 đồng (mua vào – bán ra). Trong đó, Vietcombank tăng 5 đồng ở cả hai chiều còn DongABank không điều chỉnh tỷ giá so với giá khảo sát sáng qua.

Vietinbank tăng 5 đồng ở cả hai chiều, lên 22.660-22.730 đồng trong khi BIDV giảm 10 đồng, xuống 22.650-22.720 đồng. Trong khi, tỷ giá tại ACB đang là 22.655-22.735 đồng, tăng 10 đồng chiều bán ra./.