“Tử thần gõ cửa”: Taliban lục tung từng nhà, đuổi cùng giết tận kẻ thù trong “danh sách đen”!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tra tấn, giết hại người thiểu số Afghanistan, ám sát người thân của một nhà báo và đe dọa những người dân từng làm việc với chính phủ được Mỹ hậu thuẫn…là động thái mới của Taliban.
Taliban có nhiều hành động thanh trừng dã man những người từng chống lại chúng (Ảnh: BBC)
Taliban có nhiều hành động thanh trừng dã man những người từng chống lại chúng (Ảnh: BBC)

Những câu chuyện rùng rợn ở Afghanistan xuất hiện ngày càng nhiều trên các hãng truyền thông quốc tế, kể từ khi Taliban giành được quyền lực ở đất nước bị hủy hoại bởi chiến tranh, mặc dù tổ chức người Hồi giáo dòng Sunni này đang cố gắng khoác lên mình lớp vỏ bọc ôn hòa.

Trong lúc mà cộng đồng quốc tế còn đang hoài nghi về sự thay đổi của Taliban, nhiều báo cáo từ thực địa cho thấy cái gọi là “Taliban 2.0” có thể rất khác so với tổ chức mà thế giới từng biết trong giai đoạn nó còn cai trị Afghanistan (1996-2001) – thời kỳ mà phụ nữ bị tước hết quyền và các nhóm thiểu số bị tấn công dã man.

Tàn sát các nhóm thiểu số

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho hay các chiến binh Taliban đã tra tấn và sát hại nhiều thành viên của một nhóm người thiểu số sau khi đổ bộ tới ngôi làng của họ, theo báo cáo của AP.

AI cho hay các điều tra viên của họ đã nói chuyện với nhiều nhân chứng ở tỉnh Ghazni, họ kể lại rằng Taliban đã giết hại 9 người Hazara ở làng Mundarakht trong những ngày từ 4 – 6/7/2021, theo AP. Báo cáo cho biết 6 người đàn ông trong số này bị bắn chết, 3 người còn lại bị tra tấn đến chết.

Mức độ tàn bạo của các vụ giết chóc là “lời cảnh tỉnh về quá khứ của Taliban, và một tín hiệu đáng sợ về ách cai trị của Taliban trong thời gian tới”, Agnes Callamard, người đứng đầu AI, nói với AP.

Nhiều vụ tàn sát khác có thể đã không được báo cáo bởi Taliban đã cắt đứt dịch vụ di động ở nhiều khu vực mà họ chiếm đóng để ngăn không cho những hình ảnh ghê rợn đó lọt ra thế giới bên ngoài, theo báo cáo của AI.

Người thiểu số Hazara và Shia đã bị áp bức bởi Taliban trong suốt nhiều thập kỷ. Sau khi vùi dập chính phủ mà Mỹ hậu thuẫn vào ngày 15/8 vừa qua, Taliban đã tiêu hủy và cho nổ tung một bức tượng thủ lĩnh vũ trang người Hazara, Abdul Ali Mazari ở tỉnh Bamiyan. Được biết, Mazari bị Taliban sát hại vào năm 1995.

Thân nhân của nhà báo “lọt tầm ngắm”

Taliban – nhóm phiến quân đã thúc giục các giáo sĩ kêu gọi sự đoàn kết trong buổi lễ cầu nguyện đầu tiên kể từ khi chúng chiếm được thủ đô Kabul – đã nổ súng giết hại thân nhân của một nhà báo làm việc cho tờ Deutsche Welle (DW) trong khi đang truy lùng nhà báo này, hãng tin của Đức cho hay.

Taliban cũng đang thực hiện chiến dịch lùng soát từng nhà một để tìm kiếm nhà báo nọ. Một người thân nhân thứ hai của nhà báo đã bị thương nặng nhưng may mắn là những người còn lại trong gia đình ông trốn thoát.

Ngoài ra, Taliban cũng lục soát nhà riêng của ít nhất 3 nhà báo làm việc cho tờ DW; hãng tin này cho biết.

DW cùng nhiều tổ chức truyền thông khác của Đức đã kêu gọi chính phủ nước này có hành động nhanh chóng để hỗ trợ đội ngũ phóng viên của họ ở Afghanistan. Tổng giám đốc DW, Peter Limbourg, đã chỉ trích vụ sát hại mà ông cho là gây nguy hiểm cho các nhân viên hãng truyền thông và gia đình của họ ở Afghanistan.

“Việc Taliban sát hại một người thân của một trong số những biên tập viên của chúng tôi là một tấn thảm kịch, và cho thấy sự nguy hiểm mà các nhân viên của chúng tôi và gia đình họ ở Afghanistan đang phải đối mặt” – Limbourg nói – “Đây là bằng chứng cho thấy Taliban đã và đang thực hiện các cuộc tìm kiếm có tổ chức đối với các nhà báo, cả ở Kabul và các tỉnh khác. Chúng ta đang cạn dần thời gian!”.

Tổ chức Phóng viên xuyên Biên giới cũng thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước thông tin trên. “Đáng buồn thay, điều này đã khẳng định nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi”, Katja Gloger, thành viên thuộc tổ chức này ở Đức, nói với AP. “Hành động man rợ của Taliban cho thấy sinh mạng của những nhân viên truyền thông độc lập ở Afghanistan đang trong tình trạng nguy hiểm”.

Gõ cửa từng nhà

Hãng thống tấn AFP cũng báo cáo rằng một tài liệu mật của LHQ mà họ nắm được cho thấy nhóm phiến quân này đang tăng cường truy lùng nhưng người bị chúng liệt vào “danh sách đen”, bao gồm những công dân Afghanistan từng làm việc cho Mỹ và NATO.

Taliban đang đi từng nhà, tìm kiếm kẻ địch của chúng và gia đình của họ theo tài liệu tình báo của LHQ, càng làm tăng nỗi sợ hãi rằng những kẻ cai trị mới ở Afghanistan sẵn sàng phớt lờ cam kết nhân đạo của mình.

Báo cáo trên, được viết bởi Trung tâm Phân tích Toàn cầu Na Uy, nói rằng Taliban cũng đang kiểm tra tất cả những người đến sân bay Kabul.

“Chúng nhắm vào gia đình nhưng người từng từ chối đầu hàng, hành quyết và trừng phạt gia đình họ “theo luật Sharria”” – Christian Nellemann, giám đốc điều hành của Trung tâm, nói với AFP – “Chúng tôi cho rằng những người từng làm việc với lực lượng Mỹ và NATO, cùng với gia đình họ, đang có nguy cơ bị tra tấn và hành quyết”.

“Mạng sống bị đe dọa”

Một số nhân viên hãng truyền thông cho hay họ bị đánh đập bằng gậy khi đang cố gắng ghi lại hình ảnh hỗn loạn ở thủ đô Kabul trong những ngày gần đây, mặc dù Taliban một mực cho rằng nhà báo và phụ nữ không có gì phải sợ hãi sự cai trị của họ.

Một đoạn video mà một nữ nhà báo có tiếng đăng tải lên mạng trong tuần này lại cho thấy thực tế khác hẳn với hình ảnh một Taliban bao dung.

“Mạng sống của chúng tôi đang bị đe dọa” – Shabnam Dawran, một người dẫn chương trình của hãng RTA, nói trong lúc bị cấm đến văn phòng làm việc – “Các nhân viên nam, những người có thẻ văn phòng được cho phép đến nơi làm việc nhưng tôi thì bị nói là không thể tiếp tục công việc được nữa bởi hệ thống này đã thay đổi”.

Nỗi sợ hãi và đe dọa

Sau khi dẹp tan lực lượng chính phủ và chiếm được thủ đô Kabul, các thủ lĩnh của Taliban liên tục tuyên bố đảm bảo sự tự do của các hãng truyền thông và ân xá cho tất cả đối thủ cũ của họ, như một chiêu trò PR.

Phụ nữ ở Afghanistan cũng được Taliban hứa hẹn rằng quyền của họ sẽ được tôn trọng, và rằng Taliban đã “khác theo hướng tích cực” so với ách cai trị của họ hồi những năm 1996-2001, thời điểm mà phụ nữ phần lớn chỉ được ở trong nhà. Mới đây, có nhiều báo cáo cho thấy giá của Burqa – trang phục giúp phụ nữ che kín từ đầu đến chân – đã tăng đột biến sau khi Taliban trở lại nắm quyền.

Bất chấp lời hứa hẹn của Taliban, nhiều người dân Afghanistan lo ngại về ách cai trị kiểu cũ của Taliban – trong đó cấm xem TV, cấm nghe nhạc, chặt tay những người bị nghi trộm cắp hay tổ chức các cuộc hành quyết ngay giữa nơi đông người.

Lo sợ về những điều tương tự lặp lại khi Taliban nắm quyền, hàng nghìn người đã đổ tới sân bay ở Kabul, vượt qua các điểm chốt của chiến binh Taliban để tìm cách đi lên những chuyến bay sơ tán. Nhiều người khác thì đổ ra đường biểu tình – hành động mà Taliban sẵn sàng đàn áp mạnh tay.

Lực lượng kháng chiến hình thành

Trong những ngày gần đây, nhiều người dân Afghanistan ở một vài thành phố đã đứng lên biểu tình Taliban. Ít nhất 1 người đã thiệt mạng trong hôm thứ Tư tuần này, trong một cuộc tuần hành ở thành phố Jalalabad, sau khi những người biểu tình hạ cờ của Taliban và thay thế bằng cờ 3 màu của Afghanistan. Một người khác bị thương nặng trong một cuộc biểu tình ở tỉnh Nangarhar.

Các cuộc biểu tình cũng lãn tới thành phố thủ đô. Hôm 19/8, một đoàn xe và người gần sân bay Kabul mang theo các tấm banner đen, đỏ và trắng đại diện cho quốc kỳ Afghanistan – như một biểu tượng chống đối Taliban.

Trong khi đó, các thủ linh đối lập đã tập họp ở khu vực chưa bị Taliban kiểm soát để thảo luận về việc phản công vũ trang. Hiện chưa rõ kế hoạch này liệu có tác dụng hay không, bởi Taliban đã chiếm gần hết Afghanistan chỉ trong vòng có vài ngày trong khi chịu rất ít sự phản kháng của lực lượng chính phủ.

Tuy nhiên, Nga đã nhấn mạnh rằng phòng trào kháng chiến đang hình thành ở Thung lũng Panjshir, dẫn đầu là Phó Tổng thống Amrullah Saleh và Ahmad Massoud, con trai của một chiến binh từng bị giết hại vì chống Taliban.

“Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Ở Thung lũng Panjshir, phía Đông Bắc thủ đô Kabul, Ahmad Massoud, con trai của chiến binh chống Taliban nổi tiếng nhất Afghanistan, Ahmed Shah Massoud, nói rằng ông “sẵn sàng tiếp bước cha mình”. “Nhưng chúng tôi cần thêm vũ khí, thêm đạn dược và hậu cần”, Massoud viết trên tờ Washington Post.